Các nhà khoa học cũng là con người! Ngoài nghiên cứu và cống hiến cho khoa học, họ cũng có một đời sống riêng tư phức tạp, đầy rẫy các ham muốn, mâu thuẫn và đôi khi cả những bê bối. Hãy cùng tạp chí Discovery điểm qua một số trường hợp tiêu biểu nhất.

Albert Einstein

Mái tóc độc nhất vô nhị không phải là điều lạ duy nhất về Albert Einstein. Nhà vật lý xuất chúng còn có vô số người tình trong suốt 2 cuộc hôn nhân chính thức của mình.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của Einstein vô cùng đau khổ. Ông và vợ - Mileva Marić - thậm chí đã lập một giao kèo, khiến người vợ không hơn gì một cô giúp việc với những điều khoản cay nghiệt do chính Einstein đặt ra như “Em sẽ phải từ bỏ tất cả quan hệ cá nhân với tôi trong chừng mực mà chúng không hoàn toàn cần thiết vì các lí do xã hội … Em sẽ ngưng nói chuyện với tôi nếu tôi yêu cầu điều đó”.

Sau kết cục ly hôn không thể tránh khỏi, Einstein cưới em họ là Elsa Lowenthal, người ông từng chung đụng xác thịt từ khi còn sống với bà vợ đầu tiên. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân thứ hai cũng không ghìm cương được con ngựa bất kham. Trong các lá thư gửi cho vợ, Einstein đã đề cập tới 6 cô nhân tình. Ít nhất, ông cũng trung thực về các quan hệ “ngoài luồng”.

Erwin Schrödinger


Bạn có thể đã nghe nói nhiều về giả thuyết con mèo của Erwin Shrödinger, trong đó ông đề xuất thí nghiệm tưởng tượng một con mèo có thể sống hoặc chết nhờ vào sự phân rã ngẫu nhiên của một hạt nguyên tử. Tuy nhiên, ít người biết rằng nhà vật lý người Áo này đã “qua đêm” với vô số người tình. Vợ của ông – Anny – biết tất cả những chuyện đó. Bản thân bà cũng ngoại tình.

Schrödinger còn tiến xa hơn khi thuê Arthur March làm trợ lý phòng thí nghiệm để lấy lòng và cũng thuận tiện cho quan hệ bất chính với vợ của March – cô Hilde. Sau này, cô Hilde đã sinh cho ông một đứa con dù vẫn còn ràng buộc hôn nhân với March. “Hậu cung 2 bà” rốt cuộc đã cướp đi của Shrödinger sự thăng tiến tại Oxford, vì ý tưởng về một nhà vật lý đa thê không được nền văn hóa của ông chấp nhận vào thời điểm đó.

Richard Feynman


So với các nhà vật lý nổi tiếng khác, Richard Feynman là một con mọt sách điển hình. Ông yêu các con số nhiều đến mức bà vợ thứ hai coi chúng là tình nhân của ông. Không vị tha với “người tình” của chồng như các bà vợ của Einstein and Schrödinger, người vợ thứ hai đã ly hôn với Feynman vì tình yêu cũng như sự đam mê của ông dành cho các phép tính.

Vợ đầu tiên của Feynman chết vì bệnh lao năm 1945. Nhưng đến lần kết hôn thứ ba, may mắn đã mỉm cười với nhà khoa học này. Ông cưới Gweneth Howarth và sống hạnh phúc trọn vẹn với bà tại căn nhà bên bờ biển mà ông đã dùng tiền thưởng giải Nobel năm 1965 để mua.

Marie Curie


Nổi tiếng vì những nghiên cứu tiên phong về phóng xạ, đời sống riêng tư của Marie Curie cũng mâu thuẫn, bi kịch và tai tiếng như lịch sử ngành năng lượng mà bà dày công nghiên cứu.

Chồng của bà, nhà khoa học người Pháp Pierre Curie, bị trượt ngã trên một con đường ở Paris trong trận bão và thiệt mạng sau khi bị một xe ngựa kéo nghiến qua cơ thể. Trái tim tan vỡ, quả phụ Curie vùi mình vào công việc hòng quên đi nỗi đau. Cho mãi tới năm 1910, bà Curie mới tìm được niềm an ủi trong vòng tay Paul Langevin – một học sinh cũ của người chồng quá cố. Tuy nhiên, Langevin đã có gia đình và kém bà Curie 5 tuổi. Mối quan hệ của họ đã làm “chướng tai gai mắt” người Pháp và cổ xúy cho sự bài ngoại chống bà Curie, người gốc Ba Lan.

Stephen Hawking


Trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70, Stephen Hawking phát biểu rằng, đối với ông, phụ nữ “hoàn toàn là bí ẩn”. Ông Hawking đã ly hôn Jane Wilde, người vợ từng chung sống suốt 25 năm, và cưới một trong những người y tá chăm sóc ông. Để kết hôn với Hawking, y tá của ông - Elaine Mason - đã ly dị chồng, người thiết kế cỗ máy nói nổi tiếng cho Hawking. Tuy nhiên, một số cựu y tá của Hawking cáo buộc, về sau Mason đã ngược đãi và thao túng thiên tài ngồi trên xe lăn về mặt tinh thần.

Năm 2006, Hawking chia tay Mason và bắt đầu hòa giải với các con với người vợ đầu tiên.

Alfred Charles Kinsey


Alfred Charles Kinsey từng đối mặt với các cáo buộc rằng ông đã tiến hành nghiên cứu hoạt động tình dục của con người nhằm thỏa mãn tính lập dị cá nhân. Tuy nhiên, ông cũng được ca ngợi vì đã đưa tình dục trở thành một vấn đề thảo luận chính thống, đồng thời đưa việc nghiên cứu sự đồng tính luyến ái ra khỏi bóng tối.

Chắc chắn, tại tư dinh của mình, Kinsey đã quay lại một số cảnh “mấy mưa” của bản thân với các cộng sự nghiên cứu. Và ông đã khuyến khích những người làm việc cho mình tham gia các thử nghiệm chung đụng xác thịt nhằm giành được sự tin tưởng của các đối tượng nghiên cứu cũng như hiểu hơn về chủ đề mà họ theo đuổi.

Dẫu vậy, công việc của Kinsey cũng giúp biến một trong những khía cạnh cơ bản nhất về sinh vật học con người trở thành một lĩnh vực nghiên cứu được chú trọng. Các báo cáo mang tính đột phá của Kinsey đã đồng hành cùng nước Mỹ tiến vào cuộc cách mạng giải phóng tình dục trong những năm 1960.

Tuấn Anh