- Các tập đoàn lớn của người Thái đang từng bước thâm nhập và thống lĩnh thị trường Việt Nam trước sự bất lực của các doanh nghiệp trong nước.

Ông trùm chăn nuôi CP

Đồng Nai vừa trao giấy xác nhận "Sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi" cho 9 triệu trứng gà thương hiệu CP Việt Nam được sản xuất, đóng gói trong thời gian từ 01/11/2014 đến 31/12/2014.

Đây là một dấu hiệu cho thấy một một sự thật đáng buồn: các doanh nghiệp trong nước ngày càng lép vế, yếu thế hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất và cung cấp trứng gia cầm.

Sự thật đáng buồn và đầy lo ngại nằm ở chỗ, thị trường trứng gia cầm trong vài năm gần đây phụ thuộc rất nhiều vào một vài "đại gia" chăn nuôi nước ngoài, trong đó có CP hay Emivest. Giá cả thị trường cũng phải chạy theo quyết định của một vài ông lớn này.

Những lần nâng giá sốc hơn 40% trong vòng 2 tuần rồi hạ giá bất thình lình như hồi Tết năm 2013 đã khiến thị trường chao đảo, các doanh nghiệp nội ù hơi tai, chạy theo mệt lả. Rất nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình... không theo kịp đà biến động của thị trường tất nhiên sẽ bị phá sản và có một cách tiếp tục theo lĩnh vực kinh doanh thế mạnh và đầy tiềm năng của Việt Nam này là làm thuê, chăn nuôi gia công cho các DN nước ngoài với lợi nhuận rất thấp.

{keywords}

CP Việt Nam có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản.

Không chỉ trứng gia cầm, CP của Thái Lan đang dẫn đầu lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản tại Việt Nam. Hiện tại CP Việt Nam có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Đắc Lắc, Hà Nội và Hải Dương. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đang mưa làm gió trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm từ gia cầm, gia súc... ở nhiều hệ thống siêu thị cửa hàng trên khắp thị trường Việt Nam.

Sự thống lĩnh của một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong đó có CP, Emivest, Japfa... trên các thị trường thức ăn chăn nuôi, con giống, sản phẩm gia cầm... đã và đang khiến người nông dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Họ phải mua con giống giá cao, thức ăn giá đắt... không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng nếu chỉ dính dịch bệnh hoặc gặp đúng đợt các "ông lớn" hạ giá trên thị trường.

CP vào Việt Nam từ đầu những năm 90 với lĩnh vực đầu tiên là sản xuất thức ăn chăn nuôi và gà giống. Sau đó, DN này đã mở rộng sang hạt giống ngô, thức ăn thủy sản, chế biến thực phẩm, tôm giống, nuôi lợn và năm 2014 là phát triển hệ thống phân phối thịt lợn trên cả nước.

Trái ngược với sự khốn khó của các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa, sau khoảng 10 năm, CP của tỷ phú Thái Dhanin Chearavanant - ông chủ Tập đoàn Chareon Pokphand Group (C.P Group) đã thống trị thị trường thức ăn chăn nuôi và không ngừng bành trướng, đang dần thay thế các doanh nghiệp cũng như trang trại, hộ gia đình Việt để tự chăn nuôi với thương hiệu của riêng mình.

Cuộc đổ bộ của tỷ phú Charoen

Với sự yếu thế của các doanh nghiệp nội, những đợt sốt nóng sốt lạnh về giá cả được dự báo còn tiếp diễn và lan ra nhiều loại mặt hàng khác bởi các tập đoàn nước ngoài, trong đó có Thái Lan vẫn không ngừng mở rộng, bánh trướng trên thị trường nội địa Việt Nam.

Không chỉ chăn nuôi, các đại gia Thái Lan đang nhắm tới rất nhiều lĩnh vực kinh doanh tiềm năng tại Việt Nam.

Hồi tháng 8 vừa qua, tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakd đã bỏ ra gần 900 triệu USD thâu tóm Metro Việt Nam từ tay người Đức để thâm nhập vào thị trường bán lẻ đầy triển vọng của Việt Nam.

{keywords}

Tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakd đã bỏ ra gần 900 triệu USD thâu tóm Metro Việt Nam

Trước đó, năm 2013, Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái này cũng đã mua cổ phần Family Mart Nhật Bản trong liên doanh Family Mart tại Việt Nam và đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi này thành B'mart.

Trên thực tế, Tập đoàn TCC của Thái Lan (công mẹ của BJC) đã vào Việt Nam từ khá lâu với các nhà máy sản xuất giấy, thủy tinh, lon nước giải khát... Và TCC cũng không giấu giếm mục đích là đẩy mạnh bán hàng của tập đoàn tại Việt Nam.

Mới đây, Tập đoàn này còn đề xuất xin được mua cổ phần của Bia Sài Gòn. Trước đó, Trước đó, tỷ phú Charoen đã chi 1.800 tỷ đồng mua 11% cổ phần của Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) thông qua công ty con là F&N Dairy Investments - có trụ sở tại Singapore.

Khá nhiều đại gia Thái khác cũng đang âm thầm thâm nhập và xác lập vị thế trên thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực khác như: nước giải khát, sữa, vật liệu xây dựng...

Sự thâm nhập của các tỷ phú Thái rất quyết liệt nhờ vào sức mạnh vốn, công nghệ và trình độ quản lý cao hơn Việt Nam. Đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh chỉ hơn một tháng nữa Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Khi đó, hàng hóa và lao động, vốn sẽ tự do lưu chuyển trong khu vực. Nhiều rào cản pháp lý sẽ được gỡ bỏ.

Hội nhập sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Ngay ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp nội đang yếu thế ở nhiều lĩnh vực, về rất nhiều mặt, từ công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, tài chính, cho đến cả những ưu đãi.... Sự yếu thế của các doanh nghiệp nội chắc chắn là cơ hội để các tập đoàn lớn trong khu vực tăng sự hiện diện, bánh trướng hơn nữa.

Huấn Tú