– Những chi tiết hậu trường chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ lịch sử
của Tổng Bí thư được người trong cuộc lần đầu chia sẻ: từ việc xử lý những lúng
túng về nghi thức lễ tân, cho tới quá trình vượt qua những trở lực chống đối
chuyến thăm này.
VietNamNet trân trọng giới thiệu phần 1 bàn tròn trực tuyến với ông Bùi Thế
Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại TƯ Đảng, nguyên Đại sứ VN tại
LHQ và TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao.
Hàng thập kỷ sau mới thấu hết ý nghĩa lịch sử
Nhà báo Việt Lâm: Báo chí đều gọi chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ là chuyến thăm lịch sử. Gọi như vậy liệu có chính xác?
Việt Lâm: Xin hỏi người trong cuộc, ông Bùi Thế Giang. Được biết, ông là người tham dự rất tích cực vào chuyến thăm của Tổng Bí thư, từ khâu chuẩn bị, đi tiền trạm, cho tới khi tháp tùng Tổng Bí thư sang Mỹ. Ông cảm nhận như thế nào về tính chất lịch sử của chuyến đi này?
Nhân chuyện anh Tuấn nói về việc ta cung cấp cho Mỹ những nước đã đón Tổng Bí
thư đến thăm thì tôi xin chia sẻ đây là tác phẩm của tôi.
Tôi làm việc đó vào cuối tháng 11 năm ngoái khi mà ý tưởng về chuyến đi đã khá
cụ thể. Với tư cách là một người trong cuộc trực tiếp tham gia từ đầu, tôi đã
chủ động lên danh sách những nước mà Tổng Bí thư ta đã thăm trong 3 năm qua.
Trong những nước mà Tổng Bí thư đã đến thăm, chỉ có Lào cùng hệ thống chính trị,
còn lại đều là các nước ngoài khối. Chúng tôi làm thành một danh sách theo số
thứ tự, tên nước, người hoặc tổ chức mời, có hội đàm chính thức hay không, với
ai và có duyệt đội danh dự hay không, có tuyên bố chung hay không, ở cấp nào, có
21 phát đại bác hay không… Sau đó, tôi lại là người trực tiếp dịch danh sách này
sang tiếng Anh.
Ông Bùi Thế Giang là người gắn bó sâu sắc với tiến trình quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Một điều rất lý thú là Đại sứ Mỹ, khi đó là ông David Shear và sau này là Ted
Osius luôn hỏi tôi rất nhiều lần: Đón thế nào bây giờ? Vì Mỹ không có một hệ
thống chính trị tương đương như VN nên họ khá lúng túng.
Đến tháng 11/2012, nhân một cuộc tiếp tân tại nhà riêng Đại sứ Mỹ nhân dịp nhà
toán học Mỹ đoạt giải Nobel Roger Myerson thăm Việt Nam, chúng tôi lại tiếp tục
trao đổi lần thứ ba về vấn đề này. Ông ấy hỏi tôi: Ông hứa là sẽ cho tôi ý kiến
về thủ tục lễ tân, bây giờ ông nói cụ thể đi. Chúng tôi kéo nhau vào một phòng
riêng nhỏ để nói chuyện. Tôi bảo ông ấy: “Ông cứ chờ đi, chỉ 2 tháng nữa thôi,
ông sẽ có một ví dụ rất cụ thể và sinh động để tham khảo”. Lúc đó chúng tôi đang
chuẩn bị cho Tổng Bí thư đi thăm, nói một cách không chính thức là “ba nước năm
bên” ở Tây Âu, đi Bỉ, EU, Ý, gặp Giáo Hoàng, và đi Anh.
Sau chuyến thăm này, tôi gặp lại ông Đại sứ Mỹ và hỏi: Các ông đã thấy chưa? Ông ta bảo: Đúng, nhưng chúng tôi vẫn khó khăn.
Đấy là thủ tục lễ tân, còn về ý nghĩa lịch sử thì tôi muốn dẫn ra đây một chi
tiết: Đúng vào buổi sáng khi Tổng Bí thư ta chuẩn bị có cuộc hội đàm với Tổng
thống Obama thì TNS John McCain có ra tuyên bố, tôi xin trích nguyên văn: “Tôi
nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư VN Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm lịch sử tới
Hoa Kỳ, chuyến thăm đầu tiên của một tổng bí thư VN. Chuyến thăm này thể hiện
sức mạnh đang lên của quan hệ đối tác Hoa Kỳ và VN khi chúng ta kỷ niệm lần thứ
20 bình thường hóa quan hệ hai nước”. Chưa bao giờ với bất kỳ một lãnh tụ nào
của VN dù dưới dạng nào của các hệ thống chính trị trước nay sang Mỹ mà có một
ông thượng nghị sĩ ra một tuyên bố như vậy. Còn đối với khách quốc tế đến thăm
Mỹ, đây cũng là một việc hiếm hoi.
