Kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam là hệ thống những nguyên tắc, quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa thành điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định, bảo đảm định hướng, thống nhất mọi hoạt động của quân nhân. Ngay trong buổi đầu thành lập, “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” đã thực hiện Tuyên thệ 10 lời thề danh dự - chuẩn mực để quân nhân tự giác chấp hành. Đây là thước đo giá trị văn hóa, chính trị, quân sự, đạo đức và lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân, v.v. Kỷ luật trong Quân đội có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, không những có sức răn đe, ngăn ngừa mọi quân nhân vi phạm pháp luật, mà còn là những quy định, hình thức kỷ luật rõ ràng, nghiêm khắc dành cho mọi quân nhân, đồng thời, xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, ý chí, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của mình. Thực tiễn đã minh chứng, kỷ luật Quân đội thể hiện rõ ý thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Khi ý thức tổ chức kỷ luật thẩm thấu vào nhận thức, tình cảm của quân nhân, hướng dẫn hành động cho họ, trở thành sức mạnh, thúc đẩy họ tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các chế độ quy định. Tăng cường kỷ luật là yêu cầu cơ bản của việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Vì thế, không thể phát huy sức mạnh của Quân đội, nếu buông lỏng kỷ luật; quân nhân chấp hành không nghiêm kỷ luật và mệnh lệnh cấp trên, sẽ không có tổ chức chặt chẽ và không tạo ra sức mạnh trong thực hiện nhiệm vụ. Sự sa sút, lỏng lẻo về kỷ luật đồng nghĩa với sự suy yếu, mất sức chiến đấu của Quân đội.
Cùng với đó, Quân đội đẩy mạnh thực hành dân chủ nhằm đảm bảo cho mọi quân nhân phát huy vai trò trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, quốc phòng; đề cao trí tuệ tập thể, sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất, giải quyết hài hòa các mối quan hệ cấp trên, cấp dưới. Mở rộng, thực hành dân chủ không đồng nghĩa với tình trạng vô ý thức tổ chức kỷ luật, mà trái lại góp phần củng cố, tăng cường kỷ luật tự giác, nghiêm minh, xử lý đúng người, đúng lỗi phạm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy”1. Thực tiễn minh chứng hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội, ở đâu thực hiện tốt dân chủ thì ở đó hạn chế vi phạm kỷ luật, đơn thư khiếu nại, tố cáo, ở đó đơn vị đoàn kết, ổn định, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quản lý, giáo dục bộ đội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của đơn vị. Công tác giáo dục chính trị, phổ biến giáo dục pháp luật, định hướng tư tưởng được coi trọng; nền nếp xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật được duy trì nghiêm; hoạt động của Hội đồng quân nhân trong các cơ quan, đơn vị được phát huy. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục, quán triệt nhiệm vụ, làm sâu sắc thêm bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội với các biện pháp quản lý hành chính, xây dựng môi trường văn hóa, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Quy chế Dân chủ cơ sở được duy trì chặt chẽ, nền nếp, với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú tạo sự lan tỏa, có sức thu hút bộ đội. Tình trạng dân chủ quá trớn, thiếu sâu sát cơ sở,… cơ bản được khắc phục; quan hệ giữa cán bộ, chiến sĩ cởi mở, hài hòa, tôn trọng lẫn nhau. Qua đó, tình hình tư tưởng của bộ đội trong toàn quân cơ bản ổn định, đại đa số cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật và các chế độ quy định, tích cực tham gia các hoạt động của cơ quan, đơn vị, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, bảo đảm an toàn ở một số đơn vị thời gian qua có mặt còn hạn chế. Nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ quản lý kỷ luật, thực hành dân chủ có nội dung chưa thật sự sâu sắc, còn biểu hiện bệnh thành tích; chưa có biện pháp đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo công tác tư tưởng, công tác giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật và các mối quan hệ của quân nhân. Việc thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở có đơn vị, có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức, còn vụ việc vi phạm kỷ luật xảy ra, trong đó có vụ việc nghiêm trọng.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định tiếp tục xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, hoàn thành việc điều chỉnh biên chế, tổ chức theo hướng: tinh, gọn, mạnh; từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, đồng thời khắc phục những hạn chế trong duy trì kỷ luật, thực hành dân chủ, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của Quân đội, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, tích cực giáo dục nâng cao nhận thức về chấp hành nghiêm kỷ luật và thực hành dân chủ. