- Gần đây, khi dịch sởi bùng phát và trẻ liên tục phải nhập viện, rất nhiều bậc cha mẹ trước chưa từng có ý định mua bảo hiểm nay lại cuống cuồng gửi giấy yêu cầu tham gia bảo hiểm sức khỏe cho con.
Phòng sớm cho đỡ tốn kém
Chị Nguyễn Thị Hà Thu (30 tuổi, Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị vừa mua bảo hiểm sức khỏe cho con trai 18 tháng tuổi để đề phòng trường hợp cháu mắc bệnh thì có điều kiện khám chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân hay quốc tế, tránh xa bệnh viện công đông đúc, chen lấn và lây nhiễm chéo đáng sợ.
“Trước đây, tôi hay đưa cu Bi đi khám chữa bệnh tại viện Nhi Trung ương, nhưng dịch sởi giờ bùng phát, cháu có bị bệnh gì tôi cũng không dám cho vào đó nữa, sợ lây sởi lắm. Nhưng đưa vào bệnh viện quốc tế thì bệnh sơ sơ cũng tốn tiền triệu, nếu phải nằm viện thì tốn cả chục, cả trăm triệu như chơi. Thế nên, tôi thấy mua bảo hiểm sức khỏe con vào thời điểm này là quá hợp lý. Tôi có thể yên tâm đưa con vào các bệnh viện chất lượng cao mà không sợ tốn kém vì phần lớn chi phí sẽ được bảo hiểm thanh toán”, chị Thu nói.
Chứng kiến cảnh đứa cháu họ mắc sởi phải vào viện điều trị, chị Ngọc Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) xót xa. Thương cháu bé đã đành, đằng này chị thương cả bố mẹ nó, gia đình khó khăn nhưng vẫn cố cho con vào bệnh viện quốc tế vì sợ tình trạng quá tải và lây chéo ở Viện Nhi.
Chị Mai kể, cháu chị nằm viện được hơn 10 ngày, tiền viện phí là 2 triệu đồng/ngày. Chi phí khác như thuốc men, điều trị... cũng rất tốn kém. Hôm vừa rồi cháu phải tiêm 3 mũi, mỗi mũi những 7 triệu đồng. “Sau đây không biết vợ chồng em họ tôi sẽ phải tiết kiệm bao nhiêu lâu mới trả hết nợ trăm triệu này” - chị Mai thở dài.
Sợ rơi vào tình cảnh trên, chị Mai lập tức bỏ ra 5 triệu đồng để mua bảo hiểm sức khỏe cho hai đứa con gái, mặc dù số tiền này bằng gần 2 tháng lương lễ tân của chị. “Nhưng bù lại, tôi sẽ yên tâm hơn về mặt tài chính nếu con tôi chẳng may phải vào viện”, chị nói.
Với tâm lý tương tự, chị Lê Thúy Nga (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cũng đang gấp rút rủ thêm bạn bè để đủ một nhóm 20 thành viên mua bảo hiểm sức khỏe cho con. Năm ngoái, được một đồng nghiệp mời mua bảo hiểm cho con nhưng chị không tham gia, nghe đâu phải mất tới 2 tháng đồng nghiệp của chị mới kiếm được được đủ số thành viên để được hưởng gói ưu đãi. Giờ thì ngược lại, chỉ sau có 2 ngày kêu gọi, nhóm của chị Nga đã có 17 thành viên, dự kiến ngày mai là đủ 20 người.
Nhiều công ty bảo hiểm cho hay, hiện số lượng hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trẻ nhỏ đang tăng đột biến. Chẳng hạn, tại Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, số lượng đơn bảo hiểm sức khỏe cho trẻ dưới 1 tuổi bán qua kênh phân phối của HSBC tăng gấp hơn 2 lần so với trước đây.
Công bố có dịch sởi, bảo hiểm sẽ không bồi thường
Trên thị trường hiện có rất nhiều công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm sức khỏe, như Bảo Minh, Bảo Việt, Bảo hiểm Hàng không, Bảo hiểm Dầu khí, Bảo hiểm Bưu Điện... Khi mua các gói bảo hiểm này, khách hàng được chọn lựa chọn sử dụng dịch vụ của bệnh viện quốc tế như Việt Pháp, Hồng Ngọc, Vinmec...
Thông thường, phí bảo hiểm gói cơ bản của các công ty bảo hiểm khoảng 2,5 triệu đồng. Nếu tham gia theo nhóm thì khách hàng sẽ được hưởng chiết khấu từ 10-30%. Khách hàng sẽ được hưởng quyền lợi nội trú tối đa từ 100-200 triệu đồng/năm, 5-10 triệu đồng/ngày, tùy công ty và loại hợp đồng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, phần lớn các công ty bảo hiểm chỉ cấp hồ sơ bảo hiểm cho trẻ em dưới 1 tuổi với điều kiện tham gia bảo hiểm sức khỏe cùng với bố mẹ. Theo đó, nếu muốn mua bảo hiểm cho trẻ em dưới 1 tuổi thì chi phí bảo hiểm sẽ phải tăng lên gấp đôi do phải mua thêm bảo hiểm sức khỏe cho bố hoặc mẹ.
Với đặc thù trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thường hay ốm đau, nhập viện nên hiện nay nhiều công ty bảo hiểm đã ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm sức khỏe cho trẻ dưới 1 tuổi. Đối với trẻ em từ 1 tuổi đến 18 tuổi mua bảo hiểm thì phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm sức khỏe của bố/mẹ.
Ngoài ra, anh Vũ Trần Khôi, chuyên viên Bảo hiểm y tế và tai nạn con người của Bảo Việt, còn cho biết: “Bảo hiểm Bảo Việt không chịu trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm đối với các rủi ro xảy ra do các nguyên nhân bao gồm những rủi ro mang tính chất thảm họa như: động đất, núi lửa, sóng thần, nhiễm phóng xạ, dịch bệnh theo khuyến cáo của WHO từ cấp 6 trở lên”. Như vậy, nếu WHO công bố dịch sởi thì bảo hiểm sẽ từ chối chi trả, bồi thường cho bệnh nhi sởi.
Nhị Anh