"Gì chứ tráng
bình sữa qua nước nóng để khử trùng, rồi đổ sữa vào, xóc xóc cho sữa
không bị vón, tôi thành thạo lắm", giáo sư Võ tâm sự.
"Nhiều ông bố lắc đầu
quầy quậy khi phải pha sữa, quấy bột, tắm táp cho con, nhưng tôi thấy
có gì nặng nhọc đâu. Ở tuổi 65, tôi may mắn có thêm một thiên thần nhỏ
nữa. Thỉnh thoảng tôi vẫn pha sữa cho bé. Còn hát ru bé ngủ thì ngày nào
tôi cũng làm", giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên
& Môi trường, nói rồi bật cười vang nhà.
Chẳng ngại chuyện cha già con cọc
Mở đầu câu chuyện, người đàn ông nổi tiếng trong lĩnh vực đất đai
khoe: Ngoài hai người con đầu Hùng Khải và Hồng Chi đã lớn và có gia
đình riêng, ở tuổi 65, ông còn có con trai Uy Du 3 tuổi rưỡi và cô con
gái nhỏ Kha Du mới chào đời cách đây hơn 2 tháng. Vừa tủm tỉm cười, ông
vừa kể: "Biết tin tôi có con ở tuổi này, nhiều người lắc đầu bảo tôi
khổ. Nhưng tôi thấy có khổ gì đâu. Một đứa trẻ ra đời trong tình yêu là
điều hợp tự nhiên và tự hào chứ."
Nhìn ông bế con, đung đưa tay nựng con, tôi ướm hỏi liệu ông có muốn có
thêm thành viên nữa không, ông cười vang nhà bảo: "Không. Có lẽ là
không. Sợ vợ sẽ khổ thêm. Thế này cũng là đủ rồi".
"Có thêm một thành viên nhỏ đúng là nếp sống của tôi cũng có xáo trộn chút ít. Trước, con cái đã trưởng thành, tôi sống cho bản thân nhiều hơn. Giờ có có nhỏ trước hết phải nghĩ cho con, cho vợ rồi mới đến cho mình. Nhiều người lo tôi sẽ xấu hổ khi đi ra đường dắt con mà lại bị tưởng là dắt cháu. Nhưng tính tôi vốn không quan tâm đến người khác nghĩ gì. Nếu họ phê phán thì mình nghe để xem sai chỗ nào mà sửa. Nhưng chuyện tôi già có con nhỏ thì có gì đáng phê phán đâu, nên tôi chỉ thấy hạnh phúc thôi. Rồi mọi người còn lo tôi già có con bé thì sợ sau này không hiểu được con. Nhưng tôi nghĩ sự cách biệt về tuổi tác chỉ là một cản trở nhỏ. Quan trọng là cách tiếp cận của mình thế nào với cá tính của giới trẻ. Cái tôi lo nhất là tôi nhiều tuổi mà sinh con thì có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của cháu. Nhưng nhìn con gái khoẻ mạnh, xinh xắn, mọi nỗi lo đều tan biến.", ông nói thêm.
Không ngại nửa đêm pha sữa cho con
Hỏi về việc cha già chăm con nhỏ, ông cười khà khà bảo: "Không hề vất
vả vì điều kiện sống bây giờ dễ chịu hơn những năm trước. Ví dụ, sữa đủ
loại và đều có công thức pha, thịt, cá càng không lo thiếu. Chứ không
như ngày xưa."
Giáo sư Võ và vợ con. |
Giành việc hát ru và đặt tên con
Thỉnh thoảng mới được vợ nhờ pha sữa cho con, song ông bật mí riêng chuyện hát ru và đặt tên con thì phải do ông đảm nhận. Ông kể: "Các cụ bảo tên có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Khoan hãy nói chuyện tin hay không tin, nhưng con mình, mình phải cố gắng làm mọi thứ cho con. Trước đây, vào những năm 74 - 76, thời điểm sinh các cháu lớn, triết học phương Đông chưa thịnh hành nên tôi đặt tên con theo tư duy của mình, cái mà mình cho là tốt nhất. Đối với cô gái nhỏ này, khi đặt tên, tôi tìm hiểu rất kỹ đặt tên con theo âm dương ngũ hành, mong sao con sau này phát triển tốt."
