"Đỏ mắt" tìm người giúp việc mùa dịch
Dù chấp nhận trả mức lương cao hơn bình thường, từ 8 triệu đồng/tháng nhưng gia đình chị Mai Phương (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) suốt 3 tháng nay vẫn chưa tìm được người giúp việc mới.
Chị Phương cho hay, ngay khi hết giãn cách xã hội, người giúp việc cũ xin ứng tiền lương và chi phí hỗ trợ đi lại để về quê vì có chuyện gấp. Tuy nhiên, người này sau đó "mất tích", chị tìm đủ cách vẫn không liên lạc được nên "cắn răng" xin làm ở nhà, chấp nhận bị giảm lương để trông con, sắp xếp thuê giúp việc khác.
"Tôi tìm kiếm trên các hội nhóm liên quan, gọi điện cả tới trung tâm việc làm nhưng không được. Đa phần lý do đều vì giúp việc hiện nay lo ngại tình hình dịch bệnh phức tạp, sợ bị cách ly,... nên họ từ chối làm. Không tìm được người giúp việc đến ở tại nhà, tôi giảm tiêu chí xuống tìm người làm theo giờ, sẵn sàng trả 70.000 đồng/giờ nhưng cũng không ai nhận", chị Phương nói.
Đăng tin tuyển giúp việc trên mạng, liên hệ tới các trung tâm môi giới việc làm không được, nữ nhân viên truyền thông này còn nhờ bạn bè và người thân ở quê giới thiệu. Dù thử đủ mọi cách, sẵn sàng trả lương cao nhưng suốt 3 tháng, chị vẫn chưa tìm được người giúp việc.
Chị Thanh Hồng (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai) chuyên làm giúp việc theo giờ cho biết, dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp khiến chị phải tạm "bỏ nghề". Chỉ trong một tuần mà có khoảng 20 gia đình gọi điện thuê chị tới làm với mức giá hấp dẫn.
"Kinh tế khó khăn nhưng dịch bệnh nguy hiểm nên tôi đành từ chối hết. Có những trường hợp giúp việc mắc kẹt vì dịch, không thể về quê vì sống cùng chủ nhà ở nơi có các ca F0, F1,... hay thường xuyên bị phong tỏa, cách ly.
Tuy làm theo giờ không có nhiều ràng buộc nhưng chẳng nói trước được gì. Ở Hà Nội hiện nhiều khu vực có người mắc Covid-19 nên tôi buộc tạm nghỉ một thời gian để tránh tiếp xúc, giữ an toàn cho mình và mọi người xung quanh", chị Hồng nói.
Mất việc vì… tìm người giúp việc
Từ đầu năm 2020 đến nay, gia đình chị Nguyễn Tuyết (ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) đã 5 lần đổi người giúp việc. Người thì làm vài tháng rồi xin nghỉ, người thì "mất tích" không lý do. Đa phần đều vì tình hình dịch Covid-19 phức tạp, gây ảnh hưởng về mặt tâm lý cho những người giúp việc sống xa quê.
Chị Tuyết có hai con nhỏ 8 tuổi và 2 tuổi chưa thể trở lại trường học do dịch bệnh. Sau đợt giãn cách, tìm kiếm đủ nơi vẫn không có giúp việc, chị và chồng buộc phải thay phiên nhau ở nhà chăm con.
Càng cuối năm, công việc càng nhiều hơn nên anh chị không thể "phân thân" được mãi. Có lúc công việc áp lực, đủ thứ dồn lên đầu, vợ chồng chị lại cãi nhau, "mặt nặng mày nhẹ". Thương con, lại không muốn chồng bị ảnh hưởng lương thưởng Tết, chị Tuyết đành xin nghỉ không lương.
"Công việc của chồng quan trọng hơn nên tôi xin nghỉ phép chờ tìm được giúp việc sẽ thu xếp đi làm trở lại. Nhưng vài tháng trời vẫn không tìm nổi người giúp việc nào.
Các con còn nhỏ, phải học online ở nhà nên cần có người quán xuyến, chăm lo. Tôi đã nghỉ hết phép, công việc ngưng trệ một tháng liền nên công ty cho nghỉ luôn. Cố gắng gần một năm để chờ lương thưởng Tết nhưng giờ cũng tan biến hết. Tôi đành chuyển sang bán hàng online cùng một người bạn, kiếm thêm thu nhập trang trải mùa dịch", chị nói.
Không chỉ chị Phương, chị Tuyết, hàng loạt gia đình hay các cặp vợ chồng trẻ khác hiện nay cũng lâm cảnh lao đao vì thiếu người giúp việc.
Dù chấp nhận trả mức lương cao với nhiều điều kiện hấp dẫn song nhiều gia chủ thừa nhận, tìm người giúp việc giữa mùa dịch chẳng khác gì "mò kim đáy biển".
Theo Dân trí
Mẹ và con gái căng thẳng vì cô giúp việc
Tôi được hàng xóm biết đến với cái tên "tiểu thư". Chẳng phải tôi là cành vàng lá ngọc gì mà vì nhìn vào cuộc sống hiện tại, họ cứ nghĩ tôi sướng hơn những cô bạn cùng tuổi trong khu phố.