Các nhà nghiên cứu địa chấn Nhật Bản ngày 9/1 tuyên bố họ đã phát hiện ra manh mối lý giải nguyên nhân gây ra trận động đất lịch sử tại nước này hồi tháng 3/2011, làm hơn 19.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa.

Dựa vào các mô phỏng trên máy tính, hai nhà khoa học Hiroyuki Noda thuộc Cơ quan Công nghệ và khoa học Hàng hải - Trái Đất Nhật Bản và Nadia Lapusta thuộc Viện Công nghệ California (Mỹ) đã nghiên cứu các dữ liệu của trận động đất và phát hiện ra những biến đổi mới trong cơ chế gây ra các trận động đất mạnh.

Cảnh tan hoang sau thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3/2011 ở Nhật Bản. Nguồn: Internet.

Theo các nhà nghiên cứu, trận động đất mạnh 9 độ Richter gây sóng thần tại vùng Đông Bắc Nhật Bản, xảy ra trong khu vực được gọi là "Rãnh Nhật" (Japan Trench), nơi mà mảng địa tầng Thái Bình Dương nằm dưới mảng địa tầng Okhotsk, đúng vị trí quần đảo Nhật Bản.

Tâm động đất nằm cách Sendai thuộc đảo Honshu khoảng 200 km về phía Đông, vốn là tâm điểm của khu vực địa lý hình thoi ở đáy đại dương. Điều đặc biệt là từ trước tới nay "Rãnh Nhật Bản" luôn được cho là khu vực địa lý ổn định vì nó chỉ là một phân đoạn đứt gãy từ từ, có nghĩa là bất kỳ chuyển động nào của địa tầng này đều bình ổn và nhẹ nhàng.

Về mặt lý thuyết, sự chuyển động ổn định này sẽ ngăn việc tạo ra điểm đứt gãy lớn. Tuy nhiên, hai nhà khoa học trên đã chứng minh rằng phân đoạn đứt gãy này đã trải qua một thời gian dài và trên thực tế sức chịu đựng của nó đang yếu dần khi một phân đoạn đứt gãy khác xuất hiện. Trong khi đó, các chất lỏng nóng chảy ở các tầng địa chất rò rỉ qua chỗ đứt gãy này sẽ tạo ra cơ chế bôi trơn, giúp đẩy nhanh tiến trình đứt gãy.

Hai nhà khoa học cho rằng cơ chế này chính là nguyên nhân gây ra các trận động đất cường độ mạnh chưa từng thấy, dù địa tầng tại những khu vực này vốn luôn bình ổn. Hiện nay, những phân đoạn đứt gãy từ từ vẫn được xem là yếu tố cản trở sự đứt gãy lớn gây ra các trận động đất nguy hiểm khó dự đoán.

Những phát hiện mới này cũng phần nào lý giải cho nguy cơ đứt gãy ở San Andreas, khu vực nằm dưới bờ biển California của Mỹ, nơi được đánh giá là địa tầng có các phân đoạn đứt gãy ổn định. Phát hiện cũng đưa ra những cảnh báo cũng như chiến lược kiểm soát động đất không chỉ ở Nhật Bản mà còn đối với nhiều địa điểm trên toàn thế giới.

Theo TTXVN/Tintuc