Ngày 14/3, Đại học Đà Nẵng có thông tin liên quan đến vụ các giảng viên, cán bộ được cử đi nước ngoài du học không trở về nước. Cụ thể, đại diện Đại học Đà Nẵng cho biết, có 19 giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài đã quá thời hạn nhưng chưa về nước.
Trong số này, có 15 trường hợp đi học bằng kinh phí cá nhân hoặc học bổng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp.
4 trường hợp còn lại được cử đi học theo các Đề án từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó, 2 trường hợp viên chức không về nước đã có đơn xin thôi việc, trên cơ sở chi phí đào tạo Bộ GD-ĐT cung cấp, các trường đã tổ chức xét và ban hành quyết định đền bù chi phí đào tạo.
Nhà trường vẫn tiếp tục liên hệ với 2 viên chức còn lại. Trong trường hợp chắc chắn không về, Đại học Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các trường xử lý theo thẩm quyền và đề nghị bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định.
Theo đại diện Đại học Đà Nẵng, có nhiều lý do khác nhau một số viên chức được cử đi đào tạo ở nước ngoài đã hết thời hạn nhưng chưa về nước như đang tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu cùng các giáo sư nước ngoài, điều kiện làm việc, thu nhập, gia đình…
“Theo quy định, ngoài cam kết của viên chức khi được cử đi học và quyết định bồi hoàn kinh phí khi không thực hiện đúng cam kết, nhà trường không có chế tài nào khác để buộc viên chức phải về nước khi hết thời hạn học tập.
Trong thời gian tới, Đại học Đà Nẵng cùng với các trường đại học thành viên sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, vận động viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập đúng hạn để về lại trường tiếp tục công tác”, đơn vị này thông tin.
Đại diện Đại học Đà Nẵng cho biết thêm, thời gian quan đã làm thủ tục cử tổng số 246 viên chức đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo các Đề án từ nguồn ngân sách Nhà nước và từ năm 2005 đến nay cử hơn 1.000 viên chức đào tạo tiến sĩ bằng học bổng ngoài ngân sách Nhà nước.
Ông Cao Xuân Tuấn – Trưởng Ban tổ chức cán bộ Đại học Đà Nẵng, thông tin, với 15 trường hợp học bằng kinh phí cá nhân hoặc học bổng giáo sư, cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, trước đây Đại học Đà Nẵng có chế độ khuyến khích đi học, có hỗ trợ mỗi tháng 40% lương cơ bản. Hiện nay, nhiều người đã chủ động bồi hoàn lại số tiền hỗ trợ này. Còn 4 trường hợp được cử đi học theo các đề án từ nguồn ngân sách Nhà nước chưa trở về thuộc các trường như Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Kinh tế.
Trước đó, VietNamNet đưa tin, ngày 13/3, Công an TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài.
Theo số liệu báo cáo, có tình trạng công dân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi được cử đi du học theo các Đề án, chương trình của TP Đà Nẵng, của các đơn vị sự nghiệp gây dư luận không tốt như nhiều trường hợp cán bộ, giảng viên thuộc Đại học Đà Nẵng sau khi hoàn thành xong quá trình đào tạo, công tác ở nước ngoài đã tiếp tục cư trú, làm việc ở nước ngoài, không về nước theo hợp đồng ký kết.