Cuối tháng 9/2021, chỉ trong chưa đầy 24 giờ, UBND tỉnh Hà Nam liên tiếp ra hai văn bản để thay đổi biện pháp chống dịch từ giãn cách xã hội toàn thành phố Phủ Lý xuống chỉ giãn cách một phần địa giới hành chính của 12 xã, phường để dập dịch.

Sau bảy ngày dồn tổng lực dập dịch, việc chuyển cách dập dịch từ giãn cách thành phố sang thu hẹp nêu trên đã phát huy hiệu quả khi thành phố Phủ Lý tạm thời khống chế được sự lây lan của dịch bệnh ở con số 216 ca mắc Covid-19.

Lấy mẫu tận nhà, phủ vắc xin gần tuyệt đối

Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) Trương Quốc Bảo nói với VietNamNet, dịch Covid-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, toàn hệ thống chống dịch luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu mỗi khi xuất hiện trường hợp F0.

Sở dĩ lãnh đạo thành phố Phủ Lý nhận định như trên bởi sau vỏn vẹn một tuần, thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hơn 226.000 mẫu; việc bao phủ vắc xin mũi 1 được thực hiện cho hơn 90.000 dân trên tổng số 110.000 dân đủ 18 tuổi trở lên.

Việc lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin được thực hiện “thần tốc” trong thời gian rất ngắn đã giúp thành phố nhìn nhận được cục diện dịch Covid-19 để từ đó đưa ra các phương án chống dịch đúng và trúng.

{keywords}
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tận nhà dân ở thành phố Phủ Lý. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống

Người đứng đầu UBND thành phố Phủ Lý cho biết, trong một tuần vừa qua, các tỉnh bạn như Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Nam Định đã cử cán bộ tham gia hỗ trợ lấy mẫu. Với tổng số 500 nhân viên y tế tỏa ra đến tận từng nhà dân để lấy mẫu.

“Cán bộ ở các tổ dân phố cắt cử lực lượng để đưa nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm để không bỏ sót bất cứ trường hợp nào”, ông Trương Quốc Bảo nói và cho biết, việc lấy mẫu thần tốc đã giúp bóc tách nhanh các F0 ra khỏi cộng đồng, các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được đưa đi thu dung, điều trị, các trường hợp F1 được đưa đi cách ly theo quy định.

Việc thành phố Phủ Lý lấy mẫu tận nhà đã giảm thiểu tối đa tình trạng dịch lây chéo trong cộng đồng khi tập trung đông người để lấy mẫu xét nghiệm.

Cách ly hẹp đến tận một nhà dân

Một trong những yếu tố giúp Phủ Lý kiềm chế dịch trong một tuần là nhờ phương án cách ly y tế ở phạm vi hẹp nhất có thể. Việc phong tỏa được thực hiện theo phương châm chốt hẹp, kiểm soát chặt, xét nghiệm nhanh và thực hiện nghiêm.

Theo ông Trương Quốc Bảo, về việc giãn cách, thời điểm đầu quan điểm của tỉnh là giãn cách toàn thành phố, sau đó quyết định thu hẹp lại và phân vùng đỏ vùng cam.

Việc cách ly hẹp có nhiều lợi thế rõ rệt, đầu tiên là thông qua giãn cách hẹp sẽ giúp chính quyền xác định đối tượng cần lấy mẫu trong phạm vi nhất định để triệt để. Thứ đến, cách ly phạm vi nhỏ giúp công tác chăm lo hậu cần được đảm bảo ổn định, tuyệt đối không có bất cứ hộ dân nào trong khu vực phong tỏa bị thiếu các nhu yếu phẩm. Cuối cùng, cách ly hẹp giúp giảm lây chéo, việc mở rộng cách ly mà không giám sát chặt được di chuyển của người dân sẽ tạo nguy cơ biến khu cách ly thành ổ dịch nguy hiểm.

Sự nhanh nhạy khi phản ứng trước một ca mắc Covid-19 được lãnh đạo thành phố Phủ Lý nhấn mạnh, mỗi khi xuất hiện 1 F0 trong cộng đồng, ngay lập tức tổ truy vết xuống hiện trường thần tốc điều tra truy vết các F có liên quan.

“Mỗi một ca mắc Covid-19 khi được xác định sẽ hiển thị cụ thể trên bản đồ của thành phố, chúng tôi sẽ nhìn nhận về vị trí địa lý, mật độ dân cư xung quanh. Từ kết quả truy vết chúng tôi sẽ bóc tách được F0 và các nhóm nguy cơ lây nhiễm chỉ trong một vài giờ đồng hồ”, ông Bảo nhìn nhận về vai trò của việc cách ly hẹp.

{keywords}
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại điểm cách ly y tế thuộc phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý

Ngoài ra, việc thu hẹp phạm vi giãn cách còn giúp cho việc lấy mẫu xét nghiệm diễn ra nhanh chóng, chính xác. Từ việc lấy mẫu nhanh và cho kết quả sớm sẽ giúp “giải phóng” các F2 khi F1 cho kết quả âm tính. Việc đẩy nhanh quy trình trên giúp cho hoạt động của người dân sớm trở lại bình thường và tránh gây bức xúc cho các nhóm nguy cơ.

Sách lược phong tỏa hẹp được Phủ Lý áp dụng triệt để và mang lại hiệu quả. Có nhiều phường chỉ thực hiện cách ly một hộ dân như phường Minh Khai hay phường Trần Hưng Đạo. Để cách ly hẹp được, yếu tố tiên quyết theo lãnh đạo thành phố Phủ Lý vẫn là nhờ công tác truy vết thần tốc và tầm soát dịch trong cộng đồng.

