Bà ngồi tựa lưng vào chiếc ghế đá bên ngoài một quán cà phê dọc theo chung cư Trần Văn Kiểu (P. 14, Q. 10, TP.HCM). Nét mặt bà tươi tắn. Nhiều người đi ngang trêu bà: 'Hôm nay đắt khách lắm hay sao mà bà vui thế?'. Bà đưa xấp vé số trên tay, 'Còn bao nhiêu đây nè. Đi một chút nữa là hết thôi ...'.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Thay, 80 tuổi hiện sống ở hành lang chung cư.

Bà cụ bán vé số, sống ở hành lang chung cư

Bà tên Nguyễn Thị Thay, năm nay tròn 80 tuổi. Bà là người gốc Huế. Xa xứ đã nhiều năm nhưng giọng nói của bà vẫn còn phảng phất tiếng địa phương.

'Hơn nửa tháng nghỉ bán vì Covid-19, bà có buồn lắm không?', chúng tôi hỏi. Bà nói: 'Mỗi ngày, tôi lấy vé số từ lúc 4 giờ chiều rồi để đó đến 3 giờ sáng hôm sau mới dậy sớm đi bán. Những ngày không có vé số, tôi cũng vẫn đi. 3 giờ sáng, tôi xuống đường đến những nơi hàng ngày tôi rảo tới để nhìn, để san sẻ, chan hòa tình cảm với mọi người. Có vậy tôi mới sống được vui chứ anh'.

Bà kể, những ngày nghỉ bán vì dịch, bà được rất nhiều người giúp đỡ. Dù không nhiều, khi vài chục ngàn, lúc một hộp cơm, chai nước nhưng cũng đủ để bà sống một cách vui vẻ. Điều ít ai ngờ được là tuy bà rất nghèo nhưng khi gặp những mảnh đời cơ nhỡ hơn, bà sẵn lòng giúp đỡ.

Bà con nơi đây cho biết, những ngày nghỉ dịch, bà không hề than vãn, không hề buồn bực mà ngược lại, bà còn san sẻ cho những người bạn cùng bán vé số như mình khi thì một chút tiền, khi một chút cơm.

{keywords}
Bà con luôn mua ủng hộ bà.

Thiện tâm của bà cụ

Sau một thời gian nghỉ, những ngày đầu đi bán lại vé số, người dân ủng hộ bà rất nhiệt tình. Nhờ vậy mà mấy ngày nay bà bán hết sớm.

Chúng tôi hỏi thăm về bà. Bà dịu giọng: Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, những năm đầu của thập niên 1960 tôi tình cờ gặp được ông nhà tôi từ Sài Gòn ra theo học trường Nông Lâm Súc Huế. Sau đó, chúng tôi đưa nhau vào nam chung sống.

Chúng tôi sống với nhau nhiều năm không có con. Năm 1966 chúng tôi xin một đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua đến năm 1982 bất ngờ ông nhà tôi qua đời sau một tai nạn trong lúc làm việc ở Bình Dương.

Tôi và đứa con nuôi cứ thế mà sống. Tôi vào làm công nhân cho Công ty xe khách liên tỉnh Miền Đông. Nhờ vậy tôi nuôi được con và cho con đi học đến hết lớp 3. Sau đó, nó theo học nghề thợ cơ khí được vài năm ra nghề làm việc có được đồng ra đồng vô. Năm 1987, do bệnh nhiều nên tôi nghỉ việc và sau đó bắt đầu sống bằng nghề vé số đến giờ.

Năm 1990, tôi mua được căn nhà ở quận Tân Phú với giá 1,3 lượng vàng. Hai mẹ con về đó chung sống. Trong một lần đi nhậu với bạn bè, con quen một cô gái rồi cô gái đó mang thai nên đưa về chung sống.

Một thời gian sau, chúng bán mất căn nhà của tôi rồi cao chạy xa bay, không bao giờ về thăm tôi nữa. Nhưng thôi, tôi cũng không buồn phiền gì nữa, coi như mình không còn duyên nợ với con thôi. 

Giờ đây, mỗi ngày tôi vẫn có đủ 3 bữa ăn dù mỗi bữa chỉ 10.000đ. Quần áo, tắm giặt có người giao cho chìa khóa muốn sử dụng lúc nào cũng được. Tại nơi đây, mặc dù nằm ngoài hành lang nhưng anh thấy đó, tôi vẫn có đèn có quạt mà những thứ này là do tấm lòng của bà con.

Mỗi ngày tôi có thể kiếm được 100.000đ nhờ vào vé số. Chi phí cho sinh hoạt nếu còn dư tôi san sẻ cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Tôi không màng gì hết, chỉ giữ cho mình chút thanh thản, niềm vui tươi để sống trọn cuộc đời. Già rồi cũng không còn lâu đâu, anh nhỉ?'.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Tổ trưởng tổ dân phố 73, khu 1 chung cư Trần Văn Kiểu xác nhận điều kiện khó khăn và đơn chiếc của bà. Ông cho biết, trước bà ở tầng 2 với một người bà con xa nhưng sau đó bà xuống hành lang tầng trệt nằm ngủ.

Bà con cư dân phản ánh nên bà phải lên đây - khu vực hành lang trước nhà ông Huệ và ông cũng đã giúp bà đèn, quạt. Nhiều lần ông Huệ đề nghị đưa bà vào viện dưỡng lão nhưng bà không đồng ý.

Ông Huệ xác nhận, hiện nay bà sống bằng sự đùm bọc thương yêu của bà con quanh chung cư. 'Bà bệnh, bà con mua thuốc cho bà, bị bệnh nặng thì bà con sẽ đưa vào bệnh viện và nếu đến một ngày nào đó bà ra đi thì cả cộng đồng sẽ chung tay lo cho bà thôi', ông Huệ nói.

Người bán vé số mù viết thư động viên đồng nghiệp giữa mùa dịch

Người bán vé số mù viết thư động viên đồng nghiệp giữa mùa dịch

Anh Thương cho biết, những ngày qua, dù không có thu nhập, nhưng vợ chồng anh nhận được nhiều sự giúp đỡ, đặc biệt là khoản hỗ trợ 50 ngàn đồng/ngày.   

Trần Chánh Nghĩa