Xuất hiện trên thị trường từ 6-7 năm về trước, sản phẩm kem trộn, mỹ phẩm trộn cho đến nay vẫn được bán rộng rãi tại Việt Nam, đặc biệt là trên các kênh bán hàng online. Thậm chí, những người mới vào nghề bán kem trộn còn có riêng 1 cuốn "cẩm nang" hướng dẫn từ A-Z cực kỳ chuyên nghiệp.
Gần đây, một số trang trong cuốn "cẩm nang" này đã lần đầu được hé lộ trong hội nhóm làm đẹp hơn 800.000 thành viên trên Facebook. Theo đó, quy trình bán mỹ phẩm trộn dành cho người mới vào nghề được xây dựng rất bài bản và chuyên nghiệp không kém nội dung trong các cuốn sách về marketing.
Quy trình được chia làm 5 bước: Chiến lược thả thính (7 ngày), Xây dựng chiến lược tường bán lẻ, Xây dựng thương hiệu cá nhân, Quy trình chăm sóc khách hàng, Xây dựng group thân thiết.
Trong quy trình đầu tiên "Thả thính 7 ngày", người bán sẽ vào vai khách sử dụng thực tế, dựa vào review chân thực để tạo niềm tin cho người xem.
Quy trình thứ 2 - 3 là "Xây dựng tường bán lẻ" và "Quy trình chăm sóc khách hàng". Theo đó, trang cá nhân của người bán sẽ liên tục xuất hiện các bài đăng khoe thành quả bán hàng, ra đơn, nhiều bài đăng còn có mặt khách hàng để tăng độ uy tín.
Quy trình thứ 4 trong cuốn "cẩm nang" là "Xây dựng thương hiệu cá nhân". Tuy nhiên, trong quy trình này đã bắt đầu xuất hiện những nội dung và thuật ngữ hết sức khó hiểu như "Online: Nóng, ấm và lạnh", "Khách hàng có 30% là nổi và 70% là chìm", "Inbox bán hàng như không bán". Nếu muốn thấu hiểu hết những tầng ý nghĩa trong quy trình này, có lẽ người mới vào nghề phải kết hợp thêm việc "tầm sư học đạo" và áp dụng thực hành.
Bên cạnh nội dung khó hiểu, cả 3 quy trình còn xuất hiện những lỗi chính tả rất cơ bản trong tiếng Anh lẫn… tiếng Việt như "Grup, kheo đơn, Ofline, Coment… quy trình thứ 4 và thứ 5 cũng không thoát khỏi tình cảnh tương tự.
Một số bài đăng bán kem dưỡng trắng với mức giá "sale" hấp dẫn
Nghe có vẻ rất hấp dẫn nhưng thực tế mục đích của những chương trình khuyến mãi, ưu đãi này là… "đẩy hàng tồn". Trong thực tế, phần lớn người tiêu dùng đều đã biết rõ chiêu trò này, tuy nhiên vẫn có 1 số người "chốt đơn" vì ít hiểu biết về mỹ phẩm trộn và bị hấp dẫn bởi mức giá rẻ.
Sau khi "chốt đơn", khách hàng sẽ được người bán tận tình hướng dẫn các bước sử dụng mỹ phẩm trộn theo đúng quy trình trong "cẩm nang". Thế nhưng, nhiều cư dân mạng lại phát hiện ra các bước sử dụng lại "có gì đó sai sai".
Kết luận
Sau khi đọc hết 5 trang "cẩm nang" kể trên, có lẽ chị em đều đã lường được những rủi ro mà mình có thể gặp phải khi mua mỹ phẩm trộn trôi nổi trên thị trường. Để bảo vệ bản thân trước những mối nguy "hàng tồn", "skincare sai quy trình", chị em nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ da liễu trước khi tìm mua sản phẩm dưỡng da.
Bên cạnh đó, chị em có thể tìm mua sản phẩm của các thương hiệu đã được kiểm định về chất lượng, có cửa hàng chính hãng ở Việt Nam và giá cả ở phân khúc bình dân.
Theo Pháp luật & Bạn đọc/ GĐ&XH