Cuối tháng 8 vừa qua, tại TP Hải Phòng, lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã bấm nút kết nối 15 sản phẩm vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. 

Được biết, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước kết nối 15 sản phẩm vào Cổng thông tin. Đây là nơi tích hợp dữ liệu hơn 4.000 sản phẩm, hàng hóa cả nước, hỗ trợ cơ quan quản lý tiếp cận, truy vết thông tin trong trường hợp phải thu hồi các lô sản phẩm, hàng hóa không đạt chất lượng, nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

quyen loi nguoi tieu dung b26a.jpg
Kết nối 15 sản phẩm vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia

Không chỉ giúp ích nhà sản xuất, người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phục vụ hội nhập quốc tế.

Có thể nói lần kết nối này cho thấy sự chủ động, tích cực của Sở KHCN thành phố trong triển khai Kế hoạch số 16/KH-UBND về việc thực hiện đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Kế hoạch được UBND thành phố ban hành tháng 1/2022 nhằm đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc để quản lý tốt về chất lượng hàng hóa trong thành phố, đảm bảo an toàn sức khỏe, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phục vụ cho việc phát triển kinh tế thành phố và hội nhập quốc tế;

Nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn cho các tổ chức và cá nhân liên quan;

Nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa, trong đó chú trọng các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chương trình OCOP của địa phương, qua đó kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng;

Xây dựng, vận hành hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của thành phố một cách công khai, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo sự đồng bộ, liên thông, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Việc thực hiện kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố Hải Phòng được chia ra làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn đều có những mục tiêu cụ thể. Giai đoạn đầu từ năm 2022 đến năm 2025; giai đoạn 2 từ năm 2025 đến năm 2030.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức 

Qua gần 2 năm thực hiện Kế hoạch số 16 của UBND thành phố, Sở KHCN đã tổ chức 2 lớp đào tạo, tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức đến hơn 200 lượt cán bộ quản lý, chủ cơ sở doanh nghiệp; đẩy mạnh truyền thông về truy xuất nguồn gốc; khảo sát, hướng dẫn gần 50 cơ sở, DN với gần 100 sản phẩm đăng ký tham gia.

Tuy nhiên đây là nhiệm vụ mới nên cơ quan quản lý gặp lúng túng trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức triển khai các nhiệm vụ vào tình hình thực tế. Bên cạnh đó, hạn chế về trình độ nhân lực của DN, chi phí thực hiện truy xuất nguồn gốc khiến nhiều cơ sở, DN chưa mặn mà thực hiện nhiệm vụ này. Song, khó khăn lớn nhất là nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, DN trong thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp quy định. 

quyen loi nguoi tieu dung b26b.jpg
Chú trọng các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chương trình OCOP của địa phương

Từ kết quả thí điểm hỗ trợ 15 sản phẩm, dự kiến từ nay đến năm 2025, mỗi năm Sở KHCN hỗ trợ triển khai 50 sản phẩm kết nối vào Cổng thông tin. Cùng với đó, Sở đang trình UBND thành phố phê duyệt “Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Hải Phòng” với mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu triển khai nội dung này.

Để tiếp tục thực hiện đạt kết quả cao Kế hoạch 16, lãnh đạo thành phố đề nghị Sở KHCN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, DN và người dân thành phố về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đến các ngành, địa phương và DN. 

Cùng với đó, đẩy mạnh khảo sát, hướng dẫn hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đối với các cơ sở sản xuất, DN trên địa bàn thành phố, nhất là các sản phẩm đặc thù, sản phẩm được chứng nhận OCOP, sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu. Từ nay đến năm 2025, mỗi năm thành phố hỗ trợ triển khai ít nhất 50 sản phẩm kết nối vào Cổng thông tin quốc gia.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Sở KHCN phối hợp với các sở, ngành rà soát thống nhất đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách để khuyến khích các cơ sở sản xuất, DN tham gia xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống Truy xuất bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; 

Tiếp tục phối hợp với Tổng cục Đo lường Chất lượng và các sở, ngành tham mưu xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Hải Phòng đảm bảo kết nối vào Cổng thông tin quốc gia.

Văn Công và nhóm PV, BTV