Chinh phục xong ngành tự động hóa, theo đuổi giấc mơ mới

Ngay từ năm thứ 3, chàng sinh viên khoa Đo lường - Điều khiển tự động (Đại học Bách khoa Hà Nội) Đinh Văn Hiến đã kiếm được kha khá tiền bằng cách mua đồ điện tử cũ với giá sắt vụn mang về chế thành máy hẹn giờ, máy đo nhiệt độ,... đem bán với giá chỉ bằng một nửa sản phẩm mới tinh trên thị trường mà vẫn lãi 500% so với giá thành chế tạo.

Sau khi tốt nghiệp, Đinh Văn Hiến chuyển hướng về làm giảng viên Cao đẳng Kỹ thuật Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, rồi sau đó làm nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Điện tử - Tin học và Tự động hóa do GS.TSKH Nguyễn Xuân Quỳnh (giáo sư tự động hóa đầu tiên ở Việt Nam) làm viện trưởng, nhanh chóng được tín nhiệm giao nhiệm vụ quản lý lắp đặt hệ thống tự động hóa đồng bộ 54 phân xưởng của nhà máy Apatit Lào Cai.

Năm 2000, khát khao chinh phục việc khó thúc đẩy cựu sinh viên Đại học Bách khoa chuyển hướng một lần nữa: thành lập Công ty Cơ điện Đo lường Tự động hóa DKNEC. Ông Hiến gánh trọng trách tổng giám đốc.

Anh 1.jpg
GS.TS Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC (Ảnh: NVCC).

Thật ra, tên của công ty là kết hợp những chữ cái đầu trong họ của 5 thành viên sáng lập: D - Đinh, Đặng; K - Khổng; N - Nghiêm, Nguyễn; còn E có thể hiểu là Electrical - Điện hoặc Engineering - Kỹ thuật hoặc Energy - Năng lượng, C có thể là Center - Trung tâm, Company - công ty hoặc Corporation - tập đoàn... Tên công ty thể hiện tầm nhìn khá rộng và dài của chúng tôi”, ông Hiến hóm hỉnh lý giải.

Trong khoảng hai thập niên, công ty làm tổng thầu cơ điện và các dự án tự động hóa tại Việt Nam.

Những năm 2003-2005, nhờ sự tư vấn của đội ngũ DKNEC, nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk, Sài Gòn - Bình Dương và Bia Sài Gòn - Hà Nội Xuân Phương (Hà Nội) do Tập đoàn POLYCO làm tổng thầu đã trở thành điểm sáng về trung tâm điều khiển không nút bấm, không chuyển mạch.

Sau hơn 20 năm cùng DKNEC làm tổng thầu cơ điện, tự động hóa của ngành bia - rượu - nước giải khát, ông Hiến chuyển giao cho vợ vị trí tổng giám đốc, còn mình đảm nhận vai trò chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC.

Năm 2022, có người nhờ tư vấn xây dựng nhà máy sâm. Chợt nhớ ra làm sâm vốn là “nghề ruột” của bà ngoại mình, vị chủ tịch DKNEC quyết định theo đuổi giấc mơ mới: Làm sâm thương hiệu Việt.

Ngay trong năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sâm Lộc Hoàng An ra đời, dựa theo tên gọi của quê hương ông Hiến: Quỳnh Lộc, Hoàng Mai, Nghệ An.

Làm sâm với tư duy tự động hóa

Nhà sáng lập Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Sâm Lộc Hoàng An nhớ lại, khi bé hay thấy bà ngoại lúi húi trồng sâm. Qua tìm hiểu ông biết, bây giờ, nhân sâm trồng nhiều ở Bố Chính - Quảng Bình, nhưng mọi người thường bán sâm thô.

“Sâm thuộc nhóm dược liệu quý. Nhiều năm qua, Việt Nam mình nhập siêu sâm Hàn Quốc, tốn rất nhiều tiền. Sâm nhập khẩu giá đắt, mấy ai dám mua. Nhìn sang người dân Hàn Quốc dùng sâm như rau, tôi cũng dấy lên mong muốn 100 triệu người dân Việt Nam, kể cả người nghèo, đều có thể được thưởng thức sâm Việt”, ông Hiến tâm sự.

Hướng tới mục tiêu chế biến sản phẩm có thương hiệu chứ không bán nguyên liệu thô, ông Hiến tính toán, nếu chỉ sâm Bố Chính thì khó cạnh tranh với các sản phẩm sâm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

“Vốn là dân tự động hóa, tôi quyết định làm theo kiểu tư duy tự động hóa: Tích hợp ba loại sâm thành một nhằm tạo sự khác biệt. Phải nghiên cứu rất kỹ thành phần và tỷ lệ, bởi có những sản phẩm dùng riêng thì không vấn đề gì nhưng khi kết hợp lại có thể gây hại cho sức khỏe.

Kết quả, dòng sâm An Bình được tích hợp từ sâm Bố Chính với sâm Ngọc Linh, sâm nhập khẩu từ Canada cùng một số dược phẩm khác. Trong đó, sâm Ngọc Linh đắt nhất thế giới, hàm lượng saponin cao nhất, với hơn chục loại axit amin rất tốt cho sức khỏe. Sâm Bố Chính có tính hàn. Sâm Canada lại có tính dung hòa, giúp người dùng không bị lạnh bụng”, ông Hiến kể.

Để hiện thực hóa ước mơ người nghèo cũng được nếm vị sâm, Sâm Lộc Hoàng An có thêm dòng An Tâm với sản phẩm lương khô sâm lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, giá chỉ 22.500 đồng/gói.

