Đầu năm 2020, giá trị giao dịch chứng khoán bình quân trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới vào khoảng 3.600-3.800 tỷ đồng/phiên. Đến cuối 2020, số này đã tăng vọt lên mức 10.000-12.000 tỷ/phiên, tương đương tăng gấp 3-4 lần.

Tuy nhiên, kéo theo dòng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán, hệ thống giao dịch của HoSE cũng bắt đầu xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc.

Từ đầu năm nay, khi dòng tiền của nhà đầu tư F0 tiếp tục tìm đến chứng khoán, thanh khoản bình quân trên HoSE đã tăng vọt lên mức 15.000-17.000 tỷ/phiên, kéo theo hệ thống giao dịch của sàn này thường xuyên rơi vào nghẽn lệnh.

Để hạn chế tình trạng này, HoSE đã phải áp dụng nhiều giải pháp khắc phục tạm thời như nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu; chuyển giao dịch tự nguyện sang HNX; dừng niêm yết cổ phiếu mới trên HoSE; hợp tác cùng FPT xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng; đặc biệt là cải tiến kỹ thuật để tăng khối lượng lệnh xử lý mỗi phiên.

{keywords}
Nhà đầu tư đã phải trải qua những phiên giao dịch mà không thể xem chính xác giá, khối lượng giao dịch tại thời điểm nhập lệnh. Ảnh: Hoàng Hà.

Nghẽn lệnh tại tiền nhiều?

Tuy nhiên, đến nay, các biện pháp này vẫn chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng quá tải kể trên. Thậm chí, những sự cố gần đây diễn ra trên HoSE còn mang tính nghiêm trọng hơn khi lượng tiền đổ vào thị trường ngày càng lớn.

Ước tính, thanh khoản bình quân ghi nhận trên HoSE tháng 5 đã tăng lên mức 22.425 tỷ/phiên, cao hơn 21% so với tháng trước và gấp 4 lần cùng kỳ. Điều này đã khiến hệ thống giao dịch liên tục gặp lỗi.

Đặc biệt, phiên 1/6 ghi nhận thanh khoản trên HoSE vượt 21.700 tỷ đồng chỉ trong buổi sáng, mức kỷ lục trong hơn 2 thập niên vận hành. Kết quả là hệ thống của HoSE đã rơi vào tình trạng báo động, buộc sàn này phải dừng giao dịch phiên chiều cùng ngày.

Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan quản lý giao dịch chứng khoán trên HoSE phải chủ động dừng giao dịch giữa chừng vì lo ngại hệ thống quá tải.

Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE, lý giải nguyên nhân dẫn tới sự cố này đến từ lượng lệnh và thanh khoản vào sàn quá lớn. Vị lãnh đạo HoSE cho biết những phiên trước đó, khi thanh khoản và số lượng lệnh tăng cao đã tạo áp lực rất lớn cho hệ thống.

{keywords}
 

Vì vậy, khi lượng lệnh ghi nhận cao đột biến trong sáng 1/6, hệ thống đã phát đi cảnh báo, buộc HoSE phải tạm ngừng giao dịch.

Dù khẳng định hệ thống sẽ trở lại bình thường từ 2/6, tuy nhiên, tình trạng nghẽn lệnh vẫn diễn ra thường xuyên trong các phiên sau. Các nhà đầu tư cho biết không thể cập nhật giá, khối lượng giao dịch chứng khoán thông qua các bảng điện tử.

Điều này gây nên tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư, đặc biệt đây cũng là giai đoạn thị trường ghi nhận điều chỉnh mạnh khi chỉ số VN-Index đã giảm hơn 4%.

Do bảng hiển thị không cập nhật đúng giá, nhiều nhà đầu tư phải sử dụng lệnh thị trường (MP) trong giao dịch, càng góp phần khiến giá nhiều cổ phiếu giảm kịch biên độ.

Nhà đầu tư yêu cầu lãnh đạo HoSE từ chức

Để hạn chế lượng lệnh hệ thống phải xử lý, HoSE thậm chí đã cho phép các công ty chứng khoán thành viên được quyền tạm dừng dịch vụ sửa, hủy lệnh của nhà đầu tư trong một số khung giờ cao điểm để giảm tải lượng lệnh vào sàn mỗi phiên.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng điều này vi phạm Luật Chứng khoán, vốn cho phép sửa, hủy lệnh trong các phiên khớp lệnh liên tục. Trên Google, địa chỉ của HoSE ghi nhận hàng loạt đánh giá "1 sao" từ các nhà đầu tư.

