Ai nắm được các đại dương, người đó sẽ kiểm soát được thế giới. Câu châm ngôn cổ từ thời thuộc địa cũ lại được hiểu theo một cách khác trong thế giới thời hậu công nghiệp - thời mà 80% dân số thế giới sống gần duyên hải và 90% thương mại thế giới được vận chuyển qua đường biển.

Hải quân Nga trong cuộc tập trận chung với Trung Quốc tháng Tư vừa qua.
Vậy nên cũng chẳng ai ngạc nhiên khi những người muốn thống trị thế giới lại nâng tầm lực lượng hải quân của họ - Đô đốc Hải quân Mỹ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Cecil Haney bóng gió ám chỉ. Trên thực tế, đấy cũng chính là lý do cho sự tồn tại của cuộc tập trận rầm rộ trên quy mô rộng lớn RIMPAC 2012 đang diễn ra tại Hawaii, Mỹ.

Xét về khía cạnh con số thống kê, RIMPAC 2012 trông có vẻ rất ấn tượng, cùng với sự tham gia của các quốc gia mới tham dự. Và RIMPAC 2012 không còn đơn thuần chỉ là một cuộc tập trận kéo dài 1 tháng về lĩnh vực an ninh hàng hải, chiến tranh chống tàu ngầm và các hoạt động cứu trợ thảm họa.

Một điểm mới có tính chất then chốt liên quan tới RIMPAC 2012 chính là trục Nga - Trung sẽ nổi lên trong một phép thử mới.

Nguyên nhân là vì lần đầu tiên trong lịch sử, Nga được mời tham dự vào RIMPAC. Còn về phần mình, Trung Quốc - cường quốc hải quân đứng thứ hai thế giới - lại bị ghẻ lạnh khi buộc phải đứng ngoài lề.

Trong khi Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga - bao gồm tàu chống ngầm Admiral Panteleev, tàu cứu hộ Photius Krylov và tàu chở dầu Boris Butoma đã cập Trân Châu cảng sau sáu ngày lênh đênh trên biển, hải quân Trung Quốc vẫn neo đậu ở quê nhà và quan chức chính quyền Bắc Kinh vẫn im hơi lặng tiếng. Chỉ có phương tiện truyền thông trong nước là tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của cuộc chơi và thực tế là Trung Quốc bị cho 'ra rìa'.

Giờ cũng là lúc nhớ lại rằng trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng được coi là mục tiêu tiềm tàng của RIMPAC khi cuộc tập trận này được khởi động vào năm 1971.

Tuy nhiên, trong một cuộc chơi địa chính trị mới nhằm làm suy yếu tầm ảnh hưởng của một Trung Quốc đang trỗi dậy trong khu vực và tiềm lực toàn cầu, Mỹ đang cố gắng lôi kéo Nga và Ấn Độ - hai quốc gia thành viên BRICS và là cột trụ trong bộ ba Moscow-Bắc Kinh-Delhi - nhằm giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế đang căng thẳng nhất hiện nay.

Xét theo khía cạnh này, thì RIMPAC 2012 có thể được coi là nỗ lực nhằm kiềm chế các đồng minh then chốt của thế giới không thuộc về phương Tây khi mà lực lượng này có thể gây nên thách thức đối với vị trí thống trị của Mỹ.

Nhưng điều này liệu có tác dụng? Liệu nó có gây ảnh hưởng lên hợp tác Nga - Trung? Trong rất nhiều vấn đề toàn cầu, Nga và Trung Quốc được coi là đồng minh chiến lược với hợp tác bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ - quân sự là một trong các trụ cột trong mối quan hệ này.

Một số người vẫn cho rằng cả Nga và Trung Quốc vẫn đang là đối tác chiến lược trong mọi hoàn cảnh, nhấn mạnh vào chuyến thăm rầm rộ của Tổng thống Putin tới Trung Quốc trong tháng Sáu vừa qua và cả sự tham dự của ông tại hội nghị Hợp tác Tổ chức Thượng Hải. Theo những người ủng hộ bộ đôi Moscow-Bắc Kinh, đây là một trục đối xứng đã qua 'thử lửa' và không có bất kỳ động thái nào của Mỹ, kể cả RIMPAC 2012, có thể tác động hoặc phá hủy được.

Những người ủng hộ quan điểm này còn viện dẫn tới cuộc tập trận hải quân chung Nga - Trung tại biển Hoàng Hải hồi tháng Năm vừa qua với tên gọi "Tương tác 2012". Cuộc tập trận chủ yếu tập trung vào phòng không và các chiến thuật chống tàu ngầm, hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Cuộc tập trận lần đầu tiên này giữa Nga- Trung diễn ra ngay sau khi Mỹ và Philippines tập trận hải quân "Balikatan” hay còn gọi là "Kề vai sát cánh" tại vùng biển Đông vào tháng Tư.

Tất nhiên, mọi cuộc tập trận trong khu vực bất ổn - cho dù là RIMPAC hay bất kỳ cuộc tập trận nào - đều không đơn thuần là một đợt huấn luyện quân sự thường kỳ, mà luôn là một màn "dương oai diễu võ" với thông điệp chính trị chồng chất nhằm thể hiện 'ai là ai' ở châu Á, ai mới là người đang điều khiển mọi việc ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người đang lạc quan vui vẻ về trục Moscow-Bắc Kinh hiện nay, thì có những người khác lại chỉ ra rằng: nếu nhìn kỹ hơn một chút thì quan hệ đối tác Nga - Trung vẫn còn đầy vướng mắc và không sáng sủa đến như vậy.

"Không phải Mỹ với cuộc tập trận RIMPAC làm chòng chành con thuyền Nga - Trung, mà chính là do người Trung Quốc. Gần đây, họ thường lớn tiếng đòi hỏi nhiều hơn, gây sức ép nhiều hơn, cố gắng hành xử ra kiểu "bề trên" với Nga - Dmitry Mosyakov, giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương nhận định.

Theo ông Dmitry Mosyakov, xu hướng này đã được thể hiện rõ trong những lần người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các công ty nước ngoài tránh xa khỏi vùng biển Đông đang có tranh cãi về chủ quyền. Đối với Nga, đây là một lời bóng gió (cùng với nhiều lần úp mở khác) nhằm vào công ty Gazprom của Nga vốn đang chuẩn bị khai thác tại thềm lục địa của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi chính đặt ra là liệu Nga có thể định hình nên một tầm nhìn mới về Trung Quốc hay không. Ông Dmitry Trenin - Giám đốc Trung tâm Moscow Carnegie đã chỉ ra tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách đối ngoại của Nga hiện nay.

"Trong những năm 90, Nga đã trở thành một đối tác mới của Mỹ. Tuy nhiên, trong mối quan hệ đối tác chiến lược kéo dài 15 năm qua với Trung Quốc, Nga đã chứng kiến sự trỗi dậy của người láng giềng phía đông trên quy mô toàn cầu. Do đó, việc cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ là một phép thử mới cho Nga trong việc duy trì tính độc lập chiến lược của mình" - ông Trenin nói.

Trên thực tế đối với Moscow thì đây là một môn nghệ thuật mới mẻ không dễ dàng gì.

  • Lê Thu (theo RT)