Người đàn ông mù ấy đã cứu hàng trăm mạng người đi biển, bởi vậy có người gọi anh là “Hiệp sĩ của biển Đông”. Hiện anh vẫn là người dẫn dắt cho ngư phủ ra khơi vào lộng bằng chiếc Icom tự mình sắm.

Đấy là anh Nguyễn Văn Mỵ, người làng vẫn gọi Mỵ mù ở thôn Xuân Hoà (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) đã cứu hàng ngàn mạng người đi biển. Cái tên của anh được báo chí nhắc rất nhiều, nhưng trong lúc này đây không thể kể đến tên anh đã giúp hàng trăm ngàn lượt ngư dân bám biển. Hiện anh vẫn sống trong ám ảnh nghèo khó, nhưng vẫn là người dẫn dắt cho ngư phủ làng anh ra khơi vào lộng bằng chiếc Icom tự mình sắm.

Vay tiền xoá đói mua Icom cứu ngư dân


Anh Mỵ bên đài canh của mình, gia đình nghèo khó nhưng anh vẫn canh đài cho ngư dân làng anh bám biển.


Vừa mới vào ngôi nhà nhỏ bên triền cát biển Đông, tôi đã nghe anh Mỵ nói trên Icom: “Đài biển Mỵ mù gọi tàu 39, ả mẹt (vợ) của eng (anh) Tiến đẻ rồi, thằng cu (bé trai), ba cân. Nghe rọ (rõ) không?”. Đầu bên kia (tàu 39) đáp: “Nghe rọ. Thằng Tiến đang kéo lái, tí nữa báo cho hắn, rứa trong làng có chi mới không?”. Anh Mỵ đáp: “Không. Có chi thông báo”. Tàu 39: “Thời tiết mấy ngày tới ra răng (ra sao) eng?”, đài anh Mỵ: “Trời quang mây tạnh, đài báo không mưa, tốt lắm, tốt lắm”…

Anh Mỵ ở làng Xuân Hoà vốn mù bẩm sinh. Lớn lên quay quắt với lối mòn trên cát. Thấy ngư dân trong làng đi biển, bao phen sóng vùi gió dập. Anh nghĩ, phải làm chi đó để dân làng bớt khổ. Nhà nghèo, kiếm ăn chật vật như tìm nước trên cát. Nghĩ mãi, anh biết người làng có máy Incom trên tàu làm liên lạc trê biển, nhưng trong làng chẳng ai sắm Icom để liên lạc với thuyền đi biển. Vắt tay lên trán, anh Mỵ nghĩ, phải vay tiền.

Anh nói vợ dắt tay vượt cả chục cây số đường bộ, lên trụ sở xã xin vay tiền xoá đói giảm nghèo. Vay được 5 triệu, lúc đó vào năm 1994, anh đập vào mua máy Icom. Cả nhà cứ tưởng anh về làm việc lớn, để vợ con hết nghèo.

Anh Mỵ nói rằng vợ con lúc ấy khóc lóc, trách móc anh nhiều vì "nhà không có gạo ăn mà còn làm chuyện bao đồng". Xóm làng cũng lắm người đem câu chuyện của anh để làm chuyện cười tếu.

Giúp đuổi tàu Trung Quốc

Có khi, anh còn nhận tin từ các ngư dân trên biển rằng có tàu đánh cá của Trung Quốc, anh báo với bộ đội biên phòng ra đẩy đuổi. Anh nói: “Nhiều tàu ngư dân báo với tôi có tàu đánh cá Trung Quốc vô bắt trộm trong biển ta là tôi báo ngay cho cơ chức năng ra đuổi”.

Và thời gian cứ thế trôi đi, anh Mỵ mỗi ngày ngồi trước máy Icom, canh trực 24/24, thông báo tình hình thời tiết cho hơn 200 tàu thuyền của làng ra biển. Khi công việc thông suốt trên tần số B40Hz, đài canh anh Mỵ mù lan sang xã khác, lan rộng ra các vùng biển Quảng Bình. Lan rộng ra cả các tàu cá của ngư dân Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định về Quảng Bình đánh cá. Mỗi lần mùa gió biển động, anh Mỵ trực thâu đêm.

