7h sáng, Nguyễn Quang Huy (Yên Phụ, Hà Nội) vội vàng leo lên chiếc xe máy để đi săn Pokemon.

Với mong muốn thu thập được nhiều thú ảo, cậu chạy xe về phía quảng trường Ba Đình. Mặc kệ đoạn đường buổi sáng đông nghịt các phương tiện giao thông đang di chuyển, tiếng còi xe ầm ĩ và cả cái nắng nóng của tháng 8, Huy vẫn vừa đi vừa cầm điện thoại tìm các con Pokemon và PokeBall (bóng bắt Pokemon).

Bất ngờ, Huy rẽ tay lái, hai mẹ con đi ngay sau theo đà, phanh gấp và lao thẳng vào cậu. Hai chiếc xe đổ ra giữa đường, đứa trẻ ngồi sau lưng mẹ ngã mạnh xuống đất.

Chàng trai sinh năm 1995 luống cuống bò dậy, vội vàng dựng xe cho người phụ nữ, bế bé gái đứng dậy. Cậu lí nhí xin lỗi và giải thích, cú rẽ bất ngờ vừa rồi do muốn bắt được Eevee (một loài thú ảo) đang đứng ở vỉa hè.

Đã ba ngày kể từ khi trò chơi Pokemon Go chính thức vào thị trường Việt Nam, giới trẻ luôn trong tình trạng đổ xô ra đường bắt thú ảo, bất kể sáng sớm, giữa trưa nắng hay đêm hôm. Tai nạn giao thông như của Quang Huy vì thế không hiếm.

11h ngày 7/8, khu vực quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám xuất hiện nhiều nhóm bạn trẻ đi săn Pokemon. Ảnh: FB Phạm Đức Huy.

Quên ăn, quên ngủ để săn thú ảo

Cơn sốt Pokemon Go khiến các bạn trẻ mê mẩn cùng những con thú, việc ấp trứng, trung tâm chăm sóc thú, phòng gym Pokemon. Họ sẵn sàng bỏ bữa, thức khuya, dậy sớm vì mải mê với việc lướt điện thoại.

Tại Hà Nội, các quán trà đá, cà phê, công viên công cộng tại trung tâm thành phố, đoạn đường ngắn xung quanh khu vực Lăng Bác, Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc tử Giám, chùa Trấn Vũ, chùa Cát Linh, công viên Cầu Giấy, công viên Bách Thảo...  là những địa điểm được game thủ lựa chọn.

Còn ở TP HCM, công viên Tao Đàn, Lê Thị Riêng, vòng xoay Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng, phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn đông nghịt người đến bắt các loại Pokemon cấp cao và hiếm gặp.

Từ ngày gia nhập đội 'thợ săn', Trương Huyền Trang (Long Biên, Hà Nội) phải thú thật không thể tập trung vào cuộc sống và công việc.

'Đường đi làm bình thường 30 phút, giờ dài đến cả tiếng vì bị những con thú trên đường dụ dỗ. Vừa lái xe, mình vừa tranh thủ cầm điện thoại để săn và ấp trứng.

Chưa kể thời gian rẽ ngàng dọc đến gần các PokeStop (điểm dừng chân của huấn luyện viên) để thu thập thêm trứng Pokemon, Potion Revive (thuốc hồi sinh Pokemon), Incense (thuốc thu hút Pokemon lại gần) để tăng cấp độ trong trò chơi', cô gái 23 tuổi say sưa kể.

Cùng tình trạng đó, Nguyễn Thành Duy (học sinh lớp 11) vẫn chưa thể chăm chú vào bài vở, do còn mải mê với các Pokemon, dù trường đã bắt đầu học từ 1/8.

'Cả trường thế chứ chẳng riêng gì mình. Giờ ra chơi, đứa nào cũng lang thang trong sân trường, thậm chí còn trốn ra ngoài để bắt thú. Giờ học là lúc để 'ấp trứng', tìm phòng gym, đọc thông tin các loại Pokemon', cậu cho hay.

Thành Duy tiết lộ, cậu và bạn bè dự tính hết giờ học sẽ cùng nhau lên Hồ Tây tìm các loại Pokemon hiếm.

Gặp tai nạn, cướp giật, móc túi vì mải bắt Pokemon

11h tối 9/8, nhiều người đi đường xung quanh khu vực phố cổ, Hồ Gươm ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ vừa lái xe, vừa dùng điện thoại.

Trần Mỹ Linh (sinh năm 1998, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm, những cao thủ Pokemon Go sẽ đi nhóm hai người - một người lái xe, một người làm nhiệm vụ bắt thú.

'Vừa đi, vừa để ý đường phố, lúc phát hiện ra Pokemon ném bóng thường không chuẩn. Thế nên, mình phải dừng xe để bắt cho chính xác và không phí bóng. Nhưng như vậy dễ bỏ qua con thú vì bắt không nhanh', 9X cho biết.

Mỹ Linh kể, hai người đi cùng sẽ cơ hội bắt thú hơn, trong một tối cô đã bắt được hơn 30 con.

Mặc cho lời chỉ dẫn của Pokemon Go lúc vừa bật lên: 'Không chơi khi đang lái xe', tại các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, nhiều bạn trẻ vẫn điềm nhiên dừng xe máy giữa lòng đường, chăm chú bắt thú. Chỉ đến khi tiếng còi thúc giục đằng sau vang lên, họ mới giật mình, vội tắt trò chơi và lái xe đi tiếp.

Cũng trong tối 9/8, mạng xã hội xuất hiện clip quay cảnh một bạn trẻ trèo tường vào khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám để bắt những Pokemon có cấp độ cao.

