Vụ thâu tóm Sacombank đình đám đã tới hồi kết với việc ông Trầm Bê hầu tòa trong phiên xét xử giai đoạn 2 đại án Phạm Công Danh. Kẻ thua cuộc tỷ USD giờ kín tiếng, người thắng cuộc đình đám cách đây vài năm giờ đối mặt lao lý.
Dàn “đại gia” hội ngộ trong đại án
Sau hơn 6 năm, vụ thâu tóm lịch sử trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam đã khép lại. Ông Đặng Văn Thành đã ra khỏi ngân hàng “con đẻ” Sacombank và quay về với nơi ông từng khởi nghiệp. Ông Dương Công Minh trở thành người chèo lái con thuyền Sacombank.
Trong khi đó, đại gia Trầm Bê hầu tòa trong phiên xét xử giai đoạn 2 đại án Phạm Công Danh. Trong vụ án hơn 6.000 tỷ đồng này, với vị thế người thắng cuộc trong cuộc chiến tại Sacombank trước đó, ông Trầm Bê là người giới thiệu cho ông Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank; từ đó tiếp sức cho ông Danh gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) 1.836 tỷ đồng.
Bên cạnh Trầm Bê (SN 1959, dân tộc Hoa) và Phạm Công Danh (1965), 44 đồng phạm khác cũng bị xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", trong đó có Phan Huy Khang (45 tuổi) nguyên là TGĐ Sacombank.
Ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, là người chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục rồi phê duyệt cho 6 công ty con của Phạm Công Danh vay tiền dù chưa đủ hồ sơ. Theo khung hình phạt khoản 3, Điều 165 Bộ luật Hình sự đối với tội danh này, ông Trầm Bê đối mặt với mức án từ 10-20 năm tù.
Phiên tòa còn quy tụ rất nhiều đại gia tiếng tăm với nhiều tư cách khác nhau, từ người làm chứng cho tới người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như: ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV).
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi gây thoát thoát hơn 6.100 tỷ đồng cho Ngân hàng VNCB. Nhiều ngân hàng liên quan tới vụ án này như: Sacombank, Tiên Phong và BIDV.
Như vậy, cho tới nay, vụ thâu tóm Sacombank đã hạ màn. Ông Trầm Bê vướng lao lý, trong khi ông Đặng Văn Thành tìm đến chân trời mới.
Ông Dương Công Minh là người tiếp quản Sacombank và là người đã và sẽ phải xứ lý hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu gây ra trong thời ông Trầm Bê và khối nợ từ SouthernBank chuyển sang.
Đại gia ngân hàng: Kẻ ngã ngựa, người thấy tỷ USD
Trước đó, ông Trầm Bê chính là đại gia kín tiếng trong vụ thâu tóm Ngân hàng Sacombank ngay từ năm 2011 và hợp nhất thành công 2 ngân hàng SouthernBank và Sacombank trong năm 2015.
Công cuộc tái cấu trúc ngân hàng đã thay máu hàng loạt dàn lãnh đạo tại nhiều ngân hàng. Những cuộc đổi chủ, đổi lãnh đạo diễn ra liên tục trong 5-6 năm qua. Nhiều người trong số đó đã vướng vòng lao lý, có người đã thụ án xong và ra tù như trường hợp các ông Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ trong vụ án “Bầu Kiên” ACB,...
Vụ án Oceanbank cũng đã kết thúc với việc nguyên chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm lĩnh án chung thân. Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc - Chủ tịch HĐQT Oceanbank) lĩnh án 9 năm tù.
Kẻ ngã ngựa, người thấy tỷ USD. |
Trong vụ thâu tóm Sacombank, ông Trầm Bê từng được xem là kẻ thắng cuộc giờ vướng lao lý. Trước đó, ông trùm ngành chiếu xạ nông sản đã cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN thực hiện các quyền cổ đông theo quy định pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần của ông và các bên liên quan ở Phương Nam (SouthernBank), Sacombank và NH sau sáp nhập. Tuy nhiên, đại gia này vẫn không thoát khỏi những sai phạm của mình.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Thành, người buộc phải rời Sacombank, đang “phất” trở lại với mảng du lịch, nông nghiệp. Bên cạnh mảng mía đường truyền thống, ông Thành đẩy mạnh trồng chè, nuôi bò và thỉnh thoảng... dạy học.
Sau hơn 6 năm, hàng loạt ngân hàng đã đổi chủ, thay dàn lãnh đạo. Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều đại gia nổi lên trong lĩnh vực ngân hàng. Trong năm 2017, 3 cái tên nổi lên trong lĩnh vực này là Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank; Dương Công Minh, chủ tịch Sacombank và Nguyễn Đức Hưởng, chủ tịch Liên Việt,...
Sau khi ông Trầm Bê bị bắt, ông Dương Công Minh (SN 1960) trở thành chủ tịch HĐQT Sacombank kể từ 30/6/2017. Trước đó, ông Minh là người sáng lập kiêm chủ tịch của LienVietPostBank nhờ số cổ phần nắm giữ thông qua qua Tập đoàn Him Lam.
Hầu hết các đại gia ngân hàng mới đều nằm trong top những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Với việc đưa cổ phiếu VPBank lên sàn trong năm 2017, ông Ngô Chí Dũng lọt top 15 người giàu nhất.
Trên thực tế, nhiều ông trùm ngân hàng giàu có hơn rất nhiều so với khối tài sản là cổ phiếu ngân hàng nhờ sở hữu những tập đoàn tư nhân lớn mạnh. Tuy nhiên, gần đây, họ đã phải rời ghế lãnh đạo các tập đoàn của mình để tránh xung đột lợi ích với ngân hàng như đã từng xảy ra đối với các doanh nghiệp sân sau trong đại án Phạm Công Danh VNCB, ACB Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên)...
Ông Dương Công Minh gần đây tuyên bố từ chức Chủ tịch Công ty Him Lam để tập trung vào việc tái cơ cấu của Sacombank. Ông Đỗ Minh Phú - Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) sẽ rời ghế Chủ tịch Tập đoàn DOJI sau hơn 1/4 thế kỷ gắn bó để tiếp tục làm Chủ tịch của TPBank.
Bà Thái Hương cũng thông báo về quyết định sẽ chọn làm Tổng giám đốc BacABank, đồng thời rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó. Hay ông Đỗ Quang Hiển từ bỏ T&T để làm chủ tịch SHB,...
Với các đại án ngân hàng thời gian gần đây và hàng loạt quy định mới về quản trị, hệ thống ngân hàng đang có dấu hiệu hồi phục, lợi nhuận tăng cao, cổ phiếu tăng mạnh, nợ xấu giảm. Những thay đổi đã góp phần hạn chế rủi ro và tình trạng thao túng ngân hàng. Sắp tới, yêu cầu công khai sức khỏe và cho phép ngân hàng yếu kém phá sản... sẽ buộc các đại gia ngân hàng phải làm việc có trách nhiệm hơn.
M. Hà