Trong cuộc sống hàng ngày, bất cứ ai trong mỗi chúng ta đều cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm và biết ơn khi nhận được một hành động tử tế dù nhỏ nhất từ người khác, đồng thời mỗi hành động tử tế ta làm được cho người khác cũng luôn khiến chúng ta cảm thấy hứng khởi, tích cực và hạnh phúc hơn.
Vậy làm cách nào để mỗi chúng ta nuôi dưỡng sự tử tế trong bản thân mình và lan tỏa nó ra trong các mối quan hệ, tương tác của mình một cách bền vững, liên tục? Mỗi người có lẽ sẽ có phương án tối ưu riêng phù hợp nhất cho mình, nhưng tham khảo một chút từ các chuyên gia tư vấn có lẽ sẽ cung cấp cho chúng ta những gợi ý hữu ích, thiết thực. Một năm sống tử tế: Những lựa chọn sẽ làm thay đổi cuộc đời và thế giới xung quanh bạn (A year of living kindly: Choices that will change your life and the world around you) của Donna Cameron là một cuốn sách kỹ năng mang tính gợi mở bất cứ ai cũng có thể tham khảo trong việc tìm kiếm cảm hứng điều chỉnh cách hành động, ứng xử của mình theo hướng tích cực hơn trên tinh thần có lợi cho cả bản thân lẫn những người khác trong các mối quan hệ xã hội mỗi chúng ta vẫn thực hiện mỗi ngày.
Bản thân tên của cuốn sách cũng là một ẩn ý ngụ ngôn của tác giả. Theo Donna Cameron, cuộc hành trình để rèn luyện cho mình cách ứng xử tử tế một cách bền vững, có ý thức là một quá trình cần thời gian nỗ lực thực hiện một cách liên tục, có ý thức, quá trình mà tác giả ví von với “một năm”.
Ai cũng biết một năm bao gồm 52 tuần, 12 tháng và bốn mùa. Để cuộc hành trình rèn luyện tinh thần tử tế một cách có ý thức và bền vững trở nên giống với điều gì đó tự nhiên, tất yếu, vốn đã tồn tại sẵn trong con người bạn như bốn mùa, 52 tuần luôn hiện hữu trong một năm, và làm cho cuộc trao đổi kỹ năng với người đọc trở nên không nặng nề, nhàm chán, tác giả đã tách cuốn sách của mình thành 4 phần như 4 mùa trong năm (hay như 4 quý với những ai thích nhìn nhận thời gian từ góc độ hành chính), mỗi phần gồm 13 chương như 13 tuần được gom lại thành ba cụm, mỗi cụm giống như một tháng. Vậy là nếu độc giả là một người kế hoạch tới mức tỉ mỉ, độc giả sẽ có thể triển khai thực hành cuốn sách theo đúng lịch của một năm.
Cứ mỗi tuần đọc, chiêm nghiệm và áp dụng 1 chương, khoảng một tháng cho một cụm chương, một quý cho mỗi phần, như vậy sau đúng một năm độc giả sẽ đi hết cuốn sách một cách tuần tự và không chỉ đọc mà còn triển khai những gì được viết trong sách một cách đầy đủ.
Phần 1 “Mùa khám phá” là cuộc phân tích về nhận thức, tầm quan trọng của sự tử tế cũng như sự cần thiết của việc xây dựng chiến lược cho việc tạo lập lối sống tử tế.
Bốn chương đầu tiên của cuốn sách được Donna Cameron dành để đào sâu về bản chất của sự tử tế, điều mà một cách trực giác tất cả chúng ta đều cảm nhận được, nhưng chưa hẳn nhận thức được về nó một cách thấu triệt, đầy đủ. Để rèn luyện “tinh thần tử tế”, chúng ta cần xây dựng được hiểu biết toàn diện về nó làm cơ sở để thực hành nó sao cho đúng đắn nhất.
Bốn chương tiếp theo được dành để thuyết phục bạn đọc về sự hữu ích lớn lao của tử tế. Chúng ta nói chung sẽ khó có động lực để nỗ lực làm đến cùng điều gì đó nếu không nhận thấy lợi ích lớn lao điều đó đem tới cho mình cũng như người khác. Bằng những lập luận ngắn gọn, xác đáng, Donna Cameron chứng tỏ cho độc giả thấy thực hành, lan tỏa sự tử tế là điều cực kỳ hữu ích cho chúng ta, cho cộng đồng và đáng bỏ sức để làm.
Năm chương cuối của phần 1 được tác giả dành cho những gợi mở rất gần gũi để mỗi độc giả có thể suy ngẫm sử dụng như xuất phát điểm cho việc rèn luyện tư duy ứng xử của mình hướng tới “tử tế” thường trực và hợp lý.