Kết thúc ngày mồng 7 – ngày có cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng rồi có cuộc chiêu đãi của Phó Tổng Thống Joe Biden để chào mừng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì 2 bên đã thông qua Tuyên bố về tầm nhìn chung
Việt Nam –Hoa Kỳ. Tuyên bố đó bắt đầu bằng một câu: Nhận lời mời của chính quyền
Tổng thống Barack Obama, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Nguyễn Phú Trọng
đã có chuyến thăm lịch sử tới Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ.
Như vậy, từ “lịch sử” không phải chỉ chúng ta nói, không phải chỉ báo giới, học
giả nói mà ở cương vị chính thức cả hai bên đều công nhận việc đó.
Tôi xin nói thêm, nó là lịch sử không phải chỉ ở quan hệ song phương Việt –Mỹ.
Nếu xét từ một góc độ nào đó thì đó cũng là lịch sử trong quan hệ chính trị quốc
tế nữa, bởi từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước Mỹ chưa đón một ông lãnh tụ
cộng sản nào như thế này cả. Trước nay thì có người đứng đầu của CHND Trung Hoa
nhưng cái mũ chính để đội lại là chủ tịch nước. Sau này nếu có đón một lãnh tụ
Cuba thì mũ nhà nước là chính. Tổng Bí thư chúng ta không có chức danh gì khác
ngoài chức danh Tổng Bí thư của Đảng cộng sản VN. Tôi nghĩ điều đó cực kỳ lý thú
trong quan hệ quốc tế.
Hãy nhớ rằng quan hệ của chúng ta với Mỹ không phải là quan hệ bình thường. Có
thời kỳ rất đẹp rất hay. Có thời kỳ được coi là đau buồn và đau thương. Chính
TNS John McCain đã phải nói rằng: đối với những ai đã hoạt động nhằm bình thường
hoá quan hệ cách đây 20 năm thì sự tiến bộ mà hai dân tộc chúng ta đã cùng nhau
đạt được thật là đáng kinh ngạc.
Đỉnh cao trong quan hệ chính trị Việt – Mỹ
Việt Lâm: Tôi được biết, ông Giang và ông Tuấn đây đều có những gắn bó
cá nhân khá sâu sắc với tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ. Ông Giang
sang Mỹ học Thạc sĩ quan hệ quốc tế từ trước khi hai bên bình thường hoá quan hệ.
Sau đó, ông trở lại Mỹ với cương vị Đại sứ VN tại LHQ. Còn ông Tuấn cũng là
những thế hệ đầu tiên sang Mỹ học theo chương trình học bổng Fulbright. Xin hỏi,
hồi ấy, có bao giờ các ông hình dung được rằng, sẽ có một ngày Tổng thống Mỹ
chào đón Tổng Bí thư VN tại Nhà Trắng?
Ông Bùi Thế Giang: Tôi chắc rằng từ những người tham gia vào tiến trình
bình thường hoá quan hệ, các cựu binh, DN Mỹ ủng hộ chủ trương bình thường hoá
đến những người có ý thức phấn đấu vì lợi ích quốc gia dân tộc đều có một nguyện
vọng là quan hệ hai nước bình thường khi còn đang không bình thường và phát
triển sau khi bình thường hóa. Đặc biệt, biểu hiện của quan hệ bình thường, đó
là sự trao đổi cấp cao nhất với nhau, tức là người đứng đầu trong hệ thống chính
trị của chúng ta, Tổng Bí thư sang thăm Mỹ.
Trong 20 năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hai Tổng thống Mỹ sang thăm VN là
ông Bill Clinton (tháng 11/2000) và ông George Bush (tháng 11/2006. Hai chủ tịch
nước và thủ tướng của chúng ta cũng đã thăm Mỹ. Nhưng đến giờ người cao nhất
trong hệ thống chính trị của chúng ta là Tổng Bí thư mới đi Mỹ. Có thể nói quan
hệ hai nước bây giờ mới thực sự bình thường.
