Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng.
Bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi rõ rệt, kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư xây dựng, kinh tế - xã hội ở nông thôn từng bước phát triển khá toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Qua đó đã tạo được niềm tin sâu rộng đối với các tầng lớp nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn cho biết, toàn tỉnh đã mở mới hơn 58km đường giao thông nông thôn... Trong đó, nhân dân tham gia đóng góp kinh phí bằng tiền mặt, hiến đất đạt trên 46 tỷ đồng. Đến nay, có 93/181 xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Về tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai, đã thực hiện sửa chữa, nâng cấp 36 công trình, củng cố năng lực tưới cho 240ha đất sản xuất nông nghiệp; có 172/181 xã đạt tiêu chí này.
Hệ thống điện nông thôn cũng tiếp tục được tăng cường đầu tư bằng các nguồn vốn, đã có 158/181 xã đạt tiêu chí.
Tỉnh cũng bố trí phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện là 184.539 triệu đồng để tập trung cho các xã phấn đấu đạt chuẩn, thực hiện 110 công trình đầu tư cơ sở vật chất trường học.
Tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao trên địa bàn. Trong 3 năm từ 2021 - 2023, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ 75.085 triệu đồng, thực hiện xã hội hóa 3.783 triệu đồng.
Trong đó vốn từ nhân dân để đầu tư xây dựng 23 nhà văn hóa, 10 sân tập thể thao xã, xây mới 35 nhà văn hóa, cải tạo sửa chữa 45 nhà văn hóa thôn trên địa bàn tỉnh.
Nắm rõ hạ tầng viễn thông, thông tin đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng, đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 1.344 vị trí với 3.197 trạm (853 trạm 2G; 1.216 trạm 3G và 1.128 trạm 4G). Lạng Sơn đã xóa trắng sóng được 46/128 thôn/bản, xóa lõm sóng được 45/140 thôn/bản.
Tỉnh cũng tiến hành khảo sát thiết lập mới và nâng cấp đài truyền thanh xã. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 157 xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn.
Trong năm 2023, UBND tỉnh phân bổ 20.000 triệu đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH để đầu tư mới 5 trạm y tế, sửa chữa, nâng cấp 3 trạm y tế trên địa bàn 2 huyện Chi Lăng và Tràng Định.
Đối với cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hệ thống chợ nông thôn.
Trong 3 năm 2021-2023 đã bố trí vốn cho 7 xã có quy hoạch chợ nông thôn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa để hoàn thành tiêu chí; hỗ trợ 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay toàn tỉnh có 338 hợp tác xã. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho 94 sản phẩm. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị, phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về giống và quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các cây trồng vật nuôi chủ lực, đặc sản có thế mạnh của địa phương, các giống cây trồng, vật nuôi mới, có lợi thế cạnh tranh.