Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là những hủ tục đã tồn tại lâu đời trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS), gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như gia tăng đói nghèo, suy giảm chất lượng giống nòi và ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Tại tỉnh Phú Thọ, các huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập, nơi có phần lớn dân số là người Mường, tình trạng này từng là bài toán nan giải.

Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực không ngừng trong công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại các huyện này đã giảm rõ rệt, mang lại những kết quả tích cực. Các hoạt động tuyên truyền ngày càng đổi mới, sáng tạo, phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng và địa phương, nhờ đó nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

tuyên truyền 2
Phú Thọ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, đem lại những hiệu quả rõ rệt.

Một trong những hình thức tuyên truyền nổi bật là các tiểu phẩm kịch ngắn, hoạt động văn nghệ có nội dung về chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Điển hình là buổi tuyên truyền tại Trường THCS Thắng Sơn, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, nơi các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được xem những tiểu phẩm sinh động, gần gũi với cuộc sống với chủ đề chống nạn tảo hôn.

Em Đinh Thanh Trúc, học sinh lớp 9A, Trường THCS Thắng Sơn, chia sẻ: “Hôm nay, em được xem tiểu phẩm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết, em nhận ra rằng mình còn nhỏ tuổi, cần tập trung học tập và phát triển bản thân. Những buổi tuyên truyền như thế này thực sự ý nghĩa và bổ ích”.

Ngoài ra, Tỉnh đoàn Phú Thọ đã phối hợp với các trường học để tổ chức chuỗi hoạt động trải nghiệm cho học sinh, lồng ghép nội dung phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ông Chu Thành Lực, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thắng Sơn, cho biết: “Trường có nhiều học sinh là con em đồng bào dân tộc Mường. Nhờ có sự tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể, như Tỉnh đoàn và Huyện đoàn, nhận thức của các em đã thay đổi tích cực. Trong nhiều năm qua, trên địa bàn xã và trong nhà trường không ghi nhận tình trạng học sinh tảo hôn hay kết hôn cận huyết”.

Bên cạnh các buổi tuyên truyền trực tiếp, chính quyền các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập còn phát huy hiệu quả của truyền thông trên nền tảng số. Các thông tin về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết và các chính sách hỗ trợ được phổ biến qua các nhóm Zalo, Facebook cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.

Các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết được lồng ghép vào chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Đây là giải pháp toàn diện, kết hợp giữa truyền thông, hỗ trợ kinh tế và giáo dục nhận thức.

tuyên truyền 1
Hoạt động tuyên truyền diễn ra dưới nhiều hình thức.

Cán bộ Đinh Thị Tuyết Mai, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ, nhấn mạnh: “Hoạt động tuyên truyền này là một phần trong chuỗi chương trình tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại ba huyện là Yên Lập, Tân Sơn và Thanh Sơn, nơi có đông đồng bào dân tộc Mường. Chúng tôi mong muốn tác động sâu sắc tới nhận thức của học sinh, thanh thiếu niên và phụ huynh, hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức, từ đó giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết”.

Nỗ lực tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại các huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập đã mang lại những kết quả tích cực. Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 16 cặp tảo hôn, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tân Sơn và Thanh Sơn. Trong khi đó, các huyện Đoan Hùng, Thanh Thủy và Yên Lập không còn tình trạng tảo hôn trong giai đoạn này.

Cụ thể, tại Yên Lập, nhận thức của người dân đã thay đổi rõ rệt. Thay vì để con em kết hôn sớm, nhiều phụ huynh đã khuyến khích con cái tiếp tục học tập, tham gia các lớp đào tạo nghề hoặc xuất khẩu lao động. Các hoạt động tuyên truyền tại trường học đã giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc học tập và xây dựng tương lai bền vững.

Các số liệu từ chương trình Mục tiêu quốc gia cũng cho thấy, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong cộng đồng dân tộc Mường giảm mạnh. Năm 2019, tỷ lệ hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh là 0,13%. Đến nay, các địa phương như Yên Lập, Đoan Hùng không còn ghi nhận trường hợp nào mới.

Những kết quả tích cực tại huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Với các hình thức tuyên truyền linh hoạt, đổi mới, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Đây là cơ sở vững chắc để các huyện miền núi tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện thành công các chương trình phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong những năm tiếp theo.