Trong khi tất cả các lối mòn từng diễn ra hoạt động buôn lậu rầm rộ nhiều năm qua đã bị chặn đứng thì buôn lậu ở Lọ Bon lại tấp nập như chốn không người. Những loại hàng hóa này sau khi lọt vào nội địa sẽ được hợp thức hóa bằng khoản thuế thu gom đặc thù cho khu vực vùng biên.

Một ngày cuối tuần, ngược lên Lạng Sơn, đi qua một số cửa khẩu, những địa điểm mà buôn lậu từng một thời hoành hành như Dốc Quýt, Dốc Bưởi, đường mòn 06; 386…, không còn một bóng xe ôm, người khuân vác hàng lậu qua biên giới. Thế nhưng, chỉ cách trụ sở của các lực lượng chức năng cửa khẩu Tân Thanh chưa đầy 500m như lối mở Lọ Bon thì cả đoàn xe máy chở hàng đang tự do hành quân.

Từ cửa khẩu Tân Thanh rẽ trái sang đường Trục Chính vào một bến xe ngay sát biên giới Việt Nam- Trung Quốc, xe ôm nườm nượp chở hàng từ khu vực biên giới đổ về. Theo người dân ở đây, con đường ngách cửa khẩu Tân Thanh là Lọ Bon, là nơi nhiều tháng nay dân buôn lậu ngày nào cũng tập kết hàng.

{keywords}
Những chuyến xe thế này ngày đêm hành quân chở hàng lậu qua đường mòn.

Như để đánh lạc hướng, dốc Lọ Bon chỉ là lối đi vào của đội quân xe ôm, còn lúc ra những xe ôm chở hàng lại đi vòng một lối mòn khác nhưng cuối cùng cũng đổ về đầu đường Trục Chính, đường Bắc Nam cửa khẩu Tân Thanh, rồi từ đó len lỏi vào các kho hàng tản mát ngay ở cửa khẩu Tân Thanh.

Trung bình, cứ 5 phút có một xe ôm vào lấy hàng và chở về Việt Nam. Có lúc 4 xe ôm cùng chen nhau lội ngược lối mòn Lọ Bon và chỉ 5 đến 10 phút sau đã xuất hiện ở ngách đầu đường Trục Chính với hàng hóa cồng kềnh trên xe.

Hàng hóa hóa buôn lậu đa chủng loại, nồi cơm điện, thiết bị gia dụng, vải, áo vest, áo và quần jean với đủ loại nhái các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới…

Chỉ cần đứng quan sát khoảng 1 giờ đồng hồ, có thể thống kê có cả trăm lượt xe máy với giá đèo hàng bằng sắt tự chế ở phía sau, liên tục nối đuôi nhau chạy lên con dốc Lọ Bon hướng sang phía biên giới Trung Quốc để “ăn” hàng.

Phía bên kia, chỉ cách bãi đỗ xe của cửa khẩu khoảng 600-700m, hàng hóa được đội quân bốc vác khuân về tập kết thành đống. Sau khi chất hàng lên xe, các xe chở hàng đi vòng theo một lối khác để chuyển hàng về một số kho tập kết ngay trong khu vực chợ Tân Thanh và các nhà dân trong khu vực của khẩu.

{keywords}

{keywords} 

Số hàng này sau đó được chất lên các xe ôtô, chủ yếu là loại xe 16 chỗ ngồi, vô tư chạy theo trục đường chính qua trụ sở trạm liên hợp cửa khẩu Tân Thanh để tập kết về khu chợ Đồng Đăng. Với các xe chuyển hàng về các tỉnh phía sau (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội…) để tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng, các xe ôtô không chạy theo đường trục chính mà đi vòng qua chợ Bãi của huyện Văn Quan, sau đó theo đường đi Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng rồi mới ra Quốc lộ 1.

Được biết, toàn xã biên giới này có 567 hộ (2.169 khẩu) là có hộ khẩu thường trú. Thế nhưng, có thời kỳ có tới trên 1.300 hộ (trên 3.400 khẩu) ở khắp mọi miền đến Tân Thanh đăng ký tạm trú làm nghề lao động tự do. Họ mang theo gia đình đến thuê nhà trọ hoặc dựng lều, lán ở quanh các chợ khu vực cửa khẩu Tân Thanh.

Điều này không chỉ khiến cho công tác quản lý hộ tịch của chính quyền xã biên giới vốn nhạy cảm này khó khăn mà còn khiến tình hình buôn lậu thêm căng thẳng. Bởi vì, chính các hộ đăng ký tạm trú này đã “bổ sung” thêm rất nhiều người đủ điều kiện áp dụng chính sách mua bán, trao đổi hàng hóa theo Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg của Chính phủ về “Hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới”.

Theo Quyết định này “Riêng hàng hóa do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hóa đó không quá 2 triệu đồng/ người/ ngày”. Đây chính là kẽ hở để những kẻ buôn bán hàng lậu tận dụng dưới hình thức gom hàng hóa và thuê cư dân biên giới vận chuyển vào nội địa một cách công khai.

Điều đặc biệt là, hầu hết các mặt hàng này là hàng giả, hàng nhái nên không thể nhập khẩu chính ngạch mà buộc các chủ hàng phải sử dụng hình thức vận chuyển nhỏ lẻ như trên. Hàng hóa sau khi được vận chuyển trót lọt vào nội địa sẽ được gắn nhãn mác của các hãng sản xuất nổi tiếng trong nước và trên thế giới để đưa đi tiêu thụ.

TH