Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về chất liệu của ngành công nghiệp thời trang, người ta đã thành lập rất nhiều cơ sở giết mổ rắn lấy da ở khắp nơi trên thế giới. Một trong những lò mổ đặc biệt như vậy đang tồn tại ở làng Cirebon, Indonesia.
Lò mổ rắn ở Cirebon trông tuềnh toàng với quy mô nhỏ, nhưng mỗi ngày, các công nhân tại đây giết mổ và lột da tới hàng ngàn con rắn. Các đống rắn nằm chồng chất dưới sàn nhà và được chia thành nhiều giai đoạn xử lý khác nhau.
Hiện ở Indonesia đang thịnh hành rất nhiều phương pháp giết và lột da rắn. Tuy nhiên, phương pháp phổ biến nhất được nhiều người mô tả là vô cùng tàn bạo và cổ xưa.
Trước tiên, người thợ sẽ dùng cán dao rựa đập mạnh vào đầu rắn cho đến khi nó ngất choáng, rồi khéo léo buộc một ống vòi giữa hai hàm của nó.
Tiếp đến, người thợ sẽ bơm nước vào bên trong cho đến khi cơ thể con rắn sưng phồng lên như một quả bóng.
Người ta sẽ để con rắn trong tình trạng như vậy khoảng 10 phút hoặc lâu hơn, với một sợi dây da buộc quanh cổ của nó để ngăn chặn chất lỏng thoát ra ngoài. Sau đó, người thợ dùng một cái móc thịt đâm xuyên đầu rắn và thực hiện vài vết rạch nhanh chóng. Lớp da rắn lúc này sẽ xốp lên và người thợ sẽ thực hiện hàng loạt động tác lột da rắn, gần giống cách chúng ta lột một chiếc găng tay cao su ra khỏi tay.
Do hình dạng của rắn, lớp da sẽ cuộn tự nhiên khi được đặt trên một tấm ván và được đưa vào lò nóng để sấy khô. Da rắn cũng được nhuộm theo phong cách và hình dạng của túi, ví hay món phụ kiện thời trang nào được đặt hàng trước, rồi để phơi khô dưới nắng trên một tấm ván. Cuối cùng, da rắn sẽ được chuyển đến một xưởng thuộc da.
Trong khi đó, cơ thể rắn đã bị lột da sẽ bị xếp đống dưới sàn. Sau 1 - 2 ngày trong tình trạng "khỏa thân" đau đớn, con rắn sẽ chết vì tổn thương hoặc mất nước. Tuy nhiên, phần thịt của nó sẽ không bị lãng phí vì người ta sẽ sử dụng nó để chế thành vị thuốc trị các bệnh về da, hen suyễn và tạo thành món "bổ thận, tráng dương" cho cánh mày râu.
Tại Indonesia, giá mỗi chiếc túi làm từ da rắn hiện có giá từ 150.000 rupiah (15 USD) tới 300.000 rupiah (30 USD), tùy thuộc vào kích cỡ. Dẫu vậy, khi số da rắn tới tay các hãng thiết kế thời trang ở phương Tây, giá thành của chúng đội lên đáng kể, lên tới 4.000 USD/túi.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)