Tàu của ngư dân Quảng Ngãi, ra gặp gió chướng bất ngờ, chìm trước cửa Gianh mấy cây số, cũng gọi anh Mỵ, 20 thuyền viên được cứu cũng tìm đến nhà anh trả ơn bằng cá bắt lên từ biển Đông. Người làng biển Xuân Hoà, mỗi chuyến ra khơi vào lộng đều lấy ra ít cá biếu anh Mỵ để vợ con có cơm ăn.

Đã 17 năm, người mù làng biển Nguyễn Xuân Mỵ canh trực bên đài Incom thông báo gió mùa đông bắc, tin bão gần, xa. Anh thu thập thông tin từ đài tiếng nói Việt Nam và đài duyên hải để cập nhật từng giờ. Hàng trăm ngàn lượt thuyền viên được anh cung cấp thông tin.

Phận đời trên cát bỏng

Cái việc của người mù làng cát như anh Mỵ được ngư dân biển Đông mang ơn, rồi anh được Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi thư khen. Anh cũng là người duy nhất ra Hà Nội cùng đôi dép tông mòn vẹt, lên bục Vinh quang Việt Nam nhận phần thưởng cao quý. Có đi đâu, anh cũng muốn mau về làng cát nhỏ bé để trực canh bên đài.

Cuộc sống của người mù Nguyễn Xuân Mỵ nghèo lắm, ngôi nhà nhỏ cho sáu nhân khẩu ra vào. Vợ anh mỗi ngày ngoài nhận cá từ người làng cho thì đi bán, bán hết lại ra các bến cá đi từng thuyền một xin thêm để kiếm thêm ít gạo lẻ về nuôi chồng con. Mùa hè chị gắng xin nhiều hơn để tích trữ mùa đông, nhưng đa số là không đủ.

Số phận như trớ trêu với người "hiệp sĩ" biển Đông. Anh có ba người con, sinh ra bụ bẫm, chúng lớn lên bình thường, nhưng đến lúc ba tuổi lại bị câm điếc. Chúng nói năng chẳng tròn tiếng. Ba đứa con gái lớn lên, cũng phổng phao. Thế rồi đứa con lớn bị người ta lừa để rồi có thai.

Cháu của anh Mỵ được sinh ra, khó càng thêm khó. Anh Mỵ vẫn hy vọng, đứa cháu ngoại của anh không như mẹ nó. Nhưng nay cháu đã 6 tuổi, ban đêm nhìn chẳng thấy gì, nhìn gần đèn điện cũng chẳng thấy, ban ngày nhìn vào một điểm nhất định là loá mắt. Đi khám nhiều nơi, bệnh tình không giảm, nay cháu phải về nhà, chỉ biết quấn quýt bên anh Mỵ cạnh đài canh Icom.

“Số phận rồi, nhà tui sinh ra trên cát thì chấp nhận số phận nhỏ nhoi như cát”. Anh xót lòng nói vậy với tôi. Nhưng vẫn cười mạnh mẽ mỗi lần đài Icom nhận sóng hỏi tin thời tiết.

Trời chiều xuống bóng, đài Icom rọt rẹt tiếng sóng của ngư dân vượt muôn trùng nước biếc về với cát làng bên bờ biển Đông, anh Mỵ vẫn nghe, giọng nói chắc nịch, mạnh mẽ. Nhưng không ai ngờ, trong vò gạo nhà anh, gạo đã cạn, vợ và con gái anh lo ngày mai phải kiếm cá nhiều hơn chút đỉnh để mua thêm nhiều gạo.

Đứa cháu ngoại của anh, sống trong thời buổi này vẫn mơ đến bữa cơm có thịt kho, tết hay ngày lễ trọng, cháu vẫn mơ có bộ áo quần mới, nhưng nhà anh nghèo lắm, nghèo như tìm nước trên cát, nghèo không đủ sống.

Ông Phạm Quang Cảnh, Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Xuân nói: “Anh Mỵ là người mù nhưng giúp rất nhiều cho ngư dân địa phương và ngư dân các vùng đánh bắt trên biển. Hầu như hễ là người biển trong vùng, không nhà nào không mang ơn anh Mỵ. Tình cảm đó người dân giữ mãi trong lòng.

(Theo SGTT)