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác đảng, công tác chính trị. Do đó, cấp ủy, cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, làm cho toàn quân nhận thức sâu sắc hơn “Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội, kỷ luật của Quân đội ta là kỷ luật sắt, tự giác, nghiêm minh”; việc đẩy mạnh thực hành dân chủ làm cơ sở tạo sự đồng thuận, đoàn kết, toàn quân là một khối thống nhất về ý chí và hành động, ra sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Bởi lẽ, chỉ khi nào mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân có ý thức chấp hành kỷ luật cao - tự giác, nghiêm minh và thực hành nghiêm dân chủ cơ sở, lúc đó mới phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống. Do vậy, công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải được quan tâm và đi trước một bước; công tác giáo dục chính trị, công tác tư tưởng phải gắn với các biện pháp hành chính, duy trì các chế độ quy định, xây dựng nền nếp chính quy; cán bộ làm gương cho chiến sĩ, cấp trên làm gương cho cấp dưới. Giáo dục bộ đội biết trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, dân chủ và kỷ luật tốt đẹp được tích lũy trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành qua các giai đoạn cách mạng; giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa giữ nghiêm kỷ luật và thực hành dân chủ đối với việc nâng cao chất lượng chiến đấu, sức mạnh tổng hợp của Quân đội. Đồng thời, làm cho quân nhân nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại trong thực hành dân chủ và tăng cường kỷ luật của Quân đội.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật và thực hành dân chủ. Thực hiện công tác này, yêu cầu cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp tiếp tục nghiên cứu quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị về chấp hành pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an ninh, an toàn trong đơn vị, trọng tâm là Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28/11/2019 của Bộ Quốc phòng về “Tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Công văn số 1598/CT-TH, ngày 06/9/2019 của Tổng cục Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, quản lý tư tưởng, ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật”; Công văn số 1740/CT-TH, ngày 01/9/2020 của Tổng cục Chính trị về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, quản lý tư tưởng, ngăn chặn vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng gắn với triển khai thực hiện “Năm Kỷ luật, kỷ cương 2020” và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, đột phá về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn trong huấn luyện, công tác, lao động, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ; cụ thể hóa thành nội dung, yêu cầu, chỉ tiêu, biện pháp trong nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, hằng quý của các tổ chức đảng, kế hoạch công tác của người chỉ huy, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, đối tượng. Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện nghiêm hệ thống quy chế làm việc của lãnh đạo, chỉ huy các cấp; duy trì thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở, giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong cơ quan, đơn vị. Cấp trên gần gũi, gắn bó với cấp dưới kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Tăng cường, giáo dục bộ đội nâng cao ý thức chấp hành mệnh lệnh, phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy; tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu, xây dựng đơn vị “vững về chính trị, mạnh về quân sự, dân chủ, kỷ luật nghiêm minh, có sức chiến đấu cao”.
Ba là, có quyết tâm chính trị cao làm chuyển biến chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật và thực hành dân chủ. Để tạo sự chuyển biến vững chắc về nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật, thực hành dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần xác định rõ việc lãnh đạo nâng cao chất lượng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật, thực hành dân chủ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong mọi hoạt động của đơn vị. Quyết tâm chính trị phải bắt đầu từ bí thư cấp ủy, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị; nói đi đôi với làm, giáo dục đi đôi với duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ quy định, huấn luyện điều lệnh và kỷ luật canh phòng. Tăng cường các biện pháp quản lý, rèn luyện và chấp hành kỷ luật, thực hành dân chủ; thường xuyên rà soát, nắm chắc số lượng, chất lượng quân nhân thuộc quyền; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, dứt điểm, không có “vùng cấm” các trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Khi có vụ việc vi phạm, chỉ huy đơn vị phải kiểm điểm nghiêm túc theo đúng Thông tư số 16/2020/TT-BQP, ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng “Quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng”. Đồng thời, báo cáo kịp thời, trung thực, không bao che, giấu giếm khuyết điểm; tổ chức kiểm điểm, quy rõ trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Duy trì nghiêm các chế độ sinh hoạt ngày, tuần và các chế độ quy định của Quân đội; phát huy vai trò của Hội đồng quân nhân trong thực hiện dân chủ cơ sở; kịp thời giải quyết tốt tư tưởng của bộ đội, không để nảy sinh tư tưởng tiêu cực, dẫn tới những hành động vi phạm kỷ luật.
