W-Tây Ninh, Chăm.jpg

Xác định tầm quan trọng của công tác giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng trong vùng đồng bào DTTS, Hội Phụ nữ xã Suối Dây (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã xây dựng mô hình "Tổ phụ nữ không bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc" nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình trong cộng đồng Chăm, góp phần cải thiện đời sống về mọi mặt.

W-Tây Ninh, Chăm 2.jpg

Mô hình "Tổ phụ nữ không bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc" được thành lập vào ngày 29/4/2020, với 15 thành viên là hội viên phụ nữ trong xã. Mục tiêu chính là nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Chăm nói chung và hội viên Hội phụ nữ xã Suối Dây nói riêng về luật bình đẳng giới, luật hôn nhân gia đình cũng như các hành vi cần tránh trong hôn nhân gia đình. 

W-Tây Ninh, Chăm 4.jpg

Thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, đồng bào Chăm được tiếp cận các quy định pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, các thành viên trong tổ luôn bám sát các gia đình trò chuyện, động viên, nắm bắt tâm tư tình cảm của người dân, kịp thời phát hiện giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, cộng đồng, không để xảy ra bạo lực gia đình. 

W-Tây Ninh, Chăm 3.jpg

Không chỉ vậy, nhờ kết nối liên lạc, chia sẻ thông tin qua hội nhóm chung trên nền tảng mạng xã hội, các chị em có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng chống dịch bệnh cũng như tham gia vào các hoạt động của xã, huyện.

W-Tây Ninh, Chăm 17.jpg

Bên cạnh việc thực hiện tốt các mô hình nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình của đồng bào DTTS, xã Suối Dây, huyện Tân Châu cũng quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Hội phụ nữ xã được giao làm lực lượng nòng cốt, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành liên quan thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Chăm, phát huy vai trò của trưởng ấp và những người có uy tín trong cộng đồng và vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

W-Tây Ninh, Chăm 11.jpg

Hơn 10 năm tham gia công tác tuyên truyền tại ấp Tâm, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Chăm, chị Sa Ty Giá (người có uy tín tại địa phương) đã đi sâu vào từng hộ gia đình, kịp thời phát hiện và hoà giải nhiều mâu thuẫn, không để xảy ra bạo lực gia đình, là cầu nối uy tín được chị em phụ nữ tin tưởng.

W-Tây Ninh, Chăm 7.jpg

Chị Giá kể: "Trước đây, do chưa đủ hiểu biết, nhiều gia đình đặc biệt là chị em phụ nữ không hiểu về bạo lực gia đình cũng như những hành động nào là bạo lực gia đình dẫn đến việc cam chịu những cuộc cãi vã thậm chí đánh đập, đòi ly hôn. Tuy nhiên hiện nay, nhận thức của đồng bào đã được nâng cao, các cặp vợ chồng không còn tình trạng bạo lực gia đình, cùng nhau hướng tới xây dựng hạnh phúc, phát triển kinh tế".

Đặc biệt, những cặp vợ chồng trẻ tại ấp Tâm ngày nay có xu hướng đẻ từ 1 - 2 con nhằm mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, tập trung phát triển kinh tế để cho con em sau này được học hành đầy đủ.

W-Tây Ninh, Chăm 5.jpg

Từ những hoạt động tuyên truyền tích cực, sau nhiều năm, đời sống hôn nhân gia đình của cộng đồng người Chăm có những chuyển biến tích cực. "Vợ tôi đi làm buổi sáng, tôi đi lái xe vào buổi chiều, chúng tôi cùng san sẻ công việc nhà cũng như chăm lo kinh tế, vợ chồng hạnh phúc hơn...", anh A Mách chia sẻ.

W-Tây Ninh, Chăm 14.jpg

Theo bà Hồ Thị Duyên, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Suối dây, từ hoạt động của "Tổ phụ nữ không bạo lực gia đình", đến nay trong đồng các ấp người Chăm trên địa bàn xã không còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Qua đó, giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, chăm lo cho hạnh phúc gia đình, trẻ em được yên tâm tới trường.

W-Tây Ninh, Chăm 8.jpg

Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu về công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ. Hàng năm, phòng văn hóa - thông tin đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, ban hành các kế hoạch tổ chức tuyên truyền; chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền... Đồng thời, lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ với các hoạt động của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung sức XDNTM” góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng, gìn giữ gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

W-Tây Ninh, Chăm 19.jpg

Để công tác phòng, chống BLGĐ tiếp tục phát huy hiệu quả, huyện Tân Châu nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ; đổi mới, đa dạng nội dung và hình thức tuyên truyền; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, tuyên truyền viên về công tác gia đình; tiếp tục nhân rộng, nâng cao chất lượng sinh hoạt các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, mô hình phòng, chống BLGĐ tại các xã, huyện.