Rất nhiều người mong muốn được làm việc trong ngành ngân hàng vì thu nhập cao, nhưng ít người biết rằng, gần đây các ngân hàng khá mạnh tay cắt giảm lương, thưởng và nhân sự. Tình hình hoạt động khó khăn là lý do để các nhà băng cắt giảm nhân sự, lưởng, thưởng.
Từ giảm lương, thưởng
Mặc dù đã tiết giảm chi phí, nhưng chênh lệch giữa thu và chi ngày càng co hẹp, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động, một số ngân hàng sụt giảm hơn 60% lợi nhuận, thậm chí thua lỗ trong 2 quý đầu năm, khiến các nhà băng mạnh tay cắt giảm lương, thưởng và tinh gọn bộ máy.
Nhân viên của một ngân hàng cổ phần trên địa bàn TP. HCM, vốn được xem là nhà băng có chính sách chi trả lương, thưởng tốt nhất trong Top các NHTM lớn cho biết, ngân hàng vừa ra quyết định giảm lương nhân viên. Mức giảm cụ thể tùy từng vị trí công tác, nhưng nếu thu nhập của một nhân viên trên 10 triệu đồng/tháng, tỷ lệ cắt giảm dao động từ 15 - 20%; với những vị trí có mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, mức giảm là dưới 15%. Trước đó, ngân hàng đưa ra chính sách không thưởng trong dịp lễ 30/4.
Lãnh đạo cấp cao của ngân hàng trên chia sẻ, năm ngoái, trong khi nhiều nhà băng cắt giảm lương và nhân sự thì chủ trương của ngân hàng là giữ nguyên các chính sách về việc giữ người cũng như thu nhập. Tuy nhiên, do tín dụng tăng trưởng thấp, trong khi phải giảm lãi suất cho vay, nên lợi nhuận thu về của ngân hàng trong những tháng đầu năm nay không đạt kế hoạch và thua xa so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt khoảng 25% so với chỉ tiêu xây dựng cho cả năm là trên 3.000 tỷ đồng. Không còn cách nào khác, Ban điều hành phải dùng đến biện pháp giảm thu nhập của cán bộ, nhân viên.
Được biết, tại ĐHCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 4/2013, HĐQT nhà băng này đã trình cổ đông mức thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát không thay đổi so với năm trước là 1,3% lợi nhuận sau thuế và cổ tức dự kiến ở mức 12%.
Chị Hoa, nhân viên một ngân hàng cổ phần cho hay, trong năm qua và 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng chị mới giảm khoảng 10% lương, song thu nhập của chị giảm 15%. Ngoài mức lương bị cắt giảm, nhân viên ngân hàng không được trả lương ngày thứ Bảy như trước, các khoản chi phí như: chi phí đi lại, tiền ngoài giờ không còn được duy trì…
Một số nhà băng khác như: Maritime Bank, ACB… cũng có động thái cắt giảm nhân sự và thu nhập của cán bộ, nhân viên trong những tháng đầu năm. Tại kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra đầu tháng 4/2013, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB thông báo, lương năm 2013 sẽ cắt giảm từ 5 - 10%.
Theo lãnh đạo các nhà băng, để có thể tồn tại và tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thị trường hiện nay, đòi hỏi ngân hàng phải tái cơ cấu mạnh mẽ bộ máy hoạt động. Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy, không ít ngân hàng đạt được doanh thu, lợi nhuận rất thấp so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tình hình hoạt động khó khăn là lý do để các nhà băng cắt giảm nhân sự, lưởng, thưởng của nhân viên, nhưng mức thù lao HĐQT, Ban điều hành của một số nhà băng lại được đề nghị giữ nguyên, khiến không ít cổ đông bức xúc tại kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra trong quý II vừa qua.
… đến giảm nhân sự
Nhân viên một ngân hàng đã hợp nhất cho biết, trong lúc này, không có việc gì được bộ phận nhân sự ngân hàng giải quyết nhanh hơn là ký đơn xin thôi việc cho những ai có ý định chuyển sang chỗ làm mới.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác đã lên kế hoạch tinh giảm bộ máy trong năm nay. Chẳng hạn, Maritime Bank tuyên bố giảm 679 nhân sự trong năm 2013, trong khi năm ngoái, nhà băng này đã cắt giảm đến 1.060 nhân viên.
Trong quý I/2013, ACB đã cắt giảm 223 nhân sự, xuống còn 10.053 người. Lợi nhuận của ACB trong quý I/2013 giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 307 tỷ đồng, dù đã áp dụng cả biện pháp cắt giảm thu nhập của cán bộ, nhân viên.
Ngược lại, một số nhà băng chưa tính đến việc tinh giảm bộ máy cho biết, ngân hàng kiểm soát chặt hiệu suất làm việc của cán bộ, nhân viên.
Một trong những biện pháp để giữ nhân tài và khuyến khích người lao động tăng hiệu suất làm việc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, kỳ vọng thu nhập cao là rất khó.
(Theo ĐTCK)