Lập hồ sơ thu hồi phục vụ mục đích công cộng các trường hợp nhà, đất có diện tích dưới 15m2, không hợp khối được với các công trình lân cận và các trường hợp sau 30 ngày không thực hiện được việc hợp thửa, hợp khối...
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản số 1758/UBND-ĐT về xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ, gây phản cảm trước năm 2005.
“Trảm” nhà gây phản cảm
Thành phố (TP) chấp thuận về nguyên tắc thu hồi các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại để phục vụ mục đích công cộng; giữ nguyên trạng, hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề và xung quanh hoặc cấp phép có điều kiện bảo đảm an toàn, không gây phản cảm với các công trình xung quanh...
TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 11/11/2016; lập hồ sơ thu hồi phục vụ mục đích công cộng các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại (diện tích dưới 15m2, không hợp khối được với các công trình lân cận) và các trường hợp sau 30 ngày không thực hiện được việc hợp thửa, hợp khối...
Những ngôi nhà kỳ dị, siêu mỏng siêu méo "xuất hiện" sau khi tuyến đường mới hiện đại lưu thông. |
Theo ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ở góc độ quản lý, Sở Xây dựng đã tham mưu cho TP phương án xử lý cụ thể đến từng nhóm đối tượng nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo". Với trường hợp có diện tích từ 10 - 15m2, quy mô từ 2 tầng và trên cùng một tuyến ưu tiên hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề (chỉnh trang hợp khối kiến trúc) hoặc cấp phép có điều kiện.
Riêng nhà lớn hơn 4m2, nhỏ hơn 10m2, quy mô 3 tầng: hạ độ cao còn 1 tầng. Trường hợp diện tích nhà từ 4m2 đến dưới 15m2, hiện trạng là nhà 1 tầng: Cho chỉnh trang giữ nguyên trạng tạm thời. Còn các căn hộ “mỏng, méo” dưới 4m2: Xử lý thu hồi phục vụ mục đích công cộng.
Việc làm khó
Về vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, Hà Nội kiên quyết thu hồi các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng trước năm 2005 thể hiện sự quyết liệt của chính quyền TP. Được xem như một động thái tái khởi động lại các giải pháp trước đây và cụ thể hoá thực hiện Luật Thủ đô.
Theo TS Nghiêm, đây là việc khó nhưng kiên quyết phải làm. Có quyết tâm, có chỉ đạo quyết liệt thì không có việc gì không làm được. Thế nhưng, vấn đề đặt ra cần lưu tâm ở chỗ: Thu hồi để xây dựng mục đích công cộng cần làm rõ cho mục đích gì? Bởi, làm ki ốt bán hàng càng áp lực giao thông. Ngoài ra các giải pháp làm bảng tin, vườn hoa nhỏ cũng cần nghiên cứu thấu đáo.
“Cùng việc thu hồi phải có giải pháp khai thác hiệu quả đất thu hồi phù hợp với từng vị trí chứ không chỉ chung chung là phục vụ công cộng rồi lại biến thành dịch vụ thương mại”, TS Nghiêm nhấn mạnh.
Trong ảnh là ông Bái một người dân chỉ còn khoảng 11m2 sau khi GPMB. Theo ông, diện tích ở chỉ có 9m2, chiều sâu chưa đến 3m2, căn nhà thậm chí không đủ để kê một chiếc giường. |
Bàn luận về vấn đề này, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, giá đất sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) tăng cao hàng chục lần nên người dân cố tình không chấp hành pháp luật. Chủ trương hợp khối cũng rất khó.
Khi GPMB các hộ xin thỏa thuận hợp khối, GPMB xong không thể hợp khối được vì các hộ quay ra ép giá nhau, chính quyền vì thế lúng túng quản lý. Thế mới có câu chuyện bi hài “bức tường 1,7m2" có giá... 1 tỷ đồng.
“Hà Nội kiên quyết cho thu hồi các trường hợp siêu mỏng, méo không đủ điều kiện tồn tại để phục vụ mục đích công cộng trước năm 2005 là điều kiện cần để triệt tiêu các dạng công trình gây phản cảm lâu dài này. Người dân có công trình dưới 15m2 này buộc phải đưa ra lựa chọn: Đàm phán, thỏa thuận giá hợp lý (không đòi giá trên trời) với hộ liền kề để hợp khối hoặc bị Nhà nước thu hồi với giá rẻ hơn rất nhiều. Khi quyền lợi được đưa lên bàn cân, các hộ dân chắc chắn sẽ thiên về giải pháp ít thiệt thòi nhất”, GS Đặng Hùng Võ phân tích.
Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng cho biết, trước thời điểm 2015, toàn TP có trên 300 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo". Sau nhiều năm phối hợp xử lý, tính đến đầu tháng 6.2017, đã “trảm” được 160 công trình. Hiện tại, các dạng nhà, đất không đủ điều kiện để xây dựng tồn đọng cũ giảm còn khoảng 132 trường hợp. Trong đó, không ít công trình thuộc dạng “khó” nằm ở các quận Ba Đình, Hà Đông, Tây Hồ. |
(Theo Dân Việt)