TS Hoàng Anh Tuấn: Đối với tôi, đây là chuyện tất yếu mà quan hệ Việt –
Mỹ sẽ phải trải qua, sẽ phải đạt đến mức đấy. Nhưng làm thế nào để đạt được đến
mức đấy thì nói chung cả Mỹ và VN đều chưa có kinh nghiệm xử lý việc này. Khi
câu chuyện này đến thì cũng phải có câu chuyện về lễ tân ngoại giao xử lý thế
nào, rồi nội dung bàn thảo ra sao.
Và chuyến thăm của Tổng Bí thư là đỉnh cao của quan hệ chính trị, của 20 năm
bình thường hoá, ít nhất đến lúc này.
Để đạt được như thế thì phải có sự hội tụ của các nhân tố nhất định. Trước tiên
là chất lượng mối quan hệ dựa trên cơ sở chuyển hóa của số lượng các tiếp xúc
cấp cao giữa VN và Mỹ diễn ra tương đối liên tục trong thời gian 20 năm qua.
Tiếp đó là hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp thấp hơn, các cuộc trao đổi, giao lưu
nhân dân giữa hai nước.
Thứ hai là lòng tin. Chính những cuộc tiếp xúc cấp cao này khiến lòng tin giữa
hai bên được nâng lên.
Thứ ba, khi đưa ra lời mời với VN, rõ ràng Mỹ đã thừa nhận thực tế Đảng Cộng sản
là người lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị VN, tức là sự thừa nhận vai trò
lãnh đạo của Đảng.
Việc Mỹ thừa nhận sự đóng góp, vai trò và ảnh hưởng của VN thì đồng nghĩa với
việc Mỹ thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng cộng sản VN. Đây là điều hết sức đặc biệt.
Cần nhớ rằng trong quan hệ Việt –Mỹ 20 năm qua thì Mỹ mới chỉ công nhận chúng ta
về mặt nhà nước, về mặt ngoại giao còn câu chuyện công nhận hệ thống chính trị,
sự lãnh đạo của đảng cộng sản thì chưa. Đặc biệt hơn là chuyến thăm của Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh phong trào cộng sản và công nhân
quốc tế ở giai đoạn thoái trào kể từ sau khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh.
Nói ra như vậy, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm, mới
thấy được nỗ lực của hai phía trong việc tổ chức và làm cho chuyến thăm thành
công.
TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Bùi Thế Giang: Nhân chuyện anh Tuấn nói về khía cạnh tôn trọng thể
chế chính trị, tôi xin nói thêm rằng đối với phía Mỹ, đây là quá trình tịnh tiến,
đi từng bước.
Nếu chúng ta đọc lại tuyên bố 2013, khi Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ, trong đó nhấn mạnh hai
bên tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị,
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Lần này, khi chúng tôi bàn thảo để hoàn tất dự thảo tuyên bố về tầm nhìn chung,
cũng có người phía Mỹ đặt vấn đề là không cần thiết nhắc lại vấn đề này nữa vì
đã có trong tuyên bố 2013 rồi. Thậm chí, các bạn Mỹ còn nói: Nếu vẫn để thì
dường như giữa chúng ta còn có gì đó chưa tin nhau.
Chúng tôi lập luận rằng: đây không phải là chuyện nghi ngờ nhau hay không mà là
nguyên tắc trong quan hệ với nhau, mang tính quốc tế, tính phổ quát. Nói đến
tính quốc tế thì cũng có hàm ý là không chỉ VN với Mỹ đâu mà còn nhiều anh to
khác, nhiều anh cả xa, cả gần cũng phải nhìn tới đấy, coi đó là tiêu chuẩn và
nguyên tắc trong quan hệ với nhau.
Cuối cùng thì các bạn Mỹ cũng tán thành chúng ta đưa điểm này vào.
Ở đây có một điểm mà người bên ngoài sẽ không mấy ai để ý. Ban đầu, đây là tuyên
bố chung giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Obama và Tổng Bí thư Nguyên
Phú Trọng. Nhưng trong quá trình đàm phán, hai bên nhất trí nâng lên thành tuyên
bố giữa hai quốc gia. Chỉ riêng chuyện này đã chứng tỏ, đây là người đại
diện cao nhất của đất nước, thay mặt quốc gia chứ không phải thay mặt Đảng. Đây
là một kết quả rất tuyệt vời của Tuyên bố chung.
