1,25%/năm là mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi USD theo quy định, tuy nhiên trên thực tế, lãi suất huy động ngoại tệ có thể gấp 3 lần con số đó. Vậy các ngân hàng đã làm việc này thế nào?.

3 bản hợp đồng vừa được ký cùng ngày, trong cùng 1 giao dịch, với 1 khách hàng. Mục đích là để khách gửi tiền được hưởng mức lãi suất huy động USD lên đến 3,5%/năm, chứ không chỉ là 1,25% như trần NHNN quy định.

Giao dịch viên ngân hàng cũng không ngần ngại giới thiệu biểu lãi suất vượt trần với khách hàng. “Chị muốn gửi USD. Hiện em có những mức nào? Nếu một năm là 3,5%, nếu 9 tháng 3,0%. Chị lấy tất cả gốc cả lãi là bằng USD hết”.

{keywords}

Để hưởng các mức lãi suất này, trước tiên khách hàng sẽ phải ký vào một bản hợp đồng bán USD để mua Euro, sau đó gửi lượng Euro này vào sổ tiết kiệm với lãi suất vốn không bị giới hạn. Như thỏa thuận ở đây là 3,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và bản hợp đồng cuối cùng là cam kết bán lại cho ngân hàng số Euro nhận được vào thời điểm đáo hạn để nhận lại USD.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm câu lạc bộ pháp chế ngân hàng, đây là một cách hợp pháp hóa việc lách trần huy động USD. Điểm sơ hở ở đây là, trong cả bản hợp đồng bán USD mua Euro giao ngay và bản hợp đồng bán Euro để nhận lại USD trong tương lai thì NH cũng đều áp chung một mức tỷ giá tại thời điểm hiện tại. Điều này nhằm đảm bảo khách hàng sẽ nhận được đúng lãi suất 3,5%.

“Có dấu hiệu là đã lách trần lãi suất. Bản hợp đồng thì mua bán ngoại tệ kỳ hạn một năm, thế nhưng người ta lại chốt luôn tỷ giá cố định, có nghĩa là sau một năm, đương nhiên tỷ giá không thay đổi. Và vì ngoại tệ được trả lãi suất cao hơn hẳn so với USD, nên cuối cùng sau 1 năm, khách hàng có quyền nhận lại USD và đương nhiên là nhận lại lãi suất 3,5%”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Sử dụng một đồng ngoại tệ khác để lách trần huy động USD được các chuyên gia ngân hàng nhận định là hiện tượng đã có từ nhiều năm nay. Không chỉ đồng Euro mà bất kỳ loại ngoại tệ nào có khả năng thanh khoản tốt cũng đều có thể trở thành công cụ hoán đổi như AUD hay Yen, đây chính là kẽ hở trong việc quản lý ngoại hối hiện nay, khi chỉ có đồng USD là bị quản chặt.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Nếu chỉ có 1-2 ngân hàng làm như thế thì không có tác động lớn vào thị trường ngoại hối, nhưng nếu nhiều ngân hàng cùng làm một lúc thì chắc chắn có tác động. Chẳng hạn như tạo ra sự khan hiếm trên thị trường hoặc có thể đẩy thị trường vào biến động nào đó và chắc chắn ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và chính sách ngoại hối của NHTƯ và của quốc gia”.

Mức lãi suất huy động USD 3,5%/năm được ghi nhận ở trên không phải là duy nhất và cao nhất.Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, ở một số NHTM, lãi suất có thể lên 3,8-4%/năm.

Theo VTV