Anh 3.jpg
Các sản phẩm Sâm Lộc Hoàng An được ông Hiến và các cộng sự phân phối tới tay người tiêu dùng (Ảnh: NVCC).

Tái khởi nghiệp ở độ tuổi 53, ông Hiến chọn cách đi chậm mà chắc với mô hình khởi nghiệp 5.0: Không cần nhiều tiền, không cần nhiều người, không cần đầu tư nhà máy, không cần đầu tư kho, không biên giới.

Thay vì mất hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà máy, với mỗi sản phẩm, ông Hiến đều tìm được đối tác phù hợp để sản xuất theo đúng yêu cầu. Có thể kể tới các thương hiệu lớn trong ngành dược phẩm như Traphaco, Sao Thái Dương, Bách Thảo Dược,... hay thương hiệu uy tín trong ngành thực phẩm như lương khô Hải Châu.

Cách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của ông Hiển cũng khá đặc biệt: Thuê chuyên gia ngoại quốc đã nghỉ hưu.

“Chúng tôi tham gia cộng đồng nhà khoa học quốc tế nên biết khá nhiều giáo sư hàng đầu của các nước. Cần đến đâu, tôi có thể tìm đúng người phù hợp. Họ rất chân thành, trao thông điệp chính xác. Cái nào cần điều chỉnh thì cùng nhau làm đến khi được mới thôi. Có những giáo sư về hưu đi làm không vì lương, còn tặng luôn công thức điều chế sản phẩm cho tôi”, ông Hiến hào hứng chia sẻ.

Quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm sâm không đơn giản. Mỗi loại phải qua rất nhiều lần thử nghiệm về mùi, màu, vị. Thất bại - tốn tiền là chuyện khó tránh.

Các chuyên gia Nhật Bản đang hỗ trợ nghiên cứu công thức điều chế sản phẩm sâm bột Sathachi (Sa - sâm, tha - đông trùng hạ thảo, chi - nấm linh chi) thuộc dòng sản phẩm sâm An Khang. Sâm bột Sathachi có độ mịn 10-7, thả vào nước tan luôn, kích thước hạt lớn hơn micro và nhỏ hơn nano. 18 mẫu thử được gửi tới tay ông Hiến nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, đang tiếp tục điều chế.

Theo xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, ông Hiến sử dụng 500 robot AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ hoạt động nghiên cứu, phân tích thị trường. 500 trợ lý ảo AI (trí tuệ nhân tạo) do AIDU (một đối tác chiến lược của DKNEC) phát triển, vận hành để phục vụ hoạt động nghiên cứu, phân tích thị trường của doanh nghiệp. 

Thông qua các thuật toán học máy, phân tích dữ liệu, trợ lý ảo AI có thể giải đáp thắc mắc liên quan tới nhiều lĩnh vực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi nhân viên Sâm Lộc Hoàng An được cấp 1 tài khoản AI để nâng cao hiệu suất công việc. 

Hiện AIDU đang triển khai các hoạt động đào tạo hàng tuần để đội ngũ của ông Hiến có thể áp dụng, khai thác tối đa tiềm năng và hiệu quả các tính năng tương tác thông minh của “trợ lý đặc biệt”. 

Mang sự khác biệt ra thị trường quốc tế

Anh 2.jpg
Sâm Lộc Hoàng An có tên trong Top 10 “Thương hiệu hàng đầu châu Á năm 2024” vì đáp ứng các yếu tố: Sản phẩm khác biệt; nhà sáng lập có tư duy đổi mới sáng tạo; tầm nhìn lâu dài; hướng tới quy mô toàn cầu... (Ảnh: NVCC).

“Không chỉ từng bước hiện thực hóa mong muốn giúp 100 triệu người dân Việt, kể cả người nghèo, có cơ hội tiếp cận với sâm để tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, chúng tôi còn tăng tốc đưa sản phẩm sâm thương hiệu Việt ra thế giới. Các sản phẩm Sâm Lộc Hoàng An đã sang cả Đức, Tiệp, Nga, Nhật Bản, Thái Lan... theo đường tiểu ngạch.

Những lô hàng tới đây, chúng tôi sẽ đáp ứng cả một số tiêu chí về sản phẩm organic (hữu cơ), sản xuất xanh, QR Code truy xuất nguồn gốc... để xuất khẩu chính ngạch. Chinh phục được những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu sẽ là bảo chứng giúp chúng tôi thuận lợi tiến sang các thị trường khác”, ông Hiến cho hay.

Ông nhấn mạnh, chiến lược xuất ngoại của Sâm Lộc Hoàng An chú trọng sự khác biệt, không dàn trải và nhất quyết không cạnh tranh về giá.

Những ngày này, đội ngũ Sâm Lộc Hoàng An đang gấp rút hoàn thiện dòng sản phẩm nhắm tới thị trường Nhật. Bao bì, nhãn mác sẽ chỉ có tiếng Việt và tiếng Nhật.

Một số tín hiệu vui được “sếp” Đinh Văn Hiến tiết lộ: “Hơn 20 đại sứ đã đặt mua nhiều lần các sản phẩm Sâm Lộc Hoàng An. Nhiều đại diện của các Hội hữu nghị Việt - Xô, Việt - Hàn, Việt - Nhật, Việt - Campuchia, Việt - Lào... sau khi dùng sản phẩm của chúng tôi đã bày tỏ sự yêu thích và đánh giá cao. Đây là những cầu nối hữu hiệu giúp Sâm Lộc Hoàng An sớm hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu chính ngạch sang các nước ngay trong năm 2025".