Tại Đắk Nông: Khoảng 11h ngày 31/7 đến 1h ngày 1/8, người dân bon Bu Krắk, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) bất ngờ nghe thấy 2 tiếng nổ lớn từ lòng đất. Đến sáng ngày 1/8, người dân phát hiện vết nứt dài 200m trong khu dân cư.

Vết nứt tại xã Quảng Trực ban đầu rất nhỏ

Đến ngày 5/8, cơ quan chức năng huyện Tuy Đức phát hiện vết nứt đã rộng ra và dài thêm hơn 1,5km. Huyện Tuy Đức này vẫn đang tiếp tục theo dõi để nắm tình hình, đồng thời di dời hàng chục hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sau ngày 1/8, những vết nứt trên bề mặt đất tại xã Quảng Trực ngày càng rộng và dài hơn

Cũng trong ngày 2/8, người dân địa phương và chính quyền phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa bất ngờ phát hiện vết nứt dài khoảng 10m, rộng từ 5-10cm trên Quốc lộ 14.

Ngay sau đó Chủ đầu từ BOT Đức Long Gia Lai đã cho trám bê tông lại. Tuy nhiên, hiện tại vết nứt đã rộng ra và gây sụt lún làm giao thông bị chia cắt hoàn toàn 1 làn đường.

Vết nứt làm đứt đôi 1 làn đường ở Quốc lộ 14. Ảnh: HT

Hiện vết nứt này ngày càng rộng ra, thậm chí gây sụt lún làm đứt đôi 1 làn đường trên Quốc lộ 14, gây ách tắc giao thông.

Quốc lộ 14 bị sụt lún có đoạn từ 2-3m

Cũng trong ngày 2/8, người dân hai xã Nam Bình và Trường Xuân (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) bất ngờ phát hiện một số vết nứt kéo dài trong khu vực rẫy của nhiều hộ dân. Đến ngày 5/8, những vết nứt này không còn phát triển thêm.

Các vết nứt tại huyện Đắk Song không còn phát triển thêm. Ảnh: CTV

Đến ngày 3/8, người dân và chính quyền huyện Đắk G'long tiếp tục phát hiện các vết nứt xung quanh và trên bờ tràn hồ thủy lợi Đắk N'ting (xã Quảng Sơn).

Thân đập hồ thủy lợi Đắk N'ting đã xuất hiện những vết nứt

Huyện Đắk G'long đã di dời hàng chục hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện những vết nứt này đã rộng ra rất nhiều và chủ yếu nằm ở khu vực thân đập và ở rẫy của các nhà dân xung quanh.

Những vết nứt xung quanh hồ thủy lợi Đắk N'ting ngày càng rộng ra

Tại Đắk Lắk: Ngày 3/8, cơ quan chức năng phát hiện tuyến đường tránh trung tâm thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H’leo) bị sạt lở nghiêm trọng dẫn đến lún nền đường cục bộ với chiều dài khoảng 20-25m.

Đường tránh Ea H'leo bị nứt toác nhưng khưa lan rộng thêm. Ảnh. Hải Dương

Đến nay, hiện tượng sụt lún ở khu vực này tạm dừng lại, cơ quan chức đang khẩn trương khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. 

Sau khi phát hiện vụ sạt lở, cơ quan chức năng đã nhanh chóng cắm biển cảnh báo, đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả. Ảnh: NH

Tại Lâm Đồng: Chiều 30/7, một khối lượng lớn đất đá trên đồi trồng sầu riêng ở trị trấn Đạ M’Ri (huyện Đạ Huoai) bị sạt lở, đổ ập xuống chốt CSGT đèo Bảo Lộc.

Toàn cảnh sạt lở tại đèo Bảo Lộc khiến 3 chiến sĩ CSGT hy sinh và 1 người dân tử vong

Vụ sạt lở đã vùi lấp 3 chiến sĩ CSGT cùng 1 người dân đang hỗ trợ di chuyển máy móc và trang thiết bị. Đến 12h ngày 31/7, thi thể thứ 4 được tìm thấy.

Theo ghi nhận, hiện tại khu vực đèo Bảo Lộc đã không còn hiện tượng sạt lở đất. Hiện trường đã được cơ quan chức năng dọn dẹp.

Lực lượng chức năng dầm mình trong mưa khắc phục hậu quả vụ sạt lở đèo Bảo Lộc

Theo cơ quan chức năng của 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông, việc sạt lở, nứt lún đất diễn ra trong thời gian vừa qua một phần do lượng mưa quá lớn và kéo dài.

Hiện các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông đang tiếp tục theo dõi, khắc phục hậu quả, đồng thời giao cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân các vụ nứt đất, sụt lún nghiêm trọng nói trên.