Sau một thời gian dài thực hiện phân luồng giao thông cưỡng bức trên 12 tuyến phố, Sở GTVT Hà Nội vừa quyết định dỡ bỏ dải phân cách cứng. Theo Sở GTVT Hà Nội, do ý thức người dân đã được nâng lên, vì vậy, việc phân luồng cưỡng bức là không cần thiết!

Người dân đã đi đúng làn đường

Từ năm 2010, Sở GTVT Hà Nội bắt đầu lắp đặt dải phân cách cứng để phân luồng phương tiện cưỡng bức trên một số tuyến phố như Phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng, cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì…

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, ngay khi bắt đầu triển khai việc lắp đặt dải phân cách cứng, Sở GTVT đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trong đó có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến cho rằng mất mỹ quan và dễ gây TNGT.

{keywords}

Sau khi tháo dỡ dải phân cách cứng, giao thông trên phố Xã Đàn vẫn rất lộn xộn. Ảnh chụp ngày 29/1

“Tuy nhiên, trong tổ chức, điều hành giao thông, giải pháp nào mới, mang tính đột phá thì không thể ngay lập tức nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận. Hơn nữa, không phải tất cả các giải pháp đưa ra đều tối ưu và khả thi”, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết.

Mục đích của việc phân làn giao thông cưỡng bức, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội là để cải thiện ý thức của người tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Xuân Tân lý giải thêm, trước khi thực hiện lắp đặt dải phân cách cứng trên một số tuyến phố như Phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, mỗi năm tại đây tối thiểu xảy ra 1 vụ TNGT nghiêm trọng.

Song, kể từ khi lắp đặt dải phân cách, tình hình TNGT nghiêm trọng trên các tuyến phố này đã giảm đáng kể. Từ năm 2010 đến nay, chưa có vụ TNGT nghiêm trọng nào xảy ra trên các tuyến phố này.

Bên cạnh đó, ý thức người tham gia giao thông đã được cải thiện rõ rệt. “Người dân đã tự giác đi vào đúng làn đường của mình, tình trạng ô tô lấn làn xe máy, xe máy đi vào làn đường ô tô đã được hạn chế. Vì vậy, Sở GTVT thực hiện thu hồi dải phân cách cưỡng bức”, ông Nguyễn Xuân Tân thông tin.

Chi 24 tỷ phân làn rồi bỏ: Nên thừa nhận thất bại!

“Hà Nội nên thừa nhận việc phân làn bằng dải phân cách bê tông trên các tuyến phố không hiệu quả nên tháo đi, chứ dừng nói do ý thức người dân tốt lên”.

Không lãng phí!

Về chi phí cho công tác thực hiện phân luồng cưỡng bức, ông Nguyễn Xuân Tân khẳng định, phần lớn chi cho nhân công lao động, lấy từ kinh phí duy trì, tổ chức giao thông. Còn những mũi tên phản quang, vỉa batoa sau khi được thu hồi từ những tuyến phố này sẽ lắp đặt tại các tuyến phố khác mà tình hình giao thông còn lộn xộn.

Trong đó, ưu tiên những tuyến phố xuyên tâm, giao cắt vành đai 3 có mật độ tham gia giao thông đông đúc. Vì vậy, không có sự lãng phí nào trong việc lắp đặt và thu hồi các dải phân cách cứng.

Ông Nguyễn Xuân Tân cho rằng: “Chúng ta bỏ ra một số tiền không đáng kể nhưng ý thức của người tham gia giao thông đã được cải thiện rõ rệt. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chủ trương phân luồng và phân làn phương tiện, kiên trì đến khi đạt được thành quả chứ không “đánh trống bỏ dùi”.

Tuy vậy, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 29-1, tình hình giao thông trên các tuyến phố đã tháo dỡ dải phân cách cứng như Xã Đàn, Bà Triệu, Hàng Bài, Phố Huế… vẫn còn rất lộn xộn.

Xe máy đi vào làn xe ô tô và ngược lại. Lý do thu hồi dải phân cách cứng theo giải thích của Sở GTVT Hà Nội dường như chưa thỏa đáng. Nhất là khi lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi thu hồi dải phân cách cứng, sẽ phối hợp với lực lượng CSGT và chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT tăng cường kiểm tra, kiểm soát hành vi đi sai làn đường trên những tuyến phố này, để góp phần… nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Cảnh lộn xộn nơi Hà Nội vừa dỡ dải phân làn cứng

Ô tô lấn sang làn xe máy và ngược lại trên các tuyến phố Xã Đàn, phố Huế, Hàng Bài, Bà Triệu... sau khi Sở GTVT Hà Nội cho tháo dỡ dải phân làn cứng.

(Theo Ngân Tuyền/An ninh thủ đô)