Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 44/QĐ-SXD về việc thành lập Đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm 9 thành viên, do ông Cù Quang Anh - Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng làm Trưởng đoàn; ông Trần Ngọc Minh - Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản làm Phó Trưởng đoàn.
Giáp Tết người mua nhà tại chung cư Bright City tập trung đòi nhà vì dự án chậm tiến độ. |
Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước của các chủ đầu tư, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, Ban quản trị nhà chung cư trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư; Bàn giao và tiếp nhận hồ sơ nhà chung cư giữa chủ đầu tư và Ban quản trị; Bàn giao và tiếp nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư giữa Chủ đầu tư và Ban quản trị.
Đoàn cũng sẽ kiểm tra việc xác định diện tích chung, riêng trong nhà chung cư và việc bàn giao, tiếp nhận phần sở hữu chung, phòng sinh hoạt cộng đồng nhà chung cư giữa chủ đầu tư và Ban quản trị; Công tác tổ chức quản lý vận hành nhà chung cư; Lấn chiếm không gian xung quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung; Chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung, phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp.
Theo yêu cầu đoàn phải công bố Quyết định kiểm tra; thông báo kế hoạch, thời gian kiểm tra kèm theo đề cương báo cáo cho các đơn vị được kiếm tra; đảm bảo thời gian theo quy định của pháp luật; Xử phạt các vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư theo Điều 66 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ (nếu có). Kết thúc cuộc kiểm tra, đoàn có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng về kết quả kiểm tra.
Liên quan đến tình hình tranh chấp chung cư, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải có báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản, các khu chung cư để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng theo yêu cầu.
Đánh giá về công tác quản lý vận hành chung cư trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, hiện nay trên địa bàn đang có nhiều mô hình, nhiều cách quản lý nhà chung cư khác nhau nhưng còn nhiều bất cập, dẫn đến tranh chấp khiếu kiện gay gắt.
“Có những mô hình quản lý chung cư của các tập đoàn xây dựng cả một số nhóm nhà chung cư. Rồi những nhóm chung cư của các dự án nhà đơn lẻ, nhà tái định cư, nhà ở xã hội… Nhưng những năm vừa qua chính sách quản lý này đang có bất cập. nếu chúng ta không thống nhất được, các công trình mà không đảm bảo được duy tu duy trì một cách khoa học theo đúng quy trình, nội quy thì nguy cơ các chung cư này xuống cấp dẫn đến mất an toàn đối với các tòa nhà chung cư là hiện hữu đối với chúng ta rất lớn” – Lãnh đạo UBND TP cho hay.
Theo lãnh đạo TP, thời gian tới phải nghiên cứu xem những mô hình quản lý tới đây như thế nào để đề xuất những cơ chế đặc thù thậm chí phải có những biện pháp đưa ra các cuộc thảo luận đẻ đưa ra mô hình quản lý.
Trên thực tế, thời gian qua xảy ra tình trạng hàng loạt dự án chung cư trên địa bàn Hà Nội xảy ra tranh chấp gay gắt giữa chủ đầu tư với các hộ dân mua nhà. Ngay những ngày cận Tết Nguyên đán vừa diễn ra, nhiều dự án, cư dân của nhiều khu chung cư vẫn băng rôn phản đối bức xúc với chủ đầu tư. Đơn cử, bức xúc trước việc chủ đầu tư nhiều lần thất hứa không bàn giao nhà theo đúng cam kết, đông đảo khách hàng mua nhà tại Dự án nhà ở xã hội Bright City (hay còn gọi AZ Thăng Long), do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư đã tập trung trước công trường dự án căng băng rôn đòi nhà.
Chuyện “quảng cáo thăng hoa, nhận nhà vỡ mộng” không phải là chuyện hiếm. Như tại khu chung cư CT1A-B Mễ Trì Plaza, Ban quản trị cũng có đơn kiến nghị về những bất cập tại đây.
Nêu tại đơn kiến nghị, Ban quản trị cho hay, kể từ khi được bàn giao căn hộ đến nay là gần 15 tháng (từ tháng 8/2016) nhưng Hội đồng hợp tác đầu tư gồm Tổng công ty phát triển phát thanh truyền hình thông tin (EMICO) và Công ty cổ phần Đầu Tư và Xây Dựng Xuân Mai (XMC) không thực hiện cam kết bàn giao tiện ích tòa nhà như trong hợp đồng mua bán với cư dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống về an ninh, môi trường của cư dân. Trước thềm Tết Nguyên Đán vừa qua, cư dân tại đây cũng treo nhiều băng rôn tại tòa nhà phản ánh và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các bất cập tại khu chung cư.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ riêng năm 2017 đến nay, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội và TP.HCM, từ những khu chung cư giá rẻ cho đến các dự án chung cư cao cấp. Các vấn đề tranh chấp, dân phản đối tập trung vào những nội dung như: Bàn giao không đúng tiến độ, tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, vấn đề PCCC, quảng cáo lừa dối…
Hồng Khanh
Hà Nội, TP.HCM vẫn chưa báo cáo về tranh chấp chung cư
2 thành phố lớn vẫn chưa có báo cáo Bộ Xây dựng về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản các khu chung cư
Tiền tỷ mua chung cư, nơm nớp nỗi lo tranh chấp
Cùng VietNamNet điểm lại những vụ việc lùm xùm tai tiếng liên quan đến các dự án chung cư 1 năm qua.
Những vụ tranh chấp chung cư đình đám nhất 2017
Năm 2017 bùng nổ nhiều vụ tranh chấp chung cư, mâu thuẫn gay gắt giữa dân cư và chủ đầu tư không được giải quyết khiến người dân chung cư phải căng băng-rôn xuống đường phản đối đòi quyền lợi.