Tại ngã tư Tràng Thi giao với phố Lê Thái Tổ (Hà Nội), nhiều bạn trẻ đã bị lực lượng cơ động giữ lại vì sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe, không đội mũ bảo hiểm và liên tục dừng giữa đường gây cản trở giao thông.

Chứng kiến việc cả thế giới bị 'hút' vào Pokemon Go, họa sĩ người Ba Lan - Pawel Kuczynsk - đã cho ra đời bức tranh biếm họa có tên Control (Kẻ điều khiển), mang ý nghĩa: Con người đang làm nô lệ của Pokemon. Ảnh: Pawel Kuczynsk.

Theo đặc thù của trò chơi, những con Pokemon nước sẽ xuất hiện gần ao, hồ, Pokemon ma sẽ xuất hiện tại nghĩa trang, hay Pokemon cây sẽ ở gần công viên, rừng rậm...

Vừa qua, một nhóm bạn Hà Nội quyết định đến nghĩa trang Trung Kính Thượng (Cầu Giấy, Hà Nội) để tìm các con thú cấp độ cao. Chỉ đến khi một người trong nhóm suýt rơi xuống hố huyệt được đào sẵn để chuẩn bị cài mộ, họ mới sợ hãi trở về.

Tại TP HCM, nơi thường xuyên xảy ra các vụ cướp giật trên đường, trò chơi Pokemon Go lại càng tăng thêm độ nguy hiểm. Giờ đây, nhiều bạn trẻ sẵn sàng lang thang với chiếc điện thoại hờ hững trên tay, chỉ tập trung vào màn hình mà quên mất cảnh vật xung quanh.

Khoảng 10h tối 8/8, một người đi bộ đang dò Pokemon bị cướp điện thoại tại Công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1, TP HCM). Rất may, tên cướp đã bị những người dân có mặt tại đó bắt được và giao cho công an phường xử lý.

Trên thế giới hiện nay, có nhiều trường hợp thanh niên mất mạng do tai nạn giao thông, bị cướp giật khi đang chơi trò chơi. Không ít người lao cả vào xe cảnh sát, đánh nhau chỉ vì tranh giành Pokemon.

Không nên vì thú ảo mà quên mất đời thực

Mới đây, một thành viên nhóm Pokemon Go Việt Nam phải lên tiếng khi những người bạn của anh quá sa đà vào trò chơi.

Tài khoản này viết: 'Không phải muốn câu view hay dạy đời ai cả, chưa kể mình cũng cuồng Pokemon từ nhỏ, chứ không phải chơi vì phong trào. Nhưng giờ ra đường xe không lo chạy, toàn một tay cầm máy, mắt nhìn chằm chằm vào màn hình, tai nạn xảy ra gây hại đâu chỉ mình mình'.

Người này kể thêm, anh biết nhiều sinh viên chưa làm ra đồng nào, sống nhờ vào cha mẹ lam lũ ở quê, nhưng tối ngày chăm chú vào điện thoại.

'Mẹ bạn còn đi bán hủ tiếu, nhà nghèo, học hành chẳng đâu đến đâu. Vậy mà bạn suốt ngày lên mạng làm anh hùng, giờ thì đi chiếm phòng gym đóng quân khắp nơi, rảnh là đi bắt thú với cày level', anh nói.

Chàng trai tỏ ra rất bức xúc trước việc các bạn trẻ vô trách nhiệm, chỉ chăm chú chơi điện tử, gây tai nạn giao thông, làm nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

'Không thể cấm được các bạn chơi. Nhưng nên có điều độ, hiểu rõ hoàn cảnh bản thân và đặt thực tế cuộc sống của gia đình lên trước tiên', người này lên tiếng.

Nhiều bạn trẻ hiện nay vừa điều khiển xe máy, vừa sử dụng điện thoại di động để bắt thú Pokemon. Ảnh: Tiến Tuấn.

Nguyễn Thị My - sinh năm 1990, thạc sĩ Cộng đồng ĐH La Trobe, Australia - nhận định, Pokemon là hình ảnh quen thuộc với tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X. Bên cạnh đó, dạng game nhập vai tương tác với thế giới thực tạo thêm hào hứng và hấp dẫn cho người chơi.

'Pokemon Go bắt người trẻ phải bước ra ngoài, lao vào những cuộc săn tìm thực sự, tham chiến giành giật để tăng level, sở hữu thú hiếm... làm tăng sự tò mò. Ngoài ra, việc người trẻ chạy theo trào lưu cũng là lý do khiến trò chơi lan truyền chóng mặt', 9X nói.

Thạc sĩ trẻ cho hay, tác động chủ yếu của trò chơi này là sự nguy hiểm khi đi đường chỉ nhìn vào màn hình, dễ gây nghiện, bỏ bê công việc, mất tập trung vào cuộc sống thật.

Cô giáo Lê Hà Ngọc - giáo viên trường THPT Trương Định, Hà Nội - thẳng thắn cho rằng, Pokemon Go khiến người trẻ mất phương hướng, mục tiêu và khát vọng sống.

'Suy cho cùng, nó cũng chỉ là một trò chơi. Với những người nhận thức được thì đây chỉ là hình thức giải trí đơn thuần, giúp vui vẻ sau giờ làm việc và học tập.

Thay vì cấm đoán, hãy hướng dẫn người trẻ chơi theo cách thông minh và có kế hoạch, để không ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống thường ngày', nữ giáo viên chia sẻ.

Cô Ngọc chỉ ra, mỗi ngày, chỉ nên chơi trong một giờ nhất định, vào lúc rảnh rỗi. Đặc biệt, giới trẻ không nên mụ mẫm chơi mà quên đi những trách nhiệm, nghĩa vụ và cả các thú vui khác ngoài đời thực.