Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Ban Công nghệ FPT cho biết tại lễ công bố cuộc thi giải Toán, Vật lí trên Internet - ViOlympic năm học 2017 - 2018 diễn ra chiều qua, ngày 6/2/2018 tại Hà Nội.

Năm học 2017 - 2018 là năm thứ 10 cuộc thi ViOlympic được tổ chức. Với cuộc thi này, FPT kỳ vọng tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh cho học sinh, rút ngắn khoảng cách vùng miền, đồng thời góp phần tạo dựng một nền tảng kiến thức và kỹ năng cho học sinh Việt Nam sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong phát biểu tại buổi lễ, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc đã nhấn mạnh, FPT luôn ủng hộ các sáng kiến ứng dụng công nghệ vào giáo dục và ViOlympic là một trong các sáng kiến đó. Trong suốt 9 năm qua, cuộc thi ViOlympic đã trở thành một sân chơi hấp dẫn và bổ ích cho hàng triệu các học sinh các cấp. “Trong bối cảnh cuộc cách mạng lần thứ 4, Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ cho toán học, giúp các bạn trẻ nhanh chóng tiếp cận máy tính, Internet để sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng này. FPT sẵn sàng đầu tư để ViOlympic toàn diện hơn nữa về công nghệ và nội dung, góp phần tạo dựng nền tảng kiến thức, kỹ năng cho học sinh Việt Nam”, ông Ngọc chia sẻ.

Theo Phó Ban Công nghệ FPT Nguyễn Ngọc Minh, ViOlympic là hệ thống thi trực tuyến cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 với các học Toán, Toán tiếng Anh và Vật lí. Qua gần 10 năm ViOlympic được tổ chức, hệ thống có khoảng 28 triệu tài khoản với hơn 30.000 trường trên toàn quốc. Riêng với năm học 2017 - 2018, đến thời điểm hiện tại, hệ thống ViOlympic có khoảng 2 triệu tài khoản đang dự thi.

“Trong 10 năm phát triển, hệ thống của ViOlympic đã nhiều lần được nâng cấp, tuy nhiên nền tảng công nghệ cũ của hệ thống ASP NET webforms mà ViOlympic sử dụng gặp phải một số vấn đề về bảo mật; tính ổn định; không có khả năng mở rộng và cũng chưa được ứng dụng những công nghệ mới… Giáo dục là vấn đề lãnh đạo FPT rất quan tâm. Vì vậy, từ tháng 5/2017, ViOlympic được chuyển từ Đại học FPT về Ban Công nghệ FPT. Cũng trong năm 2017, FPT đã thực hiện kiến trúc lại toàn bộ hệ thống, dùng các công nghệ open source hiện đại nhất phù hợp với xu hướng công nghệ mới và kế hoạch phát triển, mở rộng của ViOlympic”, ông Minh nói.

Cũng theo đại diện Ban Công nghệ FPT, trong vòng 6 tháng, đội kỹ thuật thực hiện dự án ViOlympic đã làm ngày làm đêm để xây dựng lại toàn bộ hệ thống ViOlympic dựa trên những công nghệ mới, hiện đại nhất đang được Facebook, Instagram, Airbnb sử dụng, như: ReactJS, kiến trúc Flux (Client side), GraphQL (API), NotesJS/Express (Sever side), MongoDB, Redis (Database).

Việc ứng dụng những công nghệ mới này không những giúp cho hệ thống ViOlympic ổn định, tương tác nhanh hơn mà còn giải quyết được vấn đề bảo mật. Khác với trước đây, kết quả thi được lưu ở Client site nên đã xảy ra trường hợp người dùng hack; còn hiện nay toàn bộ kết quả thi, lịch sử thi cũng như toàn bộ hoạt động của thí sinh đều được lưu ở Server Side. “Đến thời điểm này, hầu như không còn hiện tượng các thí sinh hack hệ thống, hệ thống chạy khá ổn định”, đại diện Ban Công nghệ FPT chia sẻ.

Ngoài những tính năng như ổn định, tương tác nhanh hơn, hệ thống ViOlympic mới còn tích hợp, quản lý tập trung các môn học trên cùng một domainn ViOlympic.vn, thay vì mỗi môn thi được quản lý trên một domain khác nhau gây khó khăn cho người dùng như trước đây (toan.violympic.vn; vatli.violympic.vn và math.violympic.vn). Hiện nay, thí sinh chỉ cần 1 tài khoản duy nhất để truy cập hệ thống.

Một cải tiến quan trọng nữa mà đội phát triển dự án ViOlympic đã thực hiện, đó là ngoài phần cho giáo viên, học sinh, hệ thống còn có phần cho đội ngũ cung cấp đề thi. Đại diện Ban Công nghệ FPT lý giải thêm: “Trước đây tất cả mọi người đều dùng trên desktop để nhập đề thi nên việc nhập đề rất mất thời gian, số lượng đề hạn chế. Nhưng hiện nay, toàn bộ phần phía sau admin hệ thống hiện tại đều được làm trên web, vì thế toàn bộ kho đề, các câu hỏi thi được lưu giữ tại đây, mọi cộng tác viên đều có thể lên trang web để cung cấp thêm nội dung. Vì thế, càng ngày sẽ càng có kho nội dung lớn hơn, việc xã hội hóa nội dung cũng dễ dàng hơn thông qua trang web này”.

Theo kế hoạch, năm 2018, một trong những việc đầu tiên sẽ được FPT triển khai là xây dựng những mobile app cho máy tính bảng và điện thoại. Bởi lẽ, theo lý giải của đại diện Ban Công nghệ FPT, trong thời đại “mobile first” hiện nay, khi mà học sinh ở nhiều trường học đã có iPad để dùng, việc không có app máy tính bảng và điện thoại là một thiếu sót, hạn chế.

Bên cạnh đó, cũng trong năm nay, FPT cũng sẽ ứng dụng công nghệ Chatbot cho những câu hỏi đơn giản, thông thường. “Thời điểm hiện tại, ViOlympic đang dùng một lượng cộng tác viên để trả lời cho thí sinh những câu hỏi cơ bản như: Kỳ thi diễn ra bao giờ? Hiện đang đến vòng thi thứ mấy? Những quy định của kỳ thi?…. Nhưng tới đây, việc giải đáp những thắc mắc này sẽ được ứng dụng qua chatbot”, đại diện FPT giải thích thêm.

Ngoài ra, năm nay FPT cũng dự định ứng dụng Text to Speech để nhắc lịch, đọc tin…; đồng thời ứng dụng Big Data, Machine Learning để phục vụ cá nhân hóa việc học ở mức đơn giản. Theo đó, mỗi thí sinh tham gia ViOlympic sẽ được cung cấp những dạng bài phù hợp nhất với năng lực và kiến thức thực tế. Điều này sẽ giúp học sinh phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu một cách nhanh nhất.

Trong năm 2019, sẽ triển khai ứng dụng các phương pháp truyền tải hiện đại, thú vị hơn cho học sinh như Amination, Video, Gamiffication; Chatbot cho các câu hỏi tư vấn; ứng dụng nhận diện hình ảnh trong việc nhận diện văn bản; tổng đài tự động trong việc trả lời đơn giản qua điện thoại… Và dự kiến, đến năm 2020, dự án ViOlympic sẽ triển khai ứng dụng các công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) cho các môn học như Địa lí, Lịch sử, Vật lí, Hóa học nhằm góp phần tạo ra hình thức thi trực quan sinh động, truyền tải nội dung hiện đại, thú vị hơn cho học sinh…