- Hàng không châu Á phát triển bùng nổ đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các đại gia tài chính toàn cầu. Sự cạnh tranh này mang lại cơ hội để các hãng hàng không ký kết những hợp đồng mua máy bay “khủng”.
“Ông lớn” tài chính Âu - Mỹ đổ bộ
Tối 10/3, Vietnam Airlines (VNA) tiếp nhận hai máy bay Airbus 321 - một phần trong đơn hàng hãng đã đặt mua với nhà chế tạo máy bay châu Âu từ năm 2009. Cũng như những lần nhận máy bay trước, để thực hiện hợp đồng mua hai máy bay này, VNA được hai ngân hàng HSBC và Deutsche AG tài trợ khoản vay tín dụng trị giá 112 triệu USD.
Cung cấp tín dụng cho các hãng hàng không mua máy bay là một trong những nghiệp vụ quan trọng của ngành tài chính thế giới. Có thể kể đến những ông lớn như Bank of America (Mỹ), Deutsche Bank (Đức) hay Natixis, BNP Paribas (Pháp),... Riêng BNP là đối tác của 128 hãng hàng không và các công ty cho thuê máy bay trên toàn thế giới. Hai năm gần đây, BNP đã thu xếp tài chính cho 125 máy bay các loại, với các khoản vay hàng chục tỷ USD. Đây cũng là ngân hàng thu xếp tài chính cho 3 chiếc máy bay mà VietJetAir sẽ nhận trong năm 2014 với giá trị 270 triệu USD.
Với sự trỗi dậy từ châu Á, các ngân hàng và công ty cho thuê tài chính của “lục địa da vàng” đang xâm nhập vào lĩnh vực tài trợ cho các hợp đồng thuê mua máy bay. Sự tham gia của các tổ chức tín dụng châu Á tạo nên một cuộc cạnh tranh gay gắt nhất trong lĩnh vực tài trợ hàng không kể từ trước khủng hoảng 2008 đến nay, khiến biên lợi nhuận của các nhà cho vay trong lĩnh vực này thu hẹp đáng kể.
Việc thu xếp tài chính để mua mới máy bay giờ không quá khó với các hãng hàng không trong nước |
Jean-Francois Lascombe, phó giám đốc phụ trách mảng hạ tầng và xuất khẩu máy bay của Natixis, nhận định: “Giờ đây, đầu tư tài chính cho mua sắm máy bay không chỉ dành cho các tập đoàn Âu - Mỹ mà các ngân hàng của Trung Quốc, Australia, Malaysia, Hàn Quốc, thậm chí là Thái Lan,... cũng đang nhòm ngó mảng kinh doanh này”.
Ông này nói thêm: “Đã hình thành nên cuộc đua mới và cuộc đua đó đã ép biên lợi nhuận của lĩnh vực này trở nên ngày càng mỏng”.
Châu Á không kém cạnh
Như đã nói ở trên, sự tham gia của các tổ chức tài chính châu Á vào lĩnh vực này bởi nhu cầu mua sắm máy bay của châu Á tăng cao, dự kiến trong vòng 20 năm tới khu vực này cần đến 13 nghìn máy bay mới, với tổng giá trị trên 1,9 nghìn tỷ USD.
Bởi vậy, ở châu Á đã hình thành những trung tâm tài chính tài trợ cho mảng này.
Trước hết ở Trung Quốc, quốc gia có dự trữ ngoài tệ số một thế giới, có nhiều ngân hàng lớn và cũng là thị trường hàng không năng động nhất. Tiên phong phải kể đến Industrial and Commercial Bank of China, China Construction Bank, Agricultural Bank of China, Bank of China,... Các ngân hàng này đều lập các công ty cho thuê tài chính dành riêng cho tài trợ các hợp đồng thuê mua máy bay. Một phần trong hợp đồng mua 63 máy bay của Vietjet cũng được tài trợ bởi China Construction Bank.
Bên cạnh đó phải kể đến các tổ chức tín dụng Nhật Bản như Development Bank of Japan, Công ty Vốn hàng không SMBC, một tổ chức của Sumitomo Mitsui Banking Corporation cũng đang trở lại thị trường này sau nhiều năm bỏ ngỏ. Nicolas Parrot, đồng giám đốc lĩnh vực giao thông của BNP Paribas, nói rằng: “Người Nhật đang trở lại. Buộc chúng tôi sẽ phải tính đến họ trong các thương vụ của mình”.
Cùng với hai cường quốc trên, Singapore cũng đẩy mạnh lĩnh vực này. 2013 Natixis đã chuyển văn phòng khu vực mảng tài trợ hàng không từ Hongkong sang “quốc đảo sư tử”.
Trước đó, Avolon, một công ty tài chính hàng không của Ireland cũng đã làm việc tương tự. Tuy nhiên các công ty này đều bán cổ phần cho các nhà tài chính địa phương và dường như các nhà kinh doanh tiền tệ của Singapore đang muốn thông qua đây để sinh lời đồng vốn và học hỏi được kinh nghiệm trên lĩnh vực này của các đồng nghiệp từ châu Âu.
Bên cạnh đó Development Bank Singapore, ngân hàng có tài sản lớn nhất Singapore đã dấn thân vào lĩnh vực này từ năm 2011 và đã có những hợp đồng quan trọng.
Như vậy, sau thời gian dài trị vì trên lĩnh vực đầu tư tài chính cho các hợp đồng mua sắm máy bay, giờ đây các ngân hàng và công ty cho thuê tài chính phương Tây đang bị cạnh tranh bởi các đồng nghiệp từ châu Á.
Sự cạnh tranh này mang lại cơ hội cho các hãng hàng không trong việc đầu tư mở rộng đội bay. Bằng chứng những hãng hàng không mới lập như Lion Air, AirAsia, hay VietjetAir,... đã mạnh tay ký những hợp đồng “khủng”, bởi họ đã nhìn thấy tương lai từ thị trường năng động và lại có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp tài chính cho tham vọng của mình.
Thanh Lê