- Từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay, các trường ĐH, CĐ thuộc hai vùng Hà Nội, TPHCM phải đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch với Bộ GD-ĐT.

 

Theo phương án Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội,  12 trường ĐH, CĐ được chuyển ra ngoại thành và được bố trí ở các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm (đào tạo khối Nông nghiệp, Kỹ thuật và Công nghệ), Sóc Sơn (đào tạo là Kỹ thuật, Công nghệ thông tin), Sơn Tây (đào tạo ngành Văn hóa xã hội, Sư phạm, Du lịch, kết hợp với hệ thống trường quân đội hiện có), Hòa Lạc (chủ yếu cho ĐHQG Hà Nội, đào tạo ngành Khoa học cơ bản, Công nghệ, Kỹ thuật, Y dược và các nghiên cứu chuyên sâu).

12 cơ sở giáo dục phải di dời là ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y tế công cộng, Viện ĐH Mở, CĐ Công nghệ cao Hà Nội, CĐ Y tế Hà Nội.

11 cơ sở giáo dục phải cải tạo là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ĐH Thủy lợi, Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, CĐ Nghệ thuật Hà Nội.

Trong 4 quận nội thành,  có 26 cơ sở. Bộ Xây dựng đã đề xuất 23 cơ sở giáo dục cần cải tạo và di dời.

Sau khi di dời, các trường này sẽ được bố trí tại 7 khu đô thị vệ tinh, như Gia Lâm (khoảng 250ha), Sóc Sơn (khoảng 600ha), Sơn Tây (khoảng 300ha), Hòa Lạc (khoảng 1.200ha), Phú Xuyên (khoảng 100ha)…

Hà Nội hiện có 96 trường ĐH, CĐ, chiếm 30% số trường và 40% tổng số SV cả nước theo học (khoảng 66.000 SV).

Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo ở các trường ĐH, CĐ mới chỉ đáp ứng ở mức rất thấp.
Báo cáo của Cục Cơ sở Vật chất và Thiết bị trường học cho thấy, bình quân diện tích đất cho 1 SV ĐH, CĐ trong các trường công lập vào khoảng 35,7 m2, quá thấp so với tiêu chuẩn mà Việt Nam đề ra từ năm 1985 ( khoảng 55 đến 85 m2 đất/1 SV).

Hệ thống trang thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu đào tạo; Hệ thống cơ sở vật chất mới đáp ứng được 50% nhu cầu; Hệ thống thư viện, cơ sở vật chất công nghệ thông tin còn rất yếu...

"Với các trường ĐH đã có diện tích đủ lớn, không thuộc diện phải di dời phải khẩn trương xây dựng kế hoạch, quy hoạch và chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 10 năm tiếp theo", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định trong một công văn cuối tháng 1.

Theo tinh thần đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cần tránh các biểu hiện: tiết kiệm quá mức, chỉ xây dựng ít tầng nên hiệu quả sử dụng không cao hoặc mua sắm trang thiết bị rẻ tiền.


Tại Hà Nội, trừ ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường CĐ tại Hà Tây cũ, bình quân trên toàn thành phố, số m2 diện tích đất/SV ĐH, CĐ công lập quy đổi chỉ khoảng 13 m2. Trong đó, khoảng 40% số trường có số m2 diện tích đất/SV thấp dưới 5m2/1 SV như Trường ĐH Xây dựng: 0,84m2; ĐH Luật Hà Nội: 0,67m2; ĐH Lao động xã hội: 0,65m2; ĐH Thương mại và ĐH Ngoại thương: 1,08m2; ĐH Kinh tế quốc dân: 2,97m2; ĐH Bách khoa Hà Nội: 4,9m2…

Tại TP.HCM, quỹ đất còn hạn hẹp hơn khi bình quân chung số m2 diện tích/SV ĐH, CĐ công lập quy đổi chỉ khoảng 10m2 (trừ ĐHQG TP.HCM). Khoảng 30% số trường ĐH, CĐ có số m2 diện tích đất/SV thấp dưới 5m2 như ĐH Kinh tế TP.HCM: 0,54m vuông; ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: 3,25m vuông; CĐ Kinh tế TPHCM: 2,51m2…

Trong 196 trường ĐH, CĐ công lập, có tổng số 855.337 SV chính quy, chỉ có 157.429 chỗ ở cho SV, chiếm 19,5%. Diện tích đất các trường đang dành cho xây dựng nhà ở SV và các công trình phụ trợ, chưa tính đến nhà ở cho cán bộ giảng dạy, chỉ
chiếm 3,7% diện tích toàn trường.
.

 

 

 

  • Kiều Oanh