Nước sạch không qua xử lý
Hàng trăm hộ dân ở các thôn Đại Sơn, Đồng Giang và 1 phần thôn Thuận Hoan của xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) phản ánh về việc nhiều năm nay phải mua nước sông Gianh chưa qua xử lý để dùng.
Việc nước sông bơm trực tiếp lên tháp nước Trạm Đại Sơn - Đồng Giang rồi dẫn thẳng xuống các hộ khách hàng không qua một bước xử lý nào khiến người dân bất an.
Anh N.Đ.N. ở thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa cho biết, hơn chục năm sử dụng nước từ trạm cấp nước sạch này, 3 năm trở lại đây nước rất bẩn, nhiều lúc có mùi hôi hoặc rong rêu lẫn lộn.
"Chúng tôi tìm hiểu thì được biết nước không được xử lý. Để tìm nguồn nước sạch thay thế ở đây rất khó khăn, nên gia đình tôi phải mua bình trữ nước mưa để nấu ăn. Còn nước từ trạm cấp nước đó chỉ dùng tắm, giặt và cho gia súc uống thôi”, anh N. nói.
Theo anh N., không chỉ gia đình anh, mà hầu hết các hộ dân trong thôn đều phải song song mua sử dụng nước của trạm cấp nước với tìm nguồn nước sạch khác để ăn uống nhằm đảm bảo sức khỏe và an tâm hơn.
“Nhiều hộ bỏ tiền ra khoan giếng, nhưng nguồn nước phèn không đảm bảo. Các gia đình phải mua nước bình đóng chai để nấu ăn. Nguồn nước từ trạm cấp nước về được hút từ dưới sông lên, chỗ lắp máy hút là vùng nước tụ đọng không phải luồng dòng chảy nên nhiều khi rác rưởi, xác gia súc, gia cầm chết lại dạt trôi vào đó, rất bẩn và ô nhiễm. Chúng tôi phải mua nước sông này từ trạm cấp nước với giá 6.000 đồng/m3” – anh N. kể lại.
Người dân dùng nước từ trạm cấp nước sạch Đại Sơn – Đồng Giang cho biết, về mùa mưa nước xả ra từ vòi có màu hồng của phù sa. Còn về cao điểm mùa hè, khi nước giếng cạn và lượng nước mưa dự trữ hết nên nhiều gia đình phải dùng nước từ trạm cấp nước để nấu ăn và sinh hoạt.
Thiếu kinh phí để xử lý nước?
Ông Nguyễn Văn An, người quản lý vận hành trạm cấp nước giải thích, việc vận hành trạm cấp nước không có kinh phí. Ông hợp đồng với UBND xã quản lý trạm cấp nước, phải tự hạch toán thu chi, tu sữa hỏng hóc, ngoài ra mỗi năm phải đóng cho xã 4 triệu đồng.
“Công trình trạm cấp nước sạch này được làm từ lâu nên đường ống nối giữa bể lọc và các bể lắng đã hư hỏng. Kinh phí mua hóa chất cũng hạn chế, mà mua về cũng không xử lý từ bể lắng được. Trong khi giá điện tăng lên nhưng giá tiền nước mấy năm nay vẫn ở mức 6.000 đồng/m3. Vì nước không được xử lý, nên lượng khách hàng từ 310 hộ nay giảm còn 250 hộ dùng”, ông Nguyễn Văn An chia sẻ.
Ông An cho biết, tháng cao điểm bán được hơn 1.000m3 nước, còn tháng thấp nhất hơn 600m3.
Ông Nguyễn Tiến Nam – Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết, công trình cấp nước sạch Đại Sơn - Đồng Giang ở thôn Đại Sơn được xây dựng từ năm 2007 từ nguồn vốn dự án Đông Tây Hội Ngộ bằng hình thức “chìa khóa trao tay”.
Sau khi hoàn thành, dự án bàn giao cho UBND xã quản lý, vận hành đưa vào sử dụng. Những năm đầu, dự án có hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng và mua hóa chất xử lý.
“Công trình làm đã lâu nay xuống cấp, các đường ống và van đấu nối bể lọc với bể chứa hư hỏng. Hàng năm mô tơ bơm nước hư hỏng xã phải hỗ trợ cán bộ quản lý để có kinh phí sửa chữa. Các đồng hồ lắp đặt cho khách hàng không chạy khi người dân mở nước nhỏ nên thất thoát nhiều” – ông Nam cho biết.
Hiện nay UBND xã đang làm tờ trình để bàn giao cho Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) để tiếp nhận quản lý trạm cấp nước này.
Xã Đồng Hóa đã đạt tiêu chí Nông thôn mới về nước sạch vệ sinh môi trường, thế nhưng hàng trăm hộ dân sống cạnh trạm xử lý nước sạch vẫn phải mua dùng nước sông Gianh “nguyên chất” chưa qua xử lý trong thời gian dài.
Thanh Hà