“Có những ca mắc Covid-19 có nhà nằm cách xa khu dân cư thì việc cách ly cả khu dân cư là rất vô lý vì không có khả năng lây nhiễm. Có những trường hợp đi công tác chỉ 10 ngày về nhà một lần thì khả năng lây nhiễm cũng không cao nên chỉ cần cách ly các thành viên trong gia đình”, ông Bảo dẫn chứng về việc thực hiện cách ly hẹp sẽ giúp tâm lý người dân được giải tỏa, việc đi lại được thực hiện và tuân thủ các điều kiện giãn cách.

“Kéo” chợ về gần nhà dân

Nhận định việc cung cấp nhu yếu phẩm giữ vai trò quan trọng trong việc “an dân” trong vùng giãn cách, UBND thành phố Phủ Lý ngay từ sớm đã xây dựng phương án bảo đảm cung ứng hàng hoá thiết yếu và nhu yếu phẩm cho người dân.

Gần 100 tổ hỗ trợ cung ứng được thành lập ở mỗi tổ dân phố/ thôn nhằm thực hiện các nhiệm vụ vận động, tuyên truyền hỗ trợ, cung ứng giúp người dân khu vực phong toả, giãn cách xã hội có đầy đủ các nhu yếu phẩm giúp người dân yên tâm chấp hành quy định phòng chống dịch của chính quyền.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý Trương Quốc Bảo, việc tổ chức các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu ở gần khu dân cư sẽ giảm tối đa việc di chuyển cơ học và từ đó giảm khả năng làm lây lan dịch bệnh. Có những gia đình chỉ cần bước chân ra đầu ngõ là đã có thể mua sắm các mặt hàng thiết yếu thay vì phải đi ra chợ cách đó nhiều km như trước thời điểm giãn cách.

Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực từ xã hội hóa giúp công tác chống dịch diễn ra suôn sẻ, gắn kết tình đồng bào trong lúc chiến đấu với dịch Covid-19. Đơn cử như tại xã Phù Vân, Hội Liên hiệp phụ nữ xã tổ chức các chi hội vận động hội viên tham gia hỗ trợ rau xanh, thực phẩm cần thiết cho bà con trong khu vực phong toả của thành phố.

Các tổ chức khác của thành phố vận động quyên góp hàng trăm phần quà là gạo, mì tôm, dầu ăn… cung cấp cho người dân gặp khó khăn trong khu phong tỏa.

{keywords}

Tỉnh Hà Nam chủ trương cách ly hẹp để cơ động dập dịch

Phường Hai Bà Trưng là nơi khởi phát ca mắc đầu tiên của thành phố Phủ Lý những ngày qua thực hiện nghiêm việc “ai ở đâu, ở yên đó”. Để không một ai thiếu thốn trong sinh hoạt hàng ngày, UBND phường thành lập nhóm Zalo để tiếp nhận thông tin của người dân từ đó làm căn cứ lên danh sách và cử cán bộ đi mua hộ các mặt hàng thiết yếu. Vì diện phong tỏa được thu hẹp tối đa nên việc tiếp tế lương thực cũng được thực hiện cơ động, nhanh chóng.

Trước những tín hiệu khả quan sau một tuần dồn tổng lực dập dịch, thành Phố Phủ Lý thời gian tới tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tiên là tiếp tục tầm soát dịch trong cộng đồng từ việc lấy mẫu xét nghiệm; hai là phấn đấu trong 7 ngày tới sẽ thực hiện tiêm vắc xin cho 100% dân số của thành phố.

Việc tầm soát dịch trong cộng đồng được ưu tiên thực hiện, thành phố sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sẽ chia thành hai nhóm chính, một là nhóm trong khu phong tỏa sẽ được lấy mẫu theo định kỳ cho tất cả người dân và nhóm ngoài phong tỏa sẽ lọc ra theo cách chọn để lấy mẫu một thành viên trong gia đình.

Tính từ ca mắc Covid-19 đầu tiên tại thành phố Phủ Lý ngày 19/9, số liệu thống kê đến 18h ngày 2/10, tỉnh Hà Nam ghi nhận 398 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.

Hiện nay có 110 bệnh nhân đang điều trị tại BV Lao, 26 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 7 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Lục; 192 bệnh nhân đang điều trị tại BV dã chiến Lam Hạ, 58 bệnh nhân chuyển tuyến điều trị, một số bệnh nhân đang làm thủ tục nhập viện. Hà Nam chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19.

Tính đến 14h ngày 2/10/2021, cộng dồn các đợt tiêm, toàn tỉnh Hà Nam đã có 353.544 lượt người được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Số người đã tiêm mũi 2 là 39.075 người gồm: 12.641 người tiêm vắc xin AstraZeneca; 4.938 người tiêm mũi 2 là vắc xin Pfizer; 20.871 người tiêm vắc xin Moderna; 625 người tiêm mũi 2 vắc xin Vero Cell.

Trong đêm và sáng ngày 1-2/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam tiếp nhận thêm 130.000 liều vắc xin phòng Covid-19, gồm: 30.000 liều vắc xin Astrazeneca, 100.000 liều vắc xin Vero Cell. Toàn bộ số vắc xin trên đã được kiểm tra, bảo quản trong kho dây chuyền lạnh đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đoàn Bổng

Chiến lược phòng dịch của tỉnh duy nhất chưa có F0

Chiến lược phòng dịch của tỉnh duy nhất chưa có F0

Là địa phương có hơn 300 km đường biên giới, tỉnh Cao Bằng đang giữ vững thành quả chưa có ca mắc Covid-19 nhờ chiến lược “phòng dịch từ xa” với phương châm đi trước một bước và cao hơn một mức để không phải chống dịch.