Phần 2 “Mùa thấu hiểu” giải quyết một mối băn khoăn rất quan trọng mà ai trong chúng ta cùng từng cảm nhận thấy: tại sao có những lúc trao đi và nhận lấy sự tử tế lại khó đến thế, tại sao thông điệp tử tế không phải lúc nào cũng được truyền đi thông suốt từ người gửi tới người nhận, tại sao những tương tác thường nhật giữa người với người, vốn cơ bản là trung tính hay có dụng ý tích cực, lại dễ dàng biến chuyển theo hướng tiêu cực đến thế? Thông điệp Donna Cameron đưa ra rất rõ ràng, muốn tử tế đúng cách để sự tử tế trao đi được tiếp nhận, chúng ta cần có sự thấu hiểu: với người khác, và trước nhất, quan trọng nhất, với bản thân.
Tác giả dành 4 chương đầu phần 2 để tổng kết những rào cản chính ngăn chặn sự kết nối trên tinh thần tích cực, thiện chí giữa người với người. Tiếp đến, cụm chương “cưỡng lại sự tử tế” lý giải một hiện tượng quan trọng: căn nguyên của phản ứng dường như phi lý khi những người được quan tâm dường như cưỡng lại thiện chí từ người khác, thậm chí phản ứng tiêu cực. Tác giả cũng chỉ ra giải pháp rốt ráo cho vấn đề này: mỗi chúng ta phải học cách đón nhận sự tử tế bên cạnh học cách trao đi sự tử tế, phải biết trước hết tử tế đúng cách với chính mình.
Tiếp đến, 5 chương sau cùng đẩy xa sự thấu hiểu về tử tế một cách toàn diện đi xa thêm, cung cấp những lập luận, khơi gợi giúp mỗi người từ thấu hiểu bản thân tới có cách nhìn nhận nhân bản hơn về thế giới xung quanh, để giúp sự tử tế có cơ hội rộng mở hơn để tồn tại, lan tỏa trong cuộc sống.
Phần 3 “Mùa lựa chọn” là những đề xuất tác giả đưa ra cho những ai đã nhận thức được tầm quan trọng của sự tử tế cũng như thấu hiểu về nó, nhưng đang ngại ngần không biết nên thực hiện sự tử tế ra sao cho thích hợp với hoàn cảnh, năng lực của mình nhất. Chúng ta không toàn năng, chúng ta đầy khiếm khuyết, khả năng của chúng ta hữu hạn. Nhưng chúng ta vẫn có thể tử tế một cách hữu hiệu, hữu ích theo cách của mình.
Đó là thông điệp Donna Cameron đưa ra thông qua những tổng kết nhẹ nhàng về công cụ (4 chương đầu), lựa chọn (4 chương kế tiếp) chúng ta có thể cân nhắc để hiện thực hóa phiên bản tử tế cá nhân của mình, đồng thời đối phó với sự hiện hữu đáng phàn nàn nhưng không tránh khỏi của sự thiếu tử tế, góp phần của mình để sắc màu hạnh phúc đậm thêm, chiếm ưu thế hơn trong cuộc sống (5 chương cuối phần).
Phần 4 “Mùa trưởng thành” được tác giả dành để bàn về cách thức không ngừng duy trì, lan tỏa và củng cố tâm thức sống tử tế, tích cực. Duy trì bất cứ điều có ích nào cũng đều khó khăn, sự tử tế cũng không ngoại lệ. Do đó, vượt qua những thách thức sẽ liên tục công phá sự kiên định của chúng ta sẽ không dễ dàng, những gợi ý trong 4 chương đầu có lẽ sẽ cho mỗi người một vài trợ giúp nhỏ để có thêm động lực vượt qua chúng. Tiếp đến, lợi ích của tử tế sẽ cộng hưởng gấp bội nếu ý chí muốn sống tích cực của tất cả mọi người đồng điệu thành một thế giới tốt đẹp, tử tế hơn, một công cuộc hẳn sẽ hưởng lợi từ các ý tưởng trong cụm chương “Xây dựng một thế giới tử tế hơn”.
Và chốt lại, tác giả quay trở lại với luận điểm căn bản nhất: không nhất thiết phải răm rắp tuân theo lộ trình của cuốn sách, đó chỉ là một gợi ý thôi. Điểm quan trọng là “Sống tử tế hàng ngày”, một cách sống lành mạnh sẽ đem lại cho bạn một di sản đầy giá trị.
Dịch giả Lê Đình Chi