HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Nêu tại Nghị quyết này, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn thành phố để chỉ đạo thanh tra, xác định vi phạm, phân loại và xử lý vi phạm phù hợp theo quy định.

{keywords}
Dự án Khu đô thị Hà Đô Dragon City (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư sau cả chục năm “đắp chiếu” được điều chỉnh bỏ chung cư cao tầng, thay vào đó là khoảng 200-300 căn nhà ở thấp tầng, biệt thự liền.

Đồng thời, thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của kiểm toán về công tác quản lý đất đai, quản lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách trên địa bàn, nhất là các dự án được gia hạn thời gian sử dụng đất.

Cùng với đó, hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra 383 dự án (theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã), 161 dự án (theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai và xử lý theo quy định.

Nghiên cứu, trình HĐND thành phố xem xét điều chỉnh nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Luật Thủ đô tại kỳ họp gần nhất.
Đáng chú ý, HĐND TP Hà Nội yêu cầu UBND TP đăng công khai (định kỳ 6 tháng/lần) danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật đất đai trên cổng giao tiếp điện tử thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng.

{keywords}
Nằm “đắp chiếu” gần 10 năm nay, Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bỗng dưng "phình to" sau khi được Hà Nội phê duyệt điều chỉnh.

Ngoài ra, không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.

Điều chỉnh hàng loạt siêu đô thị “đắp chiếu”

Theo Sở TN&MT Hà Nội, toàn thành phố có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, trong đó có 76 dự án chậm triển khai từ 5-10 năm. Tuy nhiên, đoàn giám sát của HĐND TP tổng hợp số dự án chậm, có dấu hiệu vi phạm luật Đất đai theo báo cáo của 30/30 quận huyện lại đưa ra con số 383 dự án có sự sai khác lớn với báo cáo của Sở TN&MT.

Thời gian vừa qua, nhiều siêu đô thị bỏ hoang cả thập kỷ ở Hà Nội đã được điều chỉnh quy hoạch.

Có thể kể đến như dự án HaDo Dragon City (tên thương mại cũ là Khu đô thị An Khánh - An Thượng) do Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư nằm trên trục Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn hai xã An Thượng và Song Phương huyện Hoài Đức.

Được biết, dự án Hà Đô Dragon có diện tích hơn 30 ha, quy mô dân số khoảng 10.084 người; gồm 493 căn biệt thự đơn lập, song lập và liền kề với mật độ xây dựng chỉ 16%....

Dự án này vốn được Hà Đô khởi công xây dựng từ năm 2008, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2017. Thế nhưng, đã 10 năm kể từ khi dự án được khởi công, từng được đặt nhiều kỳ vọng về một khu đô thị kiểu mẫu và sẽ trở thành một trong những nơi đáng sống nhất khu vực phía Tây Hà Nội nhưng vẫn nằm trên giấy.

Mới đây, dự án đã được Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, dự án Hà Đô Dragon City sẽ bỏ chung cư cao tầng, thay vào đó là khoảng 200-300 căn nhà ở thấp tầng, biệt thự liền kề.

{keywords}
Lô “đất vàng” tọa lạc tại 22-24 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) được UBND TP. Hà Nội giao cho chủ đầu tư từ năm 2004, nhưng đến nay sau nhiều lần đề nghị điều chỉnh quy hoạch, dự án vẫn “đắp chiếu” sẽ được chuyển đổi thành khách sạn 5 sao thay vì khu căn hộ cao cấp.

Hay khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch cũng được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chi tiết tỷ lệ 1/500 nâng tổng diện tích quy hoạch lên khoảng 146,7ha (tăng gần 10ha so với quy hoạch được duyệt trước đó), với quy mô dân số khoảng 23.500 người sau gần 10 năm “đắp chiếu”.

Nhiều hạng mục khác cũng được điều chỉnh có lợi cho chủ đầu tư như: Đất dân dụng tăng hơn 11 ha từ 133,33 ha lên đến 144,77 ha; Đất công cộng giảm 5 ha từ 8,74 ha xuống còn 3,63 ha; Đất trồng cây xanh giảm gần 3 ha từ 19,69 ha xuống 16,95 ha.

Được biết, dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch là một trong 3 dự án tại huyện Hoài Đức bỏ hoang nhiều năm mới bị đoàn giám sát của Hà Nội đề nghị tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Trước đó, trong phiên giải trình về việc quản lý dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội (tháng 8/2018), nhiều đại biểu HĐND thành phố đặt vấn đề không ít chủ đầu tư dự án liên tục đề nghị điều chỉnh quy hoạch để lợi dụng, chậm đưa đất dự án vào triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố. Đặc biệt có những khu “đất vàng” bỏ quên nhiều năm của “ông lớn” bất động sản.

Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, trong quá trình giám sát, đoàn giám sát HĐND TP đã phát hiện ra việc này và đây có thể là một trong những kẽ hở để chủ đầu tư lách luật hoặc lợi dụng xin điều chỉnh quy hoạch kiến trúc. Một trong những lý do để dự án được gia hạn là liên quan đến quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

“Đoàn giám sát cho rằng đây là một trong những lý do và nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ dự án, các dự án vin vào để kéo dài. Sở QH&KT tới đây phải rà soát lại quy trình, nhất là thái độ của Sở QH&KT đối với các dự án hoặc đối với những chủ đầu tư lợi dụng việc này để thực hiện” - Phó Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.

Công Minh

 

Không thiếu tiền ‘ông lớn’ bất động sản vẫn ôm ‘đất vàng’ bỏ hoang giữa Thủ đô

Không thiếu tiền ‘ông lớn’ bất động sản vẫn ôm ‘đất vàng’ bỏ hoang giữa Thủ đô

Trên địa bàn Thành phố Hà Nội có những khu “đất vàng” bỏ quên nhiều năm của “ông lớn” bất động sản.