Ngày 28/4 vừa qua, các anh T.A.Tr. (SN 1982), S.S.T. (SN 1990) và L.A.T. (SN 1994) cùng trú tại thôn 12, xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong) đi nhặt phế liệu tại một hầm vàng bỏ hoang ở Tiểu khu 1660 do Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý.
Khi chui vào hầm vàng nói trên khoảng 50m, cả 3 nạn nhân bất ngờ bị ngạt khí và tử vong sau đó.
Ông Phạm Đình Mạo, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong (nơi vừa xảy ra vụ ngạt khí khiến 3 người tử vong) cho biết, trên địa bàn có khoảng 5 hầm vàng bị bỏ hoang. Những hầm này được khai thác từ lâu và chưa bị đánh sập.
"Trong thời gian các hầm vàng chưa bị đánh sập, chúng tôi đã tuyên truyền người dân không được vào khu vực phong tỏa xung quanh hầm. Ngoài ra, chúng tôi còn làm cửa sắt và lưới B40 để đóng cửa hầm lại nhưng vẫn bị người dân lấy đi", ông Mạo nói.
Liên quan đến các hầm vàng ở huyện Đắk Glong, tháng 10/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo cơ quan chức năng dùng vật liệu nổ, đánh sập các hầm khai thác vàng ở huyện này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến thời điểm hiện tại huyện Đắk Glong vẫn chưa thực hiện được chỉ đạo trên.
Việc chưa đánh sập được các hầm vàng trên đã khiến chính quyền địa phương từ xã tới huyện phải dùng nhiều biện pháp ngăn chặn, không cho người dân vào bên trong.
Trao đổi với PV VietNamNet, một lãnh đạo huyện Đắk Glong cho biết, việc đánh sập hầm vàng đã được UBND huyện giao cho Công an huyện chủ trì. Phía công an cũng đã có báo cáo cụ thể và đang trình phương án để đánh sập các hầm vàng trên địa bàn toàn huyện.
Nói về nguyên nhân chậm trễ trong việc đánh sập hầm vàng theo chỉ đạo của tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo huyện Đắk Glong lý giải, trên địa bàn huyện có rất nhiều hầm vàng, những hầm vàng này đều nằm trong vùng sâu vùng xa.
"Trước khi đánh sập hầm vàng phải trinh sát từng hầm xem có người ở trong hay không rồi mới đánh sập được, việc này phải cần rất nhiều thời gian. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc đánh sập hầm vàng bị chậm trễ", lãnh đạo huyện Đắk Glong cho hay.