- GS Trần Lưu Vân Hiền (mẹ GS Ngô Bảo Châu) cho rằng nhiều phụ huynh muốn cho con vào Trường thực nghiệm vì GS Ngô Bảo Châu đã từng học ở trường này là không đúng. Là một người làm giáo dục, cô Hiền cho rằng, điều quan trọng nhất ở bậc tiểu học, học sinh cần được thắp ngọn lửa ham học, yêu chữ, trọng thầy, quý bạn và luôn biết chia sẻ.
THÔNG TIN LIÊN QUAN
Vì sao TP.HCM không có cảnh 'đạp đổ cổng trường'?
Cổng Trường Thực nghiệm đổ vì... Ngô Bảo Châu?
Điều gì đang xảy ra sau cánh cổng trường Thực nghiệm?
GS Ngô Bảo Châu và các bạn học cùng thời tặng hoa GS Hồ Ngọc Đại khi về thăm trường cũ. Ảnh: VTC. |
Thưa giáo sư Trần Lưu Vân Hiền, ngày anh Ngô Bảo Châu Châu vào tiểu học, Trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại là một mô hình mới, tại sao cô lại cho anh Châu học ngôi trường này? Hồi đó, cô có quan tâm đến cơ sở vật chất của trường học, các hoạt động ngoại khoá phải như thế nào không, hay chỉ quan tâm đến có giáo viên dạy giỏi và phương pháp tốt, bởi vì cô cũng là một nhà giáo?
GS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi chọn trường này chỉ vì sự giới thiệu của một người bạn công tác trong ngành giáo dục thời đó, rằng Trường thực nghiệm áp dụng một mô hình giảng dạy mới, đã được nghiên cứu và áp dụng ở Liên xô (cũ), với các phương pháp giảng dạy để phát triển khả năng tư duy của học sinh.
Hồi đó không ai lo chuyện chọn trường, chọn lớp mà chỉ học theo tuyến, vì các trường ở Hà Nội thời đó đều tốt cả, và đủ để phụ huynh không phải lo chỗ học cho con.
Cơ sở vật chất của Trường thực nghiệm hồi đầu không có gì đặt biệt nếu không nói là không bằng các trường khu Hoàn Kiếm, các lớp học là các gian nhà cấp 4, gần hồ Ngọc Khánh. Châu đã học ở đó 5 năm, sau này Trường thực nghiệm mới chuyển sang Liễu Giai. Khi đưa con vào trường, tôi không biết gì về các giáo viên ở đó. Cũng may mà mọi việc đều tốt đẹp.
Có thông tin là sau khi học hết cấp 1 thực nghiệm thì gia đình cô đã phải chuyển anh Châu sang học trường theo mô hình của Bộ Giáo dục vì có nhiều điều “không ổn”? Lý do vì sao?
Không phải như vậy. Châu chuyển sang trường Trưng Vương chỉ vì chúng tôi muốn Châu học chuyên Toán. Tôi nghĩ Trường thực nghiệm có phương pháp dạy tốt trước hết qua việc học sinh thích đi học, cách giảng dạy khiến học sinh ham mê học và sáng tạo, đến trường các em nhỏ không phải lo học đến căng thẳng. Môi trường giáo dục, quan hệ thầy trò, mối quan hệ giữa các bạn học sinh được xây dựng theo kiểu thực nghiệm cũng đóng góp tốt vào sự phát triển nhân cách của học sinh.
Nhiều phụ huynh vào muốn cho con vào trường thực nghiệm vì GS Ngô Bảo Châu đã từng học trường này. Cô có muốn nhắn nhủ điều gì với các phụ huynh đó không ạ?
Cho rằng nhiều phụ huynh muốn cho con vào Trường thực nghiệm vì Châu đã từng học ở trường này là không đúng. Trước năm 2010, cứ dịp tuyển sinh vào trường thực nghiệm, cũng đã diễn ra cảnh phụ huynh đến xếp hàng để mua đơn từ 3-4 giờ sáng, có thể là không quá đông như năm nay. Sự kiện năm nay xảy ra ở Trường thực nghiệm không nên đổ lỗi cho phụ huynh. Nếu nhiều “trường điểm” ở Hà Nội cũng có tổ chức bán đơn để phụ huynh được quyền lựa chọn nộp đơn thì nhiều cánh cổng trường nữa chắc cũng đổ!
Theo cô, bây giờ các em học sinh tiểu học cần một ngôi trường như thế nào? Các cháu nội của cô từng học tiểu học ở Pháp và bây giờ ở Mỹ, cơ sở vật chất thì không nói làm gì rồi, nhưng trong cách dạy học, cô thấy nó hay ở chỗ nào?
Theo tôi, đa phần các trường tiểu học ở Hà Nội hiện nay đã khang trang về cơ sở vật chất, nếu trường có nhiều khoảng xanh hơn nữa thì thật tốt.
Tôi mơ ước trong các ngôi trường đó, các em học sinh tiểu học không mất quá nhiều thời gian để viết chữ thật đẹp, không phải học đi học lại các bảng cửu chương, chỉ cần biết cộng trừ nhân chia là gì. Các em được học để biết đất nước mình đẹp thế nào, ông bà mình đã yêu mảnh đất này như thế nào. Các em nhỏ được học vẽ, có những giờ học nhạc “đồ rê mi fa sol” như tôi đã từng học ở trường Trưng Vương. Cách dạy và học như vậy tôi cũng thấy người ta làm ở Mỹ hiện nay, nơi các cháu của tôi đang học.
Nhìn lại quá trình nuôi dạy anh Châu, theo cô, bậc học tiểu học đã giúp anh Châu những điều gì quan trọng nhất, giai đoạn nào bộc lộ rõ nhất khả năng toán học của anh Châu và gia đình giúp anh tìm thầy giỏi để “tầm sư học đạo”. Nhiều bậc cha mẹ đã ép con học căng thẳng từ cấp 1 để hy vọng con học giỏi, điều này có nên không ạ?
Trên con đường học hành, Châu đã may mắn gặp nhiều thầy giáo giỏi và tâm huyết. Tôi không nghĩ chương trình tiểu học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển khả năng toán hay các môn chuyên môn khác. Ở tiểu học, học sinh cần được thắp ngọn lửa ham học, yêu chữ, trọng thầy, quý bạn và luôn biết chia sẻ.
Xin cảm ơn giáo sư đã trả lời phỏng vấn.
- Hương Giang (Thực hiện)
TRƯỜNG THỰC NGHIỆM NGÀY NAY KHÁC GÌ THỜI GS HỒ NGỌC ĐẠI DẠY VÀ HỌC TRÒ NGÔ BẢO CHÂU HỌC? Đã hơn 10 năm nay, "Trường Thực nghiệm" chỉ còn là một... cái tên, không hơn không kém! Toàn bộ chương trình học và toàn bộ cách tổ chức cuộc sống của học sinh ở trong trường này đều là bản sao nguyên xi của tất cả các trường khác trong cả nước. Khi công trình thực nghiệm Công nghệ Giáo dục (CGD) không còn nữa thì người ta thực nghiệm cái gì ở đây?!
|