Bốn là, đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc giữ nghiêm kỷ luật và thực hành dân chủ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”2; thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp trong Quân đội; các chỉ thị, mệnh lệnh về huấn luyện chiến đấu, giáo dục chính trị xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật; thực hành dân chủ, lời thề quân nhân và các quy định trong quan hệ quân dân; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Cán bộ, đảng viên phải tự đối chiếu với cương vị, chức trách và năng lực, trình độ để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc nêu gương phải từ nhận thức đến hành động, từ việc nhỏ đến việc lớn; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói đi đôi với làm. Giải quyết tốt ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình phải không tự cao, tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, tự kiểm điểm để phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, phải tự phê bình hằng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng, phê bình thẳng thắn. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, không làm tổn hại đến đơn vị, v.v. Cán bộ, đảng viên biết lắng nghe, tiếp thu, bảo vệ cái đúng, chia sẻ với những trường hợp khó khăn; kiên quyết đấu tranh với những cái sai trái, bảo thủ. Trong cơ quan, đơn vị phải xây dựng phong trào nêu gương: Cán bộ nêu gương cho chiến sĩ, đảng viên nêu gương cho quần chúng, cấp trên nêu gương cho cấp dưới, chiến sĩ cũ nêu gương cho chiến sĩ mới,… tạo nét đẹp văn hóa làm cơ sở, nền tảng để giữ nghiêm kỷ luật và thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh của cơ quan, đơn vị.
Năm là, xây dựng môi trường văn hóa quân sự phong phú, lành mạnh, tạo cơ sở, nền tảng để giữ nghiêm kỷ luật và thực hành dân chủ. Phẩm chất con người chịu sự chi phối, tác động của hoàn cảnh. Để giữ nghiêm kỷ luật, thực hành dân chủ cần phải coi trọng xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, phong phú, lành mạnh. Biện pháp đầu tiên và quan trọng hàng đầu là bồi dưỡng năng lực quản lý, giáo dục, tư vấn, trợ giúp tâm lý, pháp lý, kinh nghiệm và phương pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh về tư tưởng chính trị, dân chủ, kỷ luật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt cơ quan, đơn vị. Duy trì chặt chẽ, nền nếp chế độ ngày, tuần; làm việc theo chức trách và thực hiện nghiêm kế hoạch thời gian làm việc, huấn luyện, công tác, sinh hoạt, quản lý quân số theo phân cấp. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống có văn hóa, mình vì mọi người, sống có tình thương, trách nhiệm, chân thành; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” để “chống”, lấy cái “đẹp” dẹp cái “xấu”; giáo dục, thuyết phục với sử dụng biện pháp hành chính, lấy giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, ngăn ngừa, đề phòng là chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Tăng cường phối hợp, kết hợp giữa đơn vị với địa phương, gia đình để nắm, quản chặt tư tưởng chính trị, ý thức kỷ luật của bộ đội, chú trọng các đối tượng cá biệt, hoàn cảnh khó khăn, có biểu hiện bất thường về tâm lý, tình cảm, chậm chuyển biến, tiến bộ và có mối quan hệ phức tạp, v.v. Cần phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân trong quản lý, giáo dục hội viên, đoàn viên; đẩy mạnh các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; quan tâm đời sống vật chất, tinh thần bộ đội. Tích cực xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh trong mỗi cán bộ chiến sĩ; đồng thời, tuyên truyền, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, “phi chính trị hóa” Quân đội và biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Giữ nghiêm kỷ luật và thực hành dân chủ, tạo chất lượng tổng hợp và sức mạnh của Quân đội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
________________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 458.
2 - Sđd, Tập 1, tr. 284.
Theo Tạp chí QPTD