Du lịch Sa Pa có những bước phát triển vượt bậc
Sa Pa xưa là cao nguyên Lồ Suối Tủng, thuộc trại Ngòi Bo, sau là Tổng Hướng Vinh, Châu Thuỷ Vĩ, tỉnh Hưng Hóa. Cách đây 120 năm, vào mùa đông năm 1903, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn thám hiểm đã đặt tên cho cao nguyên và ghi danh vào bản đồ là “Cao trạm Sa Pa”. Sự kiện này trở thành dấu mốc lịch sử phát hiện ra Sa Pa.
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, “Thành phố trong sương” nay đã trở thành Khu Du lịch Quốc gia. Du lịch Sa Pa đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một thị trấn nhỏ vùng cao đã được khẳng định, định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam và Thế giới; luôn nằm trong Top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và Top 28 điểm đến hấp dẫn của Thế giới; được bình chọn Top 10 điểm đến xanh nhất Trái đất; một trong 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất Thế giới; 1 trong 10 con đường mòn tuyệt vời nhất Thế giới; ruộng bậc thang Sa Pa là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và Thế giới; 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Để viên ngọc quý Sa Pa tiếp tục tỏa sáng
Để có được một Sa Pa phát triển như hôm nay, trên cơ sở xác định những tiềm năng và lợi thế so sánh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai nói chung, Sa Pa nói riêng trong nhiều nhiệm kỳ qua đã luôn xác định Sa Pa không chỉ là trọng điểm du lịch của tỉnh mà còn là Khu du lịch quốc gia ngang tầm quốc tế; luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lấy cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa làm động lực; tính thích ứng và sự năng động làm đột phá để vươn lên và hướng đến phát triển bền vững.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định phát triển du lịch là một trong hai lĩnh vực đột phá, phấn đấu đến năm 2030 du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo, quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, Khu du lịch quốc gia Sa Pa được định hướng phát triển toàn diện, đồng bộ, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc gia tầm cỡ quốc tế, với hạ tầng, dịch vụ đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phong phú, chất lượng cao, có thương hiệu, hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế, một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất toàn cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường khẳng định: hành trình 120 năm Du lịch Sa Pa đã làm nên những điều kỳ diệu và sẽ không dừng lại, với mong ước viên ngọc quý Sa Pa sẽ tiếp tục được tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và Thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá: Sa Pa đang tiến bước trên hành trình trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, với hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, điểm giao lưu văn hóa khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Tỉnh cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới một Sa Pa phát triển bền vững, hài hoà và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Thực hiện nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn; coi giá trị, cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, bản sắc kiến trúc là cốt lõi; Chú trọng chuyển đổi xanh trong du lịch, phát triển các loại hình du lịch dựa vào hệ sinh thái; phát huy giá trị văn hoá bản địa để thúc đẩy kinh tế du lịch, lấy kinh tế du lịch làm nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá bản địa. Chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững.
Nhanh chóng chuyển đổi số, hướng tới mô hình quản trị hiệu quả, ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Sa Pa ra thế giới; tạo ra không gian mới cho phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, nguyên thiên nhiên, cảnh quan, các hệ sinh thái, các di sản.
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi điểm đến trong đó Khu du lịch quốc gia Sa Pa phải là động lực, thu hút du khách đến với các điểm đến trên tuyến, và ngược lại, các điểm đến này cũng tạo nên sức hút chung cho du lịch Sapa
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đặc biệt là trang bị kỹ năng, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp cho đồng bào các dân tộc Sa Pa, bởi chính họ làm nên sức hút và sự đặc sắc của du lịch Sa Pa.