Máy cuốn rơm

Chiếc máy cuốn rơm PT-CR57 có trọng lượng 1,8 tấn được nông dân Phan Tấn Bện (Đồng Tháp) mang đến trưng bày tại Techmart 2015.

Máy sử dụng hệ thống chuyển động bánh xích cao su, sử dụng hộp số 6 tiến, 2 lùi, nâng hạ bằng thuỷ lực. Bộ phận lấy rơm nằm ở phía trước, được nâng hạ bằng hệ thống thuỷ lực, dễ dàng thao tác và di chuyển trên các địa hình phức tạp, có thể cuốn rơm khi trời khô hay mưa.

Rơm cuộn được nhả trên thùng chứa nên rơm sạch hơn so với các loại máy khác nhả rơm trên đường đi ven ruộng. Ngoài chức năng cuốn rơm, máy còn được dùng như một chiếc xe vận chuyển nông sản trên đồng rất thuận tiện.

Máy thu hoạch ngô, lúa 

Máy cũng do cơ sở sản xuất của nông dân Phan Tấn Bện chế tạo. Máy có hệ thống đập, hệ thống làm sạch hạt lúa, gạo với độ sạch lên tới 97 – 98%, có thể di chuyển trên những cánh đồng có độ lún, lầy cao nhờ hệ thống bánh xích cao su.

Máy sử dụng hộp số chuyên dùng cho máy gặt, đập liên hợp, nâng hạ bằng hệ thống thuỷ lực.

Máy đánh tơi rơm chế từ xe Honda

Máy đánh tơi rơm do ông Phan Trung Đạt (ấp Long An, xã Long Thắng, Lai Vung, Đồng Tháp) chế tạo.

Rơm sau khi chất nấm xong muốn phơi khô phải đánh tơi bằng tay rất lâu, tốn nhiều chi phí, do đó sáng kiến dùng máy của xe Honda đã cũ mua về chế thêm các bộ phận khác như răng xới, vành xe Honda.

Máy hoạt động 1 giờ bằng 1 lao động làm trong cả tháng, tiết kiệm rất nhiều công sức, thời gian và chi phí cho hộ nông dân, tăng thêm lợi nhuận.

Máy phun xịt thuốc kết hợp sạ hàng

Máy do nông dân Phạm Thanh Liêm (ấp 3, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) chế tạo, có thể hoạt động tốt trên mọi địa hình, sạ hàng có công suất 0,75-1ha/giờ, phun xịt thuốc trừ sâu từ 1-25ha/giờ, tiết kiệm được lượng thóc sạ 10kg/1300m2 (nếu sạ tay là 30kg/1300m2, sạ máy 20kg/1300m2).

Mỗi máy bán trên thị trường có giá 60 triệu đồng, hiện không chỉ bán tại Việt Nam mà còn đưa ra nước ngoài.

Nông dân Phạm Thanh Liêm cũng từng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền cho sáng chế thiết bị gieo hạt thành hàng vào năm 2012.