Mới đây, ông đại sứ Mỹ email cho một đồng chí lãnh đạo cơ quan tôi (Ban Đối
ngoại TƯ) nói rằng Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ rất
vui mừng về tuyên bố chung, trong đó có đánh giá “your side negotiated very
skillfully” (bên ngài đã đàm phán hết sức có kỹ năng, trình độ). Tuy nhiên, tôi
phải nói rằng đây là văn bản chung, kết quả chung nên nó phản ánh cách tiếp cận,
tư duy, sự đồng tình của cả hai bên. Tính lịch sử của chuyến thăm còn nằm ở đấy
nữa.
Hội chứng Mỹ tại Việt Nam
Việt Lâm: Đúng là không có sự kiện nào ý nghĩa hơn là chuyến thăm của
Tổng Bí thư để kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ. Nhưng có không ít độc giả
thắc mắc rằng: liệu chuyến thăm này có thể diễn ra sớm hơn nữa hay không? Vì sao
phải mất đúng 20 năm mới có chuyến thăm này?
TS. Hoàng Anh Tuấn: Như lúc nãy chúng tôi vừa thống nhất, chuyến thăm của
Tổng Bí thư là đỉnh điểm của quan hệ chính trị Việt – Mỹ, tính đến thời điểm này.
Để đạt được đỉnh cao đó phải là sự hội tụ tất cả các yếu tố bên trong và bên
ngoài: quá trình tiếp xúc cấp cao, lòng tin giữa hai bên, sự thừa nhận thực tế
của chúng ta.
Tôi muốn nói thêm rằng, để đi đến quyết định như thế còn có câu chuyện nội bộ
của chính chúng ta nữa. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ, Mỹ đưa ra
lời mời từ năm 2012 nhưng chúng ta phải có một quá trình cân nhắc, trong đó có
cả yếu tố chính trị nội bộ của cả hai phía bởi thực tế là quan hệ Việt – Mỹ đã
có một lịch sử quá khó khăn. Tôi đã từng ví mối quan hệ này như hai đối tác cùng
nhảy điệu tango. Để điệu nhảy hoàn hảo thì phải có sự đồng thuận của cả hai bên.
Hai bên cùng phải đưa đẩy nhịp nhàng mới thành ra một điệu nhảy đẹp được.
Một khía cạnh nữa cũng phải tính đến là các yếu tố bên ngoài. Người Việt hay có
câu: thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Chúng ta cũng phải tính đến yếu tố bên ngoài
làm sao không cản trở, mà lại khuếch đại thêm mặt tích cực của chuyến đi này.
Như thế, câu chuyện này là từ tính toán của từng bên, môi trường bên ngoài, đánh
giá tính toán cho phù hợp. Ngoài ra cũng còn một yếu tố về mặt kỹ thuật nữa, làm
sao cũng phải xử lý mặt kỹ thuật chứ không chỉ là ý chí chính trị đơn thuần vì
ngay trong cẩm nang lễ tân của Nhà Trắng không có quy định nào về cuộc đón tiếp
như thế này.
TS Hoàng Anh Tuấn, ông Bùi Thế Giang và nhà báo Việt Lâm tại bàn tròn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Yếu tố số một là chính trị nội bộ của hai nước. Nhân diễn đàn này cho phép tôi
chia sẻ một suy nghĩ rất thật mà lâu nay nhiều người, đặc biệt là những người
làm nghiên cứu, hoạt động trong quan hệ Việt –Mỹ cũng đã nói và cũng chỉ nói một
cách không chính thức với nhau chứ không nói ra bên ngoài. Thực ra thì gần đây
cũng đã có người nói đến. Tại hội thảo quốc tế ngày 26/1 năm nay do Học viện
Ngoại giao, Đại sứ quán Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, an ninh Mỹ đồng
tổ chức, anh Lê Văn Bàng, nguyên Thứ trưởng ngoại giao, Đại sứ VN đầu tiên tại
Mỹ có nói đến hai hội chứng: một là hội chứng VN tại Mỹ và hai là hội chứng Mỹ
tại VN. Trùng hợp là ngay sau đó, trong bài phát biểu của tôi cũng nhắc tới vấn
đề này.
