Cũng theo CDC Hà Nội, trong số 21.396 ca Covid-19 mắc mới có 8.870 ca cộng đồng và 12.526 F0 đã cách ly.
Các bệnh nhân phân bố tại 532 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày là Nam Từ Liêm (1117); Mê Linh (1046); Thanh Trì (1023); Thanh Xuân (944); Quốc Oai (870). Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 343.618 ca.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Hà Nội đang có 6.057 F0 điều trị ở bệnh viện. Trong số các F0 ở bệnh viện, có 993 bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng, 4.053 F0 ở mức độ trung bình và 1.011 F0 nặng, nguy kịch.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng thông tin, số tử vong cộng dồn của Hà Nội là 1.170 trường hợp, tỷ lệ tử vong/mắc là 0.4%.
Trong bối cảnh ca mắc tăng cao, tại phiên họp giao ban ngày 27/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã yêu cầu những địa bàn có mật độ dân cư đông cần đánh giá ngay khả năng đáp ứng tư vấn, chăm sóc người nhiễm Covid-19 của mỗi cán bộ, nhân viên y tế. Có biện pháp huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn cùng tham gia, đảm bảo người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng.
Trao đổi với VietNamNet sáng 3/3, đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết hiện nay, nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân đang tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, ở một số địa bàn, các phòng khám đã trở thành trạm y tế lưu động (như quận Đống Đa), y bác sĩ từ cơ sở tư nhân trực tiếp tham gia hỗ trợ, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà.
Ngọc Trang
Xông phòng Covid-19, bé 6 tháng tuổi ở Hà Nội nhiễm trùng máu
Trong lúc người nhà bế bé G.B đứng xông mũi họng, không may chân bé đá vào máy xông làm nước sôi từ máy xông đổ vào chân, gây bỏng.