Trong đó, hàng loạt bình luận tiêu cực cũng được thêm vào các đánh giá như “Cơ quan hàng đầu, nắm giữ vai trò quan trọng bậc nhất của đất nước mà chất lượng cực kỳ tồi tệ”, “Quá thất vọng vì cách xử lý của lãnh đạo, coi thường nhà đầu tư”, “Nhà cái chơi gian lận”, hay “Tôi phải trả phí cho từng giao dịch. Vậy hệ thống nghẽn, đơ, không được phép sửa/huỷ lệnh, gây thiệt hại cho tôi thì ai chịu trách nhiệm?”…

Thậm chí nhiều nhà đầu tư còn yêu cầu lãnh đạo HoSE từ chức, “Chất lượng giao dịch rất tồi, thể hiện tầm nhìn và khả năng của lãnh đạo HoSE rất yếu kém, đề nghị thay lãnh đạo ngay”, “Hệ thống quá chán, cho xử lý bao nhiêu lâu cũng không giải quyết được vấn đề, nên thay đổi người đứng đầu để xử lý công việc được tốt hơn”…

Trước phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư và tình trạng nghẽn lệnh ngày càng nghiêm trọng, mới đây, Bộ Tài chính đã ra quyết định thanh tra hành chính khẩn với HoSE.

{keywords}
HoSE bị nhận hàng loạt đánh giá 1 sao từ các nhà đầu tư khi để xảy ra tình trạng nghẽn lệnh thường xuyên từ đầu tháng 6. Ảnh chụp màn hình.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), sự cố nghẽn lệnh chính là kết quả của sự yếu kém về năng lực quản trị của HoSE.

Ông cho rằng thị trường chứng khoán bị tổn thương suốt thời gian qua cũng là vì tình trạng nghẽn lệnh xảy ra thường xuyên, mà bắt nguồn chính từ năng lực quản trị, điều hành của ban lãnh đạo HoSE.

Vị phó chủ tịch VAFI cho biết Việt Nam không phải thị trường duy nhất xảy ra sự cố hệ thống giao dịch, nhưng lại là nơi để tình trạng này kéo dài liên tục gần nửa năm nay.

“Cuối năm 2020, Sở giao dịch Chứng khoán Tokyo phải dừng hoạt động. Ngay lập tức, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc phải lên tiếng nhận trách nhiệm, xin lỗi, sau đó từ chức. Tại Việt Nam, đến nay các nhà đầu tư vẫn chưa nhận được lời giải thích hay xin lỗi nào thỏa đáng”, ông Hải cho hay.

Đề nghị thanh tra dự án công nghệ ký kết với KRX

Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng cho rằng những sự cố xảy ra trên HoSE không những gây ra thiệt hại cho quyền lợi của Sở giao dịch, Nhà nước, nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến danh tiếng của thị trường chứng khoán Việt Nam, ảnh hưởng đến vấn đề huy động vốn đầu tư các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài vấn đề nghẽn lệnh, ông Hải cho biết HoSE còn tồn tại nhiều vấn đề, nhiều năm nhưng chưa giải quyết được như cổ phiếu rác lại lọt chỉ số VN30 suốt 6 năm trời.

Đặc biệt, ông Hải cho biết sau khi Bộ Tài chính có quyết định thanh tra hành chính với HoSE, VAFI đã có văn bản gửi Bộ và Thanh tra Bộ để tư vấn về các nội dung cần thanh tra. Trong đó nhấn mạnh nội dung về các dự án công nghệ thông tin của Sở giao dịch này.

Cụ thể, VAFI kiến nghị thanh tra cần làm rõ nguyên nhân tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan cung cấp mà HoSE không thể làm chủ công nghệ vận hành.

{keywords}
Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm 2021 đến nay. Nguồn: Tradingview.

Đồng thời, cơ quan thanh tra cần tìm hiểu xem chất lượng nhà thầu thường xuyên bảo quản hệ thống giao dịch tại HoSE ra sao khi tình trạng nghẽn lệnh đã diễn ra nhiều tháng nhưng chưa khắc phục được.

“Có lẽ họ không làm chủ được công nghệ vận hành nên mỗi lần có sự cố thì họ không giải quyết được”, VAFI cho biết.

Ngoài ra, VAFI cũng kiến nghị thanh tra làm rõ lý do dự án công nghệ ký kết với Sở giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) được khởi động từ năm 2012 nhưng gần 10 năm nay vẫn chưa hoàn thành. “Cần tìm hiểu giá trị dự án có tăng lên so với ban đầu, nguyên nhân làm cho giá trị dự án tăng lên nếu có”, văn bản kiến nghị của VAFI nêu.

(Theo Zing)

Vay nợ 110.000 tỷ đánh chứng khoán, cảnh báo trên đỉnh kỷ lục

Vay nợ 110.000 tỷ đánh chứng khoán, cảnh báo trên đỉnh kỷ lục

Dòng tiền tỷ USD chực chờ trong những phiên vừa qua đổ mạnh mẽ vào cổ phiếu nhiều nhóm ngành, trong đó có ngân hàng và chứng khoán. Chỉ số VN-Index bật tăng cho dù nỗi lo nghẽn mạng và sự ức chế vẫn còn đó.