-Bạn đọc Ngô Thị Vạn cùng chồng là Ngô Văn Hưng gửi đơn kêu cứu vì vừa mất 2 thửa ruộng (gần 1.000m2) lại vừa bị đánh chém dã man.

TIN BÀI KHÁC:

Theo đơn kêu cứu đề ngày 23/5/2013 và những giấy tờ gửi kèm của bạn đọc Ngô Thị Vạn cùng chồng là Ngô Văn Hưng (con trai duy nhất của Liệt sỹ Ngô Văn Hanh) ở thôn Cao Xá, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội  thì sự việc có thể tóm tắt như sau:

{keywords}
Ảnh minh họa

Năm 1998, chính quyền có chủ trương đo kiểm tra lại diện tích đất nông nghiệp thực tế từng hộ gia đình đang sử dụng tại tất cả các khu ruộng để Nhà nước cấp Giấy (sổ đỏ) chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định tại thời điểm đó, trong hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ, mỗi gia đình phải tự điền tất cả các thửa ruộng đang canh tác theo diện tích thực tế mà Tổ đo đạc của thôn cung cấp vào Tờ khai đăng ký QSDĐ và ký tên, làm Đơn xin đăng ký QSDĐ và ký tên.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, như đơn của bạn đọc cho biết: Gia đình không hề làm Tờ khai đăng ký QSDĐ, không làm đơn xin đăng ký QSDĐ và không lập, ký bất cứ loại giấy tờ gì. Thế mà không hiểu sao gia đình vẫn được UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSDĐ số 00991 QSDĐ/Số 34QĐ/UB ngày 20/8/1999? Bạn đọc đặt câu hỏi: UBND huyện Hoài Đức căn cứ vào hồ sơ nào để cấp GCNQSDĐ cho gia đình? Ai đã khai khống, làm giả hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của gia đình? GCN này có nhiều điểm sai sót, chỉ ghi 7 thửa ruộng với tổng diện tích 2469m2, thiếu mất 2 thửa ruộng, một thửa tại khu Khớt 340m2, một thửa 585m2 tại khu Đìa Giữa mà chính quyền giao cho gia đình sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1981; GCN bị tẩy xóa, viết đè con số diện tích “2469m2” trong khi diện tích thực tế phải là 3273m2.

Hai thửa ruộng đó, lại có trong GCN mà UBND huyện Hoài Đức cấp cho bà  Hoàng Thị Nga (tức Lùn). Theo đơn của bà Vạn, ông Hưng thì trong các lần chính quyền giao ruộng, bà Nga không có mặt tại thôn Cao Xá nên chưa từng được chia ruộng, chưa từng canh tác trên bất cứ thửa ruộng nào tại thôn Cao Xá, thì làm sao được cấp sổ đỏ? Hai vợ chồng bạn đọc cho rằng anh Hoàng Ngọc Tuyến, cháu gọi bà Nga là cô ruột, người được thôn giao viết hồ sơ, vẽ trích lục bản đồ, trích đo thửa đất và viết sổ đỏ cho các hộ gia đình trong thôn tại nhà riêng “đã xúi giục bà Nga thực hiện âm mưu chiếm đoạt ruộng nhà tôi”. Năm 2005 bà Nga kiện ông Hưng ra Tòa án đòi 2 thửa ruộng trên. Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức xử sơ thẩm và Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) xử phúc thẩm, đều không xem xét đề nghị của ông Hưng, bà Vạn là: Xác minh nguồn gốc sử dụng đất, đơn tố cáo việc bà Nga được cấp sổ đỏ là có sự giả tạo chữ ký, khai khống hồ sơ xin đăng ký QSDĐ. Tòa chỉ căn cứ vào GCNQSDĐ mà bạn đọc cho là đã được cấp trái pháp luật, để xử “thắng” cho bà Nga.

Theo bạn đọc Tòa  đã sai lầm khi cho rằng năm 1999 bà Nga được giao 925m2 đất canh tác, vì từ năm 1993 tại địa phương đã khóa sổ ruộng đất canh tác nên không có chuyện năm 1999 bà Nga được giao đất. Theo chính sách đất đai của địa phương thì năm 1999, Nhà nước chỉ làm thủ tục chứng nhận diện tích đất canh tác các hộ gia đình đang thực tế sử dụng, chứ không phải thực hiện việc giao đất. Vì thế Tòa án 2 cấp đã tuyên không đúng với sự thật khách quan, gây nỗi oan ức cho gia đình.

Vì thế bà Vạn, ông Hưng lại tiếp tục gửi đơn tới các cấp chính quyền. UBND huyện Hoài Đức dựa vào Bản án số 106/DSPT ngày 21/10/2005 của TAND tỉnh Hà Tây để ra Thông báo số 81/TB-UBND ngày 16/5/2011. Bạn đọc cho rằng như vậy là vi phạm các quy định tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ và Thông tư 06/2007/TT-BTNMT ngày 2/7/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhầm lẫn giữa chức năng quản lý hành chính với chức năng tư pháp xét xử của Tòa án.

Bạn đọc tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan Trung ương và TP Hà Nội. Ngày 13/5/2013 UBND TP Hà Nội có Thông báo số 143/TB-UBND, trong đó điểm 1.1 có nêu:

“Hộ gia đình bà Ngô Thị Vạn thuộc diện phải rút ruộng và được giao 3120m2. Hộ gia đình bà Hoàng Thị Nga được giao 925 m2 (gồm 2 thửa đất…được rút bù từ hộ gia đình bà Ngô Thị Vạn…)”. Bạn đọc không “tâm phục, khẩu phục”, bật ra các câu hỏi: “Ai, cơ quan nào đã rút ruộng của gia đình tôi? Ai, cơ quan nào đã đứng ra giao đất cho hộ gia đình bà Nga? Bạn đọc viện dẫn thực tế tại địa phương là sau đợt chia ruộng năm 1992 thì khóa sổ, không có bất cứ sự điều chỉnh, chia mới ruộng nào cho đến khi thực hiện cấp GCNQSDĐ năm 1999 (chết không lấy lại ruộng, sinh mới không chia thêm). Vậy thì tại sao năm 1992 gia đình tôi được giao 3120m2 đất canh tác mà năm 1999 GCNQSDĐ cấp cho gia đình chỉ ghi 2469 m2? Và tại sao bà Nga được giao đất?

Đơn của bà Vạn, ông Hưng cũng cho biết: Năm 2007, Hoàng Ngọc Tuyến (cháu gọi bà Nga là cô ruột) tuyên bố bà Nga cho mình 2 thửa ruộng và tổ chức côn đồ đánh chém gây thương tích 3 người trong gia đình. Tuy nhiên, vụ án hình sự này, Tòa án 2 cấp chỉ tuyên án treo và bỏ lọt nhiều kẻ phạm tội.

Vì thế ngày 23/5/2013, vợ chồng bạn đọc Ngô Thị Vạn, Ngô Văn Hưng gửi đơn kêu cứu tới Báo VietNamNet.

Đề nghị các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội  xem xét, giải quyết vụ việc thấu lý, đạt tình, theo đúng quy định của pháp luật.

Ban Bạn đọc