Đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, một trong nhiều tuyến đường ở TP.HCM có vỉa hè bị các hộ kinh doanh chiếm dụng đã nhiều năm qua.

Phố thời trang Nguyễn Trãi (quận 5) có chiều dài gần 2km bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Cừ đến giao lộ Trần Phú - Nguyễn Duy Dương, vỉa hè 2 bên thường xuyên bị các tiểu thương trưng dụng làm mặt bằng kinh doanh.

Hầu như không có tuyến đường nào ở TP.HCM không bị người dân, tiểu thương dùng vỉa hè để kinh doanh hoặc sử dụng vào những mục đích cá nhân. Tại đường Cách Mạng Tháng Tám, một trong những điểm nóng về tình trạng kẹt xe của TP.HCM, mặt đường hẹp vỉa hè rất nhỏ, người bán lấn chiếm toàn bộ, không chừa lại một cm nào khiến khách mua hàng phải dừng ở lề đường giao dịch.

Đường Tôn Thất Đạm, quận 1 (thường gọi là Chợ Cũ) đã có chủ trương di dời các hộ kinh doanh để trả lại mặt đường và vỉa hè cho thành phố từ lâu, nhưng đến nay con phố này vẫn mang dáng dấp của một khu chợ.

Không có mặt hàng gì là tiểu thương không lấn chiếm vỉa hè, kể cả các tiệm bán quần áo, giày dép. Hầu hết hàng hoá được bày xuống lòng đường, khách muốn mua đồ phải đứng dưới lòng đường để chọn lựa, ngã giá.

Nhiều tuyến vỉa hè biến thành bãi trông giữ xe, có cả có phép lẫn không phép. Tuy nhiên, các bãi gửi xe hầu như không tuân thủ quy định phải dành tối thiểu 1,5m khoảng trống cho người đi bộ.

Khi những người kinh doanh sử dụng vỉa hè vào mục đích thương mại, họ dùng hết 100% diện tích từ trong ra ngoài, đẩy người đi bộ lưu thông xuống lề đường.

Đi dọc đường Hoàng Sa, Quận 1, mọi người dễ dàng bắt gặp cảnh hàng quán sử dụng vỉa hè một cách rất ngang nhiên.

Từ 18h mỗi ngày, các quán ăn, nhà hàng trên đường Hoàng Sa (quận 1) đều biến vỉa hè thành "của riêng" để gia tăng diện tích sử dụng.

Cảnh tương tự tại công viên 23/9, các hàng quán bày đủ loại dụng cụ dọc vỉa hè. Người đi bộ chỉ còn cách vòng qua hoặc luồn lách giữa những chiếc bàn ghế để thoát qua.

Ngay phía trước cổng Trường Đại học Sài Gòn, tiểu thương đổ hàng ra tràn lan. Người đi ô tô, xe máy dừng lại lựa đồ ngay dưới lòng đường.

Vỉa hè trước cổng Bệnh viện Răng Hàm Mặt đã được quây hàng rào làm bãi giữ xe.

Vào buổi tối, khi lực lượng chức năng vắng mặt, không đi tuần, đó là lúc vỉa hè bị tiểu thương chiếm dụng thoải mái nhất. Một quán nhậu ở ngã tư Phạm Huy Thông - Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) không còn một khoảng trống để người đi bộ có thể di chuyển. Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý dứt điểm.

Vỉa hè bị lấn chiếm hết, lòng lề đường cũng không được "tha". Nhiều hàng quán tận dụng triệt để các chỗ trống hè phố làm nơi để xe máy, ô tô.

Chị T (phường Võ Thị Sáu, quận 3) tâm sự: “Bán hàng trên vỉa hè lúc nào cũng lo sợ, bị phạt rồi bị bắt. Thà thành phố cứ thu phí để chúng tôi còn yên tâm buôn bán”.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa gửi các quận, huyện và Sở Tư pháp thẩm định Dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố.

Theo đó, 7 trường hợp được tạm dùng vỉa hè và đóng phí, gồm: nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; lắp đặt công trình, trụ quảng cáo tạm; tổ chức hoạt động văn hóa; điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; nơi trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công của hộ gia đình; điểm giữ xe có thu phí.

Dự thảo còn nêu ba trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường và đóng phí, gồm: tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ ô tô phục vụ sự kiện có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.

Thế Sơn - Chí Hùng