Khởi công xây dựng vào quý IV/2010, dự kiến hoàn thành  quý IV/2013 nhưng đã gần hết quý II/2015, Hà Nội Times Tower của Công ty CP Dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) vẫn đang ì ạch thi công. Từng mang họ “Dầu khí”, nhưng số phận của PVR cùng các dự án lại rất long đong.

Thi công ì ạch, khách hàng đòi rút vốn

Việc thi công quá chậm, khiến dự án Hà Nội Times Tower trong suốt nhiều năm sau ngày khởi công chìm đắm trong làn sóng đòi rút vốn của khách hàng. Kể từ khi ký hợp đồng góp vốn, khách hành đã nhiều lần yêu cầu PVR giải thích rõ lý do chậm tiến độ, đồng thời hối thúc PVR đẩy nhanh tốc độ thi công nhưng đều không nhận được thái độ phản hồi tích cực từ phía chủ dự án.

Cho đến cuối năm 2012, người mua nhà như đang “chết duối vớ được cọc” khi Tập đoàn Đại Dương (OGC) mua 10 triệu cổ phiếu của PVR (tương đương 19,27% vốn điều lệ) và trở thành cổ đông lớn của PVR, dự án này đã xuất hiện những tín hiệu khả quan hơn.

Ngay sau khi nắm giữ tỷ lệ gần 20% tại PVR, chủ đầu tư cũng cho tái khởi động lại dự án. Và khách hàng mua nhà tại Hà Nội Times Tower cũng mừng ra mặt khi chủ đầu tư chấp nhận giảm giá bán từ 22,5 triệu đồng/m2 xuống còn 18,5 triệu đồng/m2 với điều kiện gia hạn tiến độ dự án đến quý 4/2014.

{keywords}
Dự án của PVR chậm tiến độ

Tưởng chừng dự án sẽ triển khai hanh thông, thế nhưng từ thời điểm đó đến nay, Hà Nội Times Tower cũng chỉ thi công được phần hầm công trình và vài tầng thân, sau đó đã ngừng thi công do OGC đang tìm cách thoái vốn tại PVR.

Khi niềm tin của khách hàng đối với dự án đã phần nào được củng cố thì một lần nữa, dự án đột ngột dừng triển khai. Lần lượt các cổ đông lớn, trong đó có OGC quyết định thoái hết vốn khỏi PVR. Đến tháng 7/2014, sau khi được tài trợ gói tín dụng 326 tỷ đồng, Dự án Hà Nội Times Tower đã hứa sẽ tái khởi động trở lại. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch vay vốn vẫn không thực hiện được, dự án tiếp tục bị “đắp chiếu”.

Tại đại hội cổ đông gần đây, PVR cho biết, trong năm công ty không thu xếp được nguồn vốn vay Ngân hàng để triển khai dự án, mặc dù sau khi đàm phán với các tổ chức tín dụng, PVR đã đạt được thỏa thuận vay 326 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đại Dương, tuy nhiên do các nguyên nhân khách quan nên chưa thực hiện được khoản vay này. Công ty cũng chưa thực hiện được việc thu tiền góp vốn của khách hàng tại dự án.

Thoái vốn không thành

Một dự án khác của PVR là CT15 Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cũng trong cảnh chùm mềm đắp chiếu. CT15 Việt Hưng trước đây được nhiều người biết đến với tên gọi dự án Opulent Paradise. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án này lên tới 1.054 tỷ đồng dự kiến thực hiện từ quý I/2011 đến quý IV/2013.

Đầu năm 2013, PVR đã duyệt chủ trương chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án. Lý do chuyển nhượng được lãnh đạo công ty giải thích là do diễn biến bất lợi của thị trường,cũng giống như phần lớn các công ty bất động sản khác, PVR đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn, huy động các nguồn vốn để thực hiện dự án. Song việc thoái vốn khỏi một dự án bất động sản thời điểm này là không đơn giản. 

{keywords}
PVR từng đối mặt với kiện cáo đòi nhà

PVR đã không thực hiện chuyển nhượng được phần vốn tại dự án Việt Hưng để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận mặc dù đã đạt được các thỏa thuận với đối tác.

Năm 2014, tình hình kinh doanh của PVR không mấy khả quan. Theo báo cáo của HĐQT, do tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt là đối với thị trường bất động sản nên tình hình sản xuất kinh doanh của công ty không đạt kế hoạch. Tổng doanh thu năm 2014 chỉ được 4,88 tỷ đồng trong khi kế hoạch là 86 tỷ. Đây thậm chí là kế hoạch đã được điều chỉnh – tăng lên so với kế hoạch cũ. Lợi nhuận trước thuế đạt 0,66 tỷ trong khi kế hoạch là 1,1 tỷ.

PVR trình cổ đông không trả cổ tức trong các năm 2015, 2016, 2017 và đảm bảo trả cổ tức tỷ lệ 10% vào năm 2018.

Trong thời gian tới, PVR sẽ chú trọng thực hiện 2 dự án chính là Dự án CT10-11 Văn Phú và Dự án CT15 Việt Hưng. Dự kiến đến thời điểm năm 2016 – 2017 doanh thu ghi nhận từ những dự án này sẽ đem về 2.000 tỷ đồng.

D.Anh