"Về chuyện hát ru, tôi quan niệm đưa ca dao vào đầu trẻ con thì chúng sẽ có chất Việt Nam. Qua lời ru, trẻ tiếp nhận được cội nguồn văn hóa. Mà ca dao, tục ngữ của mình thì lại hay, ý nghĩa. Tôi hát ru con những bài quen thuộc như "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa..." hay "Hôm qua tát nước đầu đình...". Tôi ngâm cả truyện Kiều. Với cô con gái nhỏ bây giờ cũng vậy, vợ tôi tuy là nghệ sĩ, nhưng tôi vẫn giành việc hát ru. Trưa, tối, đêm, khi nào con khóc là tôi có mặt để ru con. Trẻ con ngủ không đẫy giấc, một đêm có khi tôi ru con vài lần. Chẳng biết có phải nghe quen giọng của tôi không, mà giờ bé chỉ cần nghe thấy tiếng tôi nói là ngước mặt lên theo. Tôi cũng nghĩ đó là cách để bố con quấn quýt nhau hơn."
Dùng đến roi là kém
Khi tôi hỏi, người Việt có câu "yêu cho voi cho vọt", ông có dạy con bằng chiếc roi không, ông thẳng thắn nói: "Tôi vốn không muốn dùng vũ lực với bất kỳ ai. Dùng đến vũ lực chứng tỏ kém cỏi, thậm chí là hèn. Tất nhiên khi người ta đánh mình, thì mình phải xử lý lại và tôi cũng đủ sức để đối phó nếu có ai đụng đến. Rất may là trong đời tôi chưa phải động thủ bao giờ. Với con, tôi nghĩ, ông bố mà dùng đến vũ lực là kém. Ngày trước, nuôi dạy Khải vô cùng vất vả. Khải đúng là một ca khó, thông minh nhưng ngang bướng. Tôi nhớ lúc con mới 10 tuổi, một hôm vừa thấy tôi dựng xe máy ở đầu cổng, cậu liền nhảy tót lên, mở khóa xe, rồ ga rồi phóng vù đi. Thử tưởng tượng, một đứa trẻ 10 tuổi phóng xe máy ngoài đường thì nguy hiểm đến mức nào. Khi cháu dừng xe lại, quả thật là tôi có đá vào mông cháu một cái. Đó là lần duy nhất tôi đánh con. Không đánh, nhưng mắng, quát con thì có. Tôi mắng không phải để con sợ mà là cách để các cháu có ấn tượng để mà nhớ rằng đấy là việc không tốt, không được lặp lại. Đấy cũng là một phương pháp sư phạm tốt".
"Nhiều bậc phụ huynh cho con đi học đủ thứ, bé tí mà bắt học nhạc, học vẽ, rồi học cả võ, học cả các lớp đào tạo để trở thành người diễn thuyết giỏi. Tôi nghĩ trẻ con cũng chỉ có dung lượng cất giấu kiến thức nhất định. Sức mang của nó chỉ ở mức này thì đừng bắt nó mang nhiều quá, bắt mang cả những thứ mà người lớn cũng không mang nổi. Tôi và vợ tôi đều thống nhất không ép các cháu học quá nhiều, cần trả lại sự ngây thơ cho tuổi thơ. Tôi nghĩ, đối với một đứa trẻ, việc đầu tiên không phải là nhồi nhét kiến thức mà cái cần học là làm thế nào để trở thành một người tử tế. Kiến thức là vô cùng mà trí nhớ của một người là hữu hạn. Cần biết sở trường của cháu là gì mới tính tới chuyện cần tới kiến thức gì".