Công trình hầm chui Lê Văn Lương được khởi công từ tháng 10/2020 với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông và xóa ''điểm đen'' ùn tắc ở nút giao Lê Văn Lương - Tố Hữu và Vành đai 3

Ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc liên danh nhà thầu cho biết, sau gần 2 năm thi công, đến nay khối lượng trên công trường ước đạt khoảng hơn 85%. Dự án đã thi công hoàn thành đổ bê tông 5/5 đốt hầm kín với chiều dài 95m; thi công xong 10/10 đốt hầm hở, 4/4 đốt tường chắn và 6/6 đốt gờ chắn phía đường Tố Hữu.

Phần hầm kín dài 95m đang chờ sơn chống thấm và trải nhựa mặt đường, còn phần đáy hầm chui được đổ bê tông, cốt thép dầy gần 1m.
Công trình có kết cấu bằng bê tông cốt thép, dài 475m, trong đó phần hầm kín dài 95m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380m. Mỗi chiều hầm rộng 7,5m, gồm hai làn xe cơ giới.
Sáng 20/9, công nhân tiếp tục thi công hệ thống thoát nước.

Để chống ngập, một bể chứa nước cũng đã được xây dựng ngay bên hông hầm, nước từ đây sẽ được bơm đẩy ra hệ thống thoát nước của thành phố.

Hầm chui hướng từ Tố Hữu sang Lê Văn Lương còn một số hạng mục thi công như dải phân cách giữa đang được đổ đất chuẩn bị trồng cây, hệ thống chiếu sáng…
Công nhân tiến hành làm nhẵn bề mặt trước khi sơn. Tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu hầm là 475m
Ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án hầm chui cho biết, để kịp thông xe ngày 10/10, công nhân đang đẩy nhanh tiến độ, làm liên tục cả ngày và đêm.
Nhà thầu hoàn trả mặt bằng đường Lê Văn Lương. Trong tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng của dự án thì chi phí xây dựng hơn 532 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách thành phố.

Lan can bảo vệ chạy dọc hai bên đường Tố Hữu được lắp đặt. Mặt đường đã được nhà thầu trải nhựa và hoàn trả mặt bằng.

Hầm chui 700 tỷ đồng cơ bản đã hoàn thành. Sau khi hoàn thành, nút giao sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như hiện nay. 
Khởi công từ tháng 10/2020, hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến là hầm chui thứ tư ở thủ đô. Trước đó Hà Nội có hầm Kim Liên - Xã Đàn (năm 2009, vốn đầu tư 467 tỷ đồng), hầm Trung Hòa (năm 2016, 1.087 tỷ đồng), hầm Thanh Xuân (năm 2016, hơn 551 tỷ đồng).