Khi nói đến hội chứng VN ở Mỹ thì hầu hết mọi người đều nghĩ đến chuyện mấy ông
lính Mỹ đi VN về, bị dằn vặt, bị đau khổ, bị phản ứng của xã hội, dư luận. Nhưng
người ta còn chưa nói đến mặt thứ hai là nhìn VN như một nước cộng sản đồng
nghĩa với việc chuyên chế, chuyên quyền, vi phạm nhân quyền,…
Trong khi đó, còn có hội chứng thứ hai tồn tại hàng ngày ở chúng ta mà tại sao
chúng ta lại từ chối không thừa nhận nó? Mỹ chỉ có 58.000 người chết ở VN mà họ
còn có hội chứng như vậy. Tại sao chúng ta là nạn nhân của cuộc chiến tranh hơn
20 năm, chết hàng triệu, bị thương hàng triệu, 40 năm sau chiến tranh vẫn còn
bao nhiêu hậu quả chiến tranh nặng nề. Ít nhất chúng ta có thể nói đến ba mảng
hậu quả lớn: Thứ nhất, hơn 42.000 người đã chết trong 40 năm qua do bom mìn
chiến tranh để lại, gần bằng 2/3 số lượng lính Mỹ chết trong hơn 20 năm chiến
tranh. Thứ hai, trong khi lính Mỹ mất tích chưa tìm ra dấu vết còn khoảng 2.000,
thì phía chúng ta, đến bây giờ vẫn còn khoảng 200.000 cán bộ, chiến sỹ mất tích,
theo con số chính thức của Bộ Quốc phòng. Tôi nói chuyện này với bạn bè Mỹ và
quốc tế, VN có lẽ là nước độc nhất trên thế giới có một chương trình quốc gia
thông báo thông tin dữ liệu về những người mất tích để nhân dân cả nước có được
thông tin cung cấp cho nhà nước, để tìm kiếm những đồng chí đó. Hậu quả thứ ba
là nạn nhân chất độc da cam, nói nạn nhân tức là nói con người, môi trường, đất
đai của chúng ta. Đấy là chưa nói đến cả một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh.
Nhìn chúng ta bây giờ, không ai hình dung được bốn chục năm trước như thế nào.
Hậu quả lớn như thế thì hội chứng Mỹ ở VN là chuyện bình thường. Việc trong đất
nước chúng ta, trong hệ thống chính trị, giới nghiên cứu của chúng ta mà có ý
kiến không thuận cho quan hệ Việt –Mỹ cũng là chuyện bình thường.
Nếu đặt những điều này vào bối cảnh chuyến đi mới thấy được điều mà TNS John
McCain nói: sau hai mươi năm, hai nước đã đi từ chỗ là kẻ thù của nhau, đến được
những bước như thế này là thật đáng kinh ngạc. Bởi có những nước không bị chết
nhiều người đến như thế, không bị chiến tranh tàn phá nặng nề đến như thế, hậu
qủa chiến tranh không kéo dài đến thế mà 70 năm sau chiến tranh người ta vẫn còn
găm nhau chuyện cũ. Ông McCain có nói rằng, bây giờ là vị thế tốt hơn bao giờ
hết để làm chuyện này. Nói cách khác, giờ là lúc trái của cây chúng ta vun trồng
đã chín. Đúng là không thể đúng lúc hơn.
Từ góc độ chính trị đối ngoại cũng vậy. Tháng 7/1995, có ba sự kiện thú vị: một
là bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, hai là VN gia nhập ASEAN và ba là ký Hiệp
định khung với EU. Đấy là ba sự kiện lớn tác động lâu dài tới quan hệ đối ngoại
và vị thế chúng ta. Từ trong chiến tranh bước ra sau 20 năm, chúng ta mới có
được ba sự kiện đó. Để rồi 20 năm sau, hãy nhìn vị thế hiện tại của VN trong
ASEAN, quan hệ hiện tại của ta với EU (từ chỗ ký Hiệp định khung, giờ chúng ta
đang chuẩn bị ký hiệp định thương mại tự do). Đấy là những bước rất dài.
Tôi cũng phải chia sẻ rất thật rằng, để có được chuyến đi này, chúng tôi phải
vượt qua rất nhiều trở lực. Có những người phản đối chuyến đi này rất kịch liệt
nhưng cũng có những người thúc đẩy nó một cách tinh tế. Khi tiếp Thứ trưởng
Ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman hồi năm ngoái, anh Phạm Quang Nghị có nói một ý
tôi rất thích rằng: Bà với tôi chỉ là tham mưu thôi, giỏi lắm là đến cấp bộ
nhưng chúng ta chỉ là những toa tầu. Hai cái đầu tầu có kéo thì tàu mới chạy. Bà
thứ trưởng phải tán thành với anh Nghị. Tôi xin nói là một lời bình luận không
thể đúng hơn như vậy.
- VietNamNet
(còn tiếp)