Qua hai số đầu tiên, “Ơn giời, cậu đây rồi” vẫn là những cuộc “chặt chém” đầy những ngôn từ, hành động “vỉa hè” với những nghệ sĩ trở nên ú ớ khi không biết trước kịch bản.

{keywords}

“Ơn giời, cậu đây rồi” là chương trình tấu hài ứng biến trên truyền hình vừa ra mắt khán giả Việt trên VTV3. Theo yêu cầu của chương trình, các nghệ sĩ tham gia phải thể hiện được khả năng tung hứng khi vào vai một nhân vật mà không biết trước kịch bản.

Cười mãi một kiểu, diễn viên ú ớ

Ơn giời, cậu đây rồi trước khi lên sóng hứa hẹn mang lại nhiều thú vị cho khán giả ở giờ vàng. Bởi nhiều người sẽ chờ đợi tài năng của các nghệ sĩ khi ứng biến với tình huống sẽ tạo ra điều mới lạ. Thế nhưng, vẫn là những kịch bản thử thách “trời ơi đất hỡi”: Bà Ba “gạ” Chí Phèo, ngoại tình tống tiền, cô gái đi xin việc...

Khán giả Việt đã quá quen thuộc với những kịch bản kiểu này, từ các clip của các danh hài đến chương trình truyền hình như Hội ngộ danh hài (HTV7), nên vẫn cười mãi một kiểu.

Nhiều nghệ sĩ trở thành khách mời của chương trình nhưng khi diễn mà không biết trước kịch bản thì trở nên lúng túng. Theo yêu cầu, nghệ sĩ phải ứng biến theo tình huống mục đích là để gây cười cho khán giả. Thế nhưng qua hai số thì duy nhất danh hài Chiến Thắng thể hiện được khả năng của mình. Còn lại, 7 nghệ sĩ kể cả những danh hài thực thụ vẫn va vấp, ấp a ấp úng, phản ứng bằng những tràng cười nhạt.

Trường Giang - một danh hài khá nổi tiếng với khán giả thế nhưng khi mở màn “đốp chát” với Chí Tài thì trở nên ú ớ, phải suy nghĩ khá lâu mới nói ra được một câu không mấy hài hước.

Một danh hài nổi tiếng khác là Kiều Linh khi vào vai bác sĩ “đốp chát” với Trấn Thành cũng nói đi nói lại một câu.

Đó là Trường Giang, Kiều Linh những danh hài đã “có nghề” mà còn va vấp, cứng miệng thì những nghệ sĩ khác (ca sĩ, diễn viên trẻ là chủ yếu) còn “đơ” hơn nhiều. Một Thúy Diễm không thể gây cười, hoàn toàn mất hút khi đối mặt với Việt Hương. Một Dương Triệu Vũ với những câu chọc cười khô cứng khi diễn với nghệ sĩ Thanh Thúy. Hay Anh Đức vào vai Chí Phèo khá nhạt...

“Bí từ” tuôn ra ngôn ngữ “vỉa hè”

Việc đẩy những nghệ sĩ vào các tình huống để tự ứng biến khiến họ “nghĩ không tới” và tuôn ra vô số câu chọc cười bằng hành động, ngôn từ “vỉa hè.”

Số thứ 2 ngày 18.10, diễn viên Phi Thanh Vân vào vai một cô gái đi xin việc. Vừa bước ra sân khấu nữ diễn viên đã không ngần ngại ôm hôn MC Xuân Bắc, rồi “muốn vào phòng chỉ có hai người” khiến MC lúng túng. Khi vào căn phòng thử thách vẫn cách thể hiện đó với Trường Giang, Chí Tài : “Anh có bảo em tiêm chỗ nào đâu. Nên em tiêm vào bụng là đúng rồi. Chứ em trật tay xuống tí xíu là tiêu luôn đấy”. Rồi hành động “ưỡn ẹo” ở cuối chương trình, hỏi MC Xuân Bắc “anh có muốn một người vợ với ba vòng như vậy không?”. Chưa thấy hài hước đâu, khán giả đã thấy đỏ mặt vì những câu đùa quá vô tư.

Vì bị “ép” phải gây cười cho khán giả bằng mọi cách nên nhiều nghệ sĩ khiến khán giả phát ngượng vì sự tự do, thiếu kiềm chế của họ. Ở tập đầu, danh hài Việt Hương vào vai bà Ba vợ Bá Kiến “lẳng lơ” nên đã thể hiện bằng những ngôn từ hết sức táo bạo: Quất, đè, dạo đầu... Để rồi khách mời Anh Đức “bí từ” buột miệng “Tướng bà ngon quá, nhìn tròn như miếng dồi chó”. Rồi những hành động suồng sã đi kèm khiến khán giả ngao ngán.

Cả MC kỳ cựu là một nghệ sĩ hài như Xuân Bắc khi bị đặt vào tình huống cũng “bị hớ”, với nhiều câu nói khá vô duyên kiểu như nói với danh hài Kiều Linh: “Xin chia buồn với cái buồng trứng của chị”.

Theo slogan của chương trình “không có gì chắc chắn cả vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”. Hiểu đúng tức là chương trình sẽ có những bất ngờ, ngẫu hứng, sự “đối chọi” giữa các danh hài qua tài năng ứng biến của họ. Điều này cũng phù hợp với thực tế, khi ai cũng có thể có những tình huống trong cuộc sống cần ứng biến nhanh và hài hước.

Thế nhưng, dường như chương trình đang đi quá giới hạn, sự tung hứng quá tự do, nhiều lúc là “bí từ” tuôn ra những ngôn từ “vỉa hè”, hành động quá thân mật ở một chương trình phát sóng giờ vàng là điều nên xem lại. Bởi khán giả ở giờ này là đủ mọi lứa tuổi! Ảnh hưởng từ việc bắt chước theo diễn viên trên truyền hình là điều đã xảy ra, đặc biệt là với những khán giả nhỏ tuổi. Vì thế nên những tình huống, những cách thể hiện quá ư “trần trụi vỉa hè” là điều không tốt.

Ơn giời, cậu đây rồi lên sóng khán giả thấy được sự nhiệt huyết của các nghệ sĩ, điều đó rất đáng trân trọng. Nhưng dường như “bình mới” mà “rượu vẫn cũ” như các chương trình hài đi trước. Sau mỗi tiếng cười góp nhặt khán giả vẫn không tìm thấy một ý nghĩa nào để nhớ. Vẫn chưa tiết chế được yếu tố “tục” trong ngôn từ và cách diễn.

Sự “đổi món” sau những gameshow ca nhạc, khiêu vũ... khiến khán giả tò mò, thích thú. Thế nhưng đường dài cần chinh phục khán giả bằng những tràng cười ý nghĩa hơn, đừng để kết thúc mỗi chương trình khán giả phải “ơn giời, kết thúc rồi”.

Theo LĐ