Chủ đầu tư cho rằng, việc công bố dự án nhà ở thế chấp ngân hàng cần đưa thông tin chính xác, rõ ràng tránh để người mua nhà hoang mang gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản.
Ngay sau khi danh sách các dự án bất động sản đang thế chấp tại các ngân hàng được Sở Tài nguyên môi trường TP. Hồ Chí Minh công bố nhằm công khai minh bạch thông tin hướng đến hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người tham gia giao dịch bất động sản đã nhận được nhiều góp ý từ các chủ đầu tư.
Trao đổi với PV Infonet xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Dầu Khí Toàn Cầu GP-Invest cho rằng, cách giải thích và cách làm hiện còn nửa vời, không chuẩn, dẫn đến hiểu lầm và gây bức xúc dư luận.
Theo ông Hiệp, đa số các chủ đầu tư đều phải sử dụng vốn của ngân hàng vì thế, các chủ đầu tư đều dùng tài sản hình thành trong tương lai thế chấp để có nguồn tín dụng. Hơn nữa, quy định mới của Luật kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh. Mà muốn ngân hàng bảo lãnh thì phải có tài sản thế chấp, thế nên các chủ đầu tư đều phải thế chấp dự án hình thành trong tương lai.
Chủ đầu tư cho rằng, việc công bố thông tin dự án thế chấp ngân hàng hiện nay còn thực hiện nửa vời, dễ gây hiểu lầm với người dân. Ảnh Minh Thư |
“Nếu chỉ công bố ở thông tin thế chấp hay không thế chấp dễ khiến người dân hiểu lầm. Theo tôi, các cơ quan trước khi công bố dự án nào đó có thế chấp hay không thế chấp thì cần yêu cầu chủ đầu tư có bảng cân đối dòng tiền. Nếu chủ đầu tư chứng minh được kế hoạch cân đối dòng tiền không ảnh hưởng gì đến tài sản của người mua nhà trong tương lai thì điều đó hoàn toàn lành mạnh, không vấn đề gì. Còn nếu chủ đầu tư không chứng minh được kế hoạch cân đối dòng tiền thì sẽ dẫn đến rủi ro, nguy hiểm cho người mua nhà”, ông Hiệp đề xuất.
Hiện nay chúng ta chưa thực hiện việc đó mà mới chỉ công bố dự án này, dự án kia thế chấp dẫn đến người mua nhà hiểu lầm rằng, nếu dự án đã thế chấp thì dự án là của ngân hàng chứ không phải của chủ đầu tư.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (xin không nêu tên) khi trao đổi với PV khẳng định rằng, việc chủ đầu tư thế chấp dự án để ngân hàng tài trợ hoặc phát hành bảo lãnh là nghiệp vụ hết sức bình thường giữa đơn vị tài chính và kinh doanh.
Theo vị này, mỗi dự án là một tài sản thế chấp riêng biệt, bán dự án nào xong thì chủ dự án phải tất toán tài sản đó và thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư với người mua nhà thì sẽ không có rắc rối gì. Song, chỉ phát sinh khi chủ đầu tư đã bán xong dự án mà chưa giải chấp tài sản.
Việc công bố dự án thế chấp với ngân hàng của các chủ đầu tư có thể thực hiện với điều kiện đơn vị công bố cần nắm bắt thông tin chính xác như: dự án thế chấp ở đâu, thế chấp như thế nào, bao nhiêu tiền, đã thực hiện nghĩa vụ đúng hay chưa… tránh đưa thông tin mập mờ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ví như, vừa rồi công bố có trường hợp chủ đầu tư không phải thế chấp toàn bộ dự án mà họ chỉ thế chấp tầng thương mại thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư và một số căn hộ còn lại chưa bán cũng là tài sản của chủ đầu tư thì họ đều có quyền thế chấp.
“Khi công bố thông tin không rõ ràng sẽ dẫn đến việc người đã mua hay chuẩn bị mua nhà dễ bị hoang mang trước thông tin không chính xác, rồi người dân không mua nhà nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến thị trường bất động sản”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico thì quy định pháp luật đang có nhiều mâu thuẫn. Lẽ ra, các thông tin vay vốn cần được công khai nhưng Luật tổ chức tín dụng 2010 quy định, thông tin vay vốn phải bảo mật, không được phép công bố dẫn đến các doanh nghiệp bất động sản không công khai thông tin. Hậu quả, người dân, cơ quan quản lý, khách hàng, ngân hàng, doanh nghiệp…các thành phần liên quan đều gặp rủi ro do không nắm được tình trạng tài chính, tình hình thực tế của tài sản để quyết định có giao dịch hay không.
Hà Nội có công bố các dự án thế chấp ngân hàng không? Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội cho biết: Hiện chưa có hướng dẫn hay chỉ đạo nào về việc công bố các dự án thế chấp ngân hàng. Sở TNMT Hà Nội đang xin ý kiến Bộ Tài nguyên Môi trường vì vấn đề công bố này rất nhạy cảm, liên quan đến thông tin kinh doanh của doanh nghiệp. Việc công bố hay không công bố dự án thế chấp ngân hàng cũng không ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, đó chỉ là thông tin để người mua nhà tham khảo để quyết định mua hay không mua. Hơn nữa, luật cũng đã quy định chủ đầu tư có quyền đăng ký giao dịch bảo đảm thế chấp thì đó là việc của doanh nghiệp. |
Theo Infonet