Trong vài tuần ngắn ngủi vừa qua, gần như tất cả những người thường xuyên truy cập internet đều ít nhất một lần nghe thấy từ NFT. Đây là từ viết tắt của Non-fungible token (token không thể thay thế) và là các phần nội dung kỹ thuật số được liên kết với blockchain - cơ sở dữ liệu nền tảng của các loại tiền điện tử như Bitcoin hay Ethereum.

Nói một cách đơn giản nhất thì NFT chuyển đổi các tác phẩm kỹ thuật số và các đồ sưu tầm khác thành tài sản độc nhất vô nhị, có thể kiểm chứng và có thể giao dịch trên blockchain. Trong thời gian qua, nó đã tạo nên một cơn sốt trên toàn thế giới. Nghệ sĩ Beeple đã bán được một tác phẩm tranh ghép kỹ thuật số với giá 69,3 triệu USD. Người sáng lập Twitter Jack Dorsey đã thu về 2,9 triệu USD từ dòng Tweet đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, giống như bất kỳ một công nghệ mới nổi nào, NFT cũng gây ra tranh luận gay gắt trên toàn thế giới. Một số người cho rằng nó rất có vấn đề và như một thứ bong bóng đang chờ để vỡ tung.

Con dao hai lưỡi

Bằng cách gán một giá trị cho các đối tượng thường chỉ tồn tại trong thế giới ảo, NFT đã mang lại lợi ích to lớn cho các nghệ sĩ kỹ thuật số. Osinachi, một nghệ sĩ người Nigeria thường tạo ra các tác phẩm bằng Microsoft và gần đây đã bán một bức chân dung của Kobe Bryant với giá 28.077 USD.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thu lợi từ NFT với các tác phẩm của mình. Mới đây, Corbin Rainbolt - một nghệ sĩ kỹ thuật số mới nổi, thường xuyên chia sẻ tác phẩm trên Twitter đã phát hiện 2 tác phẩm được bán dưới dạng NFT mà không có sự đồng ý của anh. Rainbolt gần đây đã xóa hầu hết các tác phẩm của mình và đăng lại dưới hạng hình mờ để ngăn chặn việc nó bị đánh cắp một lần nữa.

Trường hợp của Rainbolt nêu bật lên một vấn đề của NFT - bất kỳ ai cũng có thể xác nhận một bức ảnh, bức tranh kỹ thuật số là của riêng mình bằng cách gắn mã thông báo vào nó, ngay cả khi họ không tạo ra tác phẩm. Đồng thời, tất cả các giao dịch trên blockchain đều được ghi lại công khai trong một sổ cái kỹ thuật số bất biến, không yêu cầu mọi người phải ghi tên thật hoặc biệt danh vào giao dịch đó. Điều này khiến việc truy đòi quyền sở hữu khó hơn rất nhiều.

Rebecca Silverhart, một luật sư tại Toronto (Canada) cho biết: 'Vấn đề chính với blockchain là có quá nhiều người dùng ẩn danh, nếu không muốn nói là tất cả đều là ẩn danh. Do đó, việc thực thi bất kỳ quyền nào liên quan đến sở hữu trí tuệ là rất khó'.

Một tác phẩm kỹ thuật số của Osinachi

Thách thức chính với blockchain là tính phi tập trung, có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể tạo NFT hoặc tiền điện tử với rất ít sự giám sát. Điều này dẫn đến việc sẽ không có cơ quan trung ương nào có thể giải quyết khiếu nại của những người như Rainbolt về quyền sở hữu tác phẩm. Đồng thời, việc tìm ra một luật nào đó trong thế giới thực có thể áp dụng cho các tranh chấp liên quan đến blockchain là vô cùng phức tạp.

Giống như mọi thứ khác trên mạng, NFT có thể bị hack

Sau vấn đề bản quyền, một nghi ngại nữa với NFT là nó có thể bị đánh cắp. Một số người dùng Twitter gần đây đã báo cáo rằng tài khoản của họ trên nền tảng Nifty Gateway bị tấn công và các NFT trị giá hàng nghìn USD đã bị đánh cắp.

Người phát ngôn của Nifty Gateway cho biết 'không có dấu hiệu' cho thấy bản thân nền tảng này bị xâm phạm và 'một số nhỏ người dùng' bị ảnh hưởng có thể là do liên quan đến vấn đề 2FA (xác thực hai yêu tố). Có thể những tài khoản bị tấn công chưa thực hiện đăng ký xác thực 2 yếu tố.

Vấn đề kể trên làm gây ra một mối lo ngại khác về NFT: Chúng có khả năng bị hack giống như email hoặc bất kỳ tài khoản trực tuyến nào khác. Eric Cole, cựu hacker chuyên nghiệp của CIA và là quan chức an ninh mạng dưới thời tổng thống Mỹ Obama cho biết: 'Không có gì trong NFT hoặc blockchain chống lại hành vi trộm cắp. Mọi người thường nghe thấy từ blockchain và nghĩ rằng nó có mức độ bảo mật kỳ diệu nào đó. Nhưng cuối cùng, nếu muốn giữ tiền thì bạn phải có tài khoản ngân hàng, muốn lưu trữ NFT thì phải có tài khoản NFT. Nếu bạn không bảo vệ mật khẩu NFT thì tất cả đều có thể bị đánh cắp'.

Do tính chất bất biến của blockchain và việc thiếu cơ quan quản lý tập trung, mọi giao dịch đều có hiệu lực vĩnh viễn - ngay cả đó là giao dịch từ hành vi trộm cắp. Cole nói: 'Nếu ai đó đột nhập vào tài khoản NFT của bạn và chuyển NFT đó cho họ thì họ sẽ là chủ sở hữu. Khi đó, bạn không thể làm gì với NFT của mình, không có ngân hàng hay cơ quan trung ương nào bạn có thể gọi để giải quyết vấn đề'.

Neil Daswani, phụ trách chương trình Chứng nhận Bảo mật Nâng cao của Đại học Stanford cho biết: 'Các công nghệ mới thường dễ bị tấn công nhất trong giai đoạn sơ khai của nó. NFT càng có giá trị thì càng khó bảo vệ'.

(Theo CNN)

 

5 điều thú vị cần biết về cơn sốt NFT

5 điều thú vị cần biết về cơn sốt NFT

Loại hình vật phẩm ảo sử dụng công nghệ blockchain (NFT) đang là trào lưu kinh doanh mới, đem lại nguồn thu khổng lồ cho người bán.