Doanh nghiệp lúng túng
Tại hội thảo lấy ý kiến thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, nhiều ý kiến của doanh nghiệp tham gia vẫn cho là còn bùng nhùng chưa hiểu.
Về quy định hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% thì được dán nhãn sản xuất tại Việt Nam, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, băn khoăn: "Ví dụ sữa bột cho trẻ em, nguyên liệu bột nhập về nhưng công thức để tạo ra dòng sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt Nam thì phải thuê nhà nghiên cứu. Hàm lượng chất xám cao nhưng hàm lượng nguyên liệu đầu vào thì có lẽ không đạt trên 30%".
Nuôi bò sữa ở Lào, chuyển sữa về Việt Nam chế biến có phải hàng Việt Nam? |
Một ví dụ khác là doanh nghiệp đầu tư nuôi bò sữa ở Lào, Campuchia, sau đó chở nguyên liệu về Việt Nam chế biến. Hàng hóa đó gọi là xuất xứ Việt Nam, Lào hay Campuchia?
"Nguyên liệu nước ngoài vào phối trộn không đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% mà không cho ghi xuất xứ Việt Nam thì ghi là gì? Nếu họ lợi dụng ghi là Mỹ, New Zealand thì dân Việt Nam lại rất thích", đại diện Hiệp hội Sữa chia sẻ.
Trước ý kiến này, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng: Chỉ khi nào sữa tươi đó thu được trên lãnh thổ Việt Nam, sản phẩm sữa đó mới được coi là sữa Việt Nam. Nếu nhập khẩu nguyên liệu về, giá trị gia tăng tạo ra ở Việt Nam dưới 30% thì tốt nhất ghi xuất xứ theo hướng dẫn tại Nghị định 43 về nhãn hàng hóa.Nếu nay mai mở rộng ra có thể ghi là chế tạo tại Việt Nam từ sữa nguyên liệu nhập khẩu ở nước nào đó.
Được biết, theo hướng dẫn tại Nghị định 43 cho phép DN tự xác định, tự ghi xuất xứ theo hiểu biết tốt nhất của họ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: |
Thông tư về cơ bản không làm phát sinh thêm chi phí cho DN. Đây chỉ là thông tư giúp DN ghi chính xác nhãn hàng hóa trên sản phẩm, DN có căn cứ đối chiếu từ đó ghi chính xác, tránh nguy cơ báo cuộc gian lận xuất xứ, rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Thông tư giúp loại dần hàng nhập khẩu nhập nhèm, đội lốt hàng Việt Nam. |
Nói về giá trị chất xám để tính hàm lượng giá trị gia tăng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thừa nhận “chất xám rất khó đánh giá, rất khó nhận dạng”.
Chính vì vậy, vị thứ trưởng cho hay: Những sản phẩm có chất xám mà có giá trị, thông thường sẽ làm đăng ký bản quyền cho sản phẩm chứa chất xám đó. Sau khi có bản quyền và quyền sở hữu với bằng phát minh sáng chế đó, chúng ta mới tính giá trị của chất xám. Còn nếu nói chuyện chất xám chung chung rất khó, anh có thể nói công thức phát minh ra loại sữa này rất tốn tiền nhưng điều gì chứng minh?
Vì thế, dự thảo Thông tư này có tính giá trị chất xám trong hàm lượng giá trị gia tăng trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng với điều kiện là “giá trị của chất xám đó tính toán được”.
Một doanh nghiệp khác thắc mắc ai sẽ là đơn vị xác nhận cho doanh nghiệp rằng hàng hóa DN sản xuất ra được phép dán nhãn sản xuất tại Việt Nam hay hàng Việt Nam? Bởi dự thảo Thông tư đang cho phép doanh nghiệp tự xác nhận. Trong trường hợp doanh nghiệp không tự tin, DN muốn có một đầu mối xác định xem hàng hóa của mình có được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam hay hàng Việt Nam hay không.
DN này chia sẻ: "Chúng tôi muốn nhập hạt dẻ cười, hạt điều về sàng lọc, rang xay, chế biến cho hợp khẩu vị người Việt Nam, nhưng đến giờ này chưa dám đầu tư vì không biết có được ghi sản xuất ở Việt Nam hay không. Nếu có đơn vị xác nhận thì chúng tôi đầu tư ngay".
Thừa nhận thông tư chưa rõ ràng về nội dung này, đại diện Bộ Công Thương cho hay quá trình hoàn thiện sẽ làm rõ hơn trường hợp "DN cần tham vấn để hiểu đúng quy định chính sách thì gửi ý kiến về đâu". Hay trường hợp có ý kiến thắc mắc DN này, DN kia ghi hàng hóa sản xuất tại Việt Nam không chính xác thì ai là người đứng ra phân xử.
Còn nhiều điểm chưa rõ ràng
Tán thành sự cần thiết xây dựng Thông tư nhưng bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho rằng “nội dung dự thảo còn nhiều vấn đề băn khoăn”.
Bà Hương lo ngại sự đánh đồng giữa khái niệm về sản xuất, chế tạo với xuất xứ sản phẩm.
Rất khó phân xử thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nếu không có quy định rõ ràng |
Liên quan đến giải thích từ ngữ: “Xuất xứ Việt Nam là hàng hóa của Việt Nam theo quy định tại thông tư này”, bà Hương cho rằng: Điều này có thể hiểu xuất xứ Việt Nam là hàng hóa của Việt Nam, ngược lại hàng hóa của Việt Nam lại là xuất xứ của Việt Nam.
Liên quan điều 4 về cách ghi nhãn hàng hóa, theo bà Trần Thị Thu Hương "cần bóc tách ra". Bởi cách ghi tại dự thảo đang cho rằng xuất xứ của Việt Nam hay hàng hóa của Việt Nam bao gồm các cụm từ bên dưới là hàng hóa của Việt Nam, chế tạo tại Việt Nam, chế tác tại Việt Nam”, bà Trần Thị Thu Hương góp ý.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng tỏ ra băn khoăn vì vẫn chưa có khái niệm thế nào là hàng hóa tại Việt Nam, chế tạo và chế tác tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các quy định tại dự thảo thế nào là hàng hóa Việt Nam lại đưa ra toàn bộ những quy định về xuất xứ cho sản phẩm được quy định tại Nghị định 31, cũng như Thông tư 05 của Bộ Công Thương về xuất xứ hàng hóa. Vì thế, bà Hương gợi ý nên xem xét có cần ban hành thông tư này hay không, hay là sửa đổi Nghị định 31 và thông tư 05 theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng theo hướng thay vì chỉ áp dụng với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thì thêm cả hàng được sản xuất và lưu thông tại Việt Nam.
Chân thành tiếp thu ý kiến bà Hương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thừa nhận: Thông tư này rất gần gũi với các quy định về xuất xứ hàng hóa, nhưng chúng tôi không muốn nó đươc coi là thông tư hướng dẫn về xuất xứ hàng hóa vì nó có những nội dung độc lập.
Giải thích tại sao không sử dụng luôn Nghị định 31 và Thông tư 05 mà phải xây dựng thông tư riêng, lãnh đạo Bộ Công Thương lý giải: Hàng hóa xuất khẩu và hàng lưu thông trong nước có khác nhau nhất định. Nếu lấy thông tư 05 áp dụng cho hàng tiêu thụ trong nước có thể dẫn đến một số khúc mắc trong thực thi.
Lương Bằng