anh 1.jpg
 Toàn cảnh lễ mít tinh. Ảnh: Việt Cường

Trong những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS của Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần tích cực vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu về công tác phòng chống HIV/AIDS, được Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao. Hàng năm, cả 3 chỉ số bao gồm số người nhiễm HIV mới, người chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS đều giảm. Số người sống với HIV được điều trị để kéo dài cuộc sống, tăng số bệnh nhân nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV và được thực hiện các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS. 

anh  2.jpg
Đại biểu tham dự lễ mít tinh. Ảnh: Việt Cường

Chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử. Hướng tới mục tiêu 95% tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình, 95% tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút HIV, 95% tỷ lệ người điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

anh  3.jpg
 Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam phát biểu tại lễ mít tinh. Ảnh: Việt Cường

Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống AIDS, ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam đề nghị ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tiếp tục và tăng cường hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS: Tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng, giảm tỷ lệ lây truyền HIV/AIDS. Tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ y tế, cơ sở y tế, không còn hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử với HIV/AIDS tại cơ sở y tế; tiến tới giảm thiểu sự kỳ thị phân biệt đối xử tại cộng đồng. Triển khai đầy đủ, chất lượng các hoạt động cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao; duy trì tốt mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone; giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS đến người bệnh, gia đình và cộng đồng